Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức

Chiều 20-5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XV (điều hành hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Chiều 20-5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XV (điều hành hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức.

Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trước đó, Quốc hội đã bầu ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XV (điều hành hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Theo kết quả kiểm phiếu, có 475/475 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, bằng 97,54% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn, giữ chức Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.

Sáng cùng ngày, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng. Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp).

Quốc hội cũng xem xét thông qua 3 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đại biểu tham dự kỳ họp.

Đại biểu tham dự kỳ họp.

Tại Kỳ họp, Quốc hội xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước: Xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có báo cáo việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước); xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; xem xét Báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Quốc hội cũng xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền...

Kỳ họp thứ 7 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành.Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 7.

B.T – TTXVN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-tuyen-the-nham-chuc-post295339.html