Chàng trai đối đầu với cái chết vẫn 'mỉm cười bước tiếp'

Dẫu đang bị cùng lúc nhiều bệnh hiểm nghèo, vậy nhưng ngày đêm vẫn sử dụng kiến thức của mình để giải đáp những thắc mắc về tâm lý cho bao người.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy - Ảnh: Thanh Nam

Đó là thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt. Anh là một trong những gương mặt quen thuộc và khá nổi tiếng trong giới học sinh, sinh viên trên khắp cả nước.

“Người như quả bong bóng”

Tháng 2.2011 có lẽ là cột mốc chẳng thể nào quên với Duy. Khi đang là sinh viên Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đang sở hữu những điểm số học tập cao ngất ngưởng, có thể đảm bảo cho ngày mai rạng rỡ, ấy vậy mà phút chốc tương lai như đóng lại khi Duy biết tin mình bị suy thận giai đoạn cuối. Sự sống và cái chết ngăn cách bởi một khoảng cách quá mong manh và có thể đến bất cứ lúc nào.

“Cơ thể mình như một bộ máy. Có một bộ phận bị hỏng thì ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác”, Duy tâm tình.

Và cho đến tận ngày hôm nay, sau gần bốn năm dài đằng đẵng, Duy cùng lúc gánh chịu bao đau đớn: suy thận giai đoạn cuối, tim bị suy, huyết áp tăng giảm bất thường, gan phải lọc chất độc thay cho thận nên cũng gặp nhiều vấn đề, và đang mắc phải một dạng viêm khớp gây đau đớn nhất trong cơ thể…

“Hễ cứ trái gió trở trời là những cơn đau lại hành hạ. Đôi lúc nghĩ người mình sao lại giống quả bong bóng, căng lên rồi xẹp xuống, nhưng mong manh dễ vỡ quá chừng”, Duy nói.

Đấy là chưa kể để điều trị “ổ bệnh” này đã dẫn đến ngộ độc thuốc và khiến mắt Duy từng phải bị mù suốt hơn nửa năm. Giờ đây đã phục hồi lại nhưng thị lực chỉ còn khoảng 50%.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh - Ảnh: Thanh Nam

Nỗi buồn chẳng chịu buông tha, nhiều người biết bệnh tình đã nói với Duy trong cái lắc đầu: “Còn trẻ mà mắc bệnh này thì coi như tàn rồi”…

“Tuổi trẻ có nhiều ước mơ, hoài bão. Vậy mà bệnh tật đã cướp đi những điều mình mong mỏi. Đôi lúc buồn và chạnh lòng nhiều lúc muốn làm cái này, cái kia mà nào có được vì sức khỏe không cho phép”, Duy buồn kể.

Quẳng gánh lo đi mà sống

Dẫu bao nỗi khổ tâm là vậy, thế nhưng sự buông xuôi chưa từng tồn tại trong ý nghĩ của chàng trai này. Anh quyết tâm quẳng gánh lo đi mà sống, không để cho bản thân rơi vào tình trạng buồn hoặc bị quan. “Còn nếu lỡ có rơi vô thì việc nghĩ đến ba mẹ, thầy cô, bạn bè và cả những con người mới lạ nào đó mà mình sẽ gặp gỡ họ trong ngày mai, tặng cho họ một nụ cười là mình có đủ sức để mỉm cười và bước tiếp cuộc hành trình trong cuộc đời của mình”, Duy chia sẻ.

Và rồi, vượt qua tất cả, anh từng bước thực hiện được những ước mơ của mình. Do sức khỏe không đảm bảo nên Duy không làm cơ hữu ở bất cứ đâu. Hiện tại Duy làm tham vấn tâm lý ở Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt và thỉnh giảng ở một số trường như: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Công nghệ, CĐ Bách Việt… Nhờ vậy, từ kiến thức tâm lý và những trải nghiệm trong việc đối diện và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống của bản thân, Duy giúp bạn trẻ có tư duy tích cực, nhìn nhận cuộc đời qua lăng kính tích cực hơn, đẹp hơn, biết trân trọng và biến cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

Duy cũng là người thường xuất hiện trong những bài viết về giới trẻ trên Báo Thanh Niên và nhiều báo khác cũng như những chương trình truyền hình. Qua đó hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm, lời khuyên cho đời sống giới trẻ.

Với những kinh nghiệm chống chọi với bệnh suy thận suốt những năm qua, Duy chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, rằng để giữ được sức khỏe thì yếu tố tinh thần đóng vai trò rất quan trọng. Vì nhiều người bị suy thận đã suy sụp về tinh thần và kết quả là “ra đi” rất nhanh.

“Chúng ta cần cố gắng tìm ra những mặt tích cực trong những biến cố để hướng đến. Hãy có một lý tưởng nho nhỏ để thực hiện, tìm một việc phù hợp để làm, tìm những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống vì những điều ấy sẽ là chiếc đòn bẩy thần kỳ đem lại niềm vui và hạnh phúc”, Duy chia sẻ.

Anh cũng kể vì đang rất trăn trở để có những biện pháp hỗ trợ về mặt tâm lý cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y nói chung và suy thận mạn như bản thân nói riêng, nên anh quyết định thực hiện đề tài này trong luận văn thạc sĩ tâm lý sắp tới.

Có một mơ ước lớn lao của Duy, là sửa lại căn nhà nho nhỏ cho ba mẹ có chỗ trú nắng, trú mưa và giúp cho các em có công ăn việc làm ổn định. Nhưng với những “ổ bệnh” đang mang trong mình, đang ở giữa sự mong manh của sự sống và cái chết, Duy biết không dễ để thực hiện nhưng sẽ cố gắng từng ngày.

Thanh Nam

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/chang-trai-doi-dau-voi-cai-chet-van-mim-cuoi-buoc-tiep-666130.html