Chuyện các cựu chiến binh Đà Nẵng đi tìm đồng đội

Khi các tầng lớp nhân dân TP Đà Nẵng đang hân hoan hướng về lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng quê hương và tận hưởng đại tiệc pháo hoa bên sông Hàn, thì các cựu chiến binh (CCB) ở phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang âm thầm chuẩn bị cho chuyến ngược núi tìm hài cốt liệt sỹ, dự kiến sẽ xuất phát vào đầu tháng 4 tới.

Thông tin khá chính xác về 3 ngôi mộ là các chiến sỹ thuộc Đại đội Độc lập cánh Bắc Hòa Vang hy sinh năm 1968, đang lẩn khuất giữa đại ngàn phía cực Tây Đà Nẵng giáp với huyện Đông Giang (Quảng Nam), mà người dân Hòa Bắc (Hòa Vang) vừa cung cấp làm ai nấy không nguôi nỗi trăn trở. Đúng ra họ đã lên đường ngay khi nhận được tin báo, nhưng thân nhân liệt sỹ ấn định ngày cất bốc nên họ ráng chờ. Ông Bùi Thế Na, 57 tuổi, thương binh chống Mỹ, ngụ tổ 8, Xuân Thiều Hòa Hiệp Nam, là người đầu tiên nhận thông tin về nơi các liệt sỹ yên nghỉ giữa rừng sâu. Người cung cấp cho ông biết khá chính xác tên tuổi liệt sỹ, đơn vị, năm hi sinh. Đó là liệt sỹ Nguyễn Bồn, chiến sỹ Đại đội độc lập cánh Bắc Hòa Vang và 2 đồng đội của ông hi sinh năm 1968. Con trai ông Bồn là anh Nguyễn Hai, hiện ngụ tại thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, đã tha thiết yêu cầu những CCB phường Hòa Hiệp Nam cùng gia đình đi tìm đưa ba anh về nên đã gọi điện báo rất cụ thể, ấn định cả ngày giờ xuất phát. Đó là ngày 20/2 âm lịch (4/4/2010). Thông tin trên được ông Na truyền đạt với lãnh đạo Hội CCB phường Hòa Hiệp Nam. Cũng như các lần trước, Hội CCB phường triển khai ngay công tác chuẩn bị để các CCB lên đường đúng ngày giờ đã ấn định. Ba cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Nam, những người nhiều lần đi tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sỹ (người bên trái là ông Lê Xuân Hòa, Chủ tịch Hội CCB phường, người ngồi giữa là ông Trần Hữu Cúc và người bên phải là ông Bùi Thế Na). "Từ năm 1999 đến nay, ít nhất trên chục lần anh em chúng tôi ngược núi tìm đồng đội. Hễ nghe phong thanh ở đâu đó có dấu tích về mộ liệt sỹ là ai nấy giục nhau lên đường. Theo chỉ dẫn, 2-3 người tiền trạm đi trước để tìm kiếm. Khi đã xác định được vị trí về báo với Hội CCB phường rồi cùng bàn phương án tổ chức đi cất bốc. Không ít lần, cả đoàn hơn 10 người ngược Hòa Bắc, gửi xe máy tại thôn Phò Nam, lội bộ vào rừng 3-4 ngày trời chỉ với mục đích cao nhất là đến thật nhanh với đồng đội đưa họ về với gia đình, quê hương. Có đợt sau 3-4 ngày băng rừng lội suối vẫn không tìm ra manh mối gì phải về không. Có đợt cùng thân nhân liệt sỹ ở ngoài Bắc tìm kiếm cất bốc rồi chuyển về ngoài đó. Đợt phát hiện cất bốc 4 hài cốt liệt sỹ ở thượng nguồn Khe Răm thuộc địa bàn xã Hòa Bắc tháng 7/2009 là đợt tìm được nhiều liệt sỹ nhất. Đợt đó, qua di vật có trong hài cốt đã xác định được danh tính liệt sỹ đó là chị Phạm Thị Tân, y tá của Trạm xá 79, quê ở Hòa Hiệp Nam này. Chính vì nhiều chuyến ngược núi tìm đồng đội như vậy nên hễ ai đó phát hiện ra mộ liệt sỹ là họ báo ngay cho chúng tôi. Đợt này cũng vậy, thân nhân liệt sỹ báo về và tha thiết yêu cầu anh em chúng tôi lên đường cùng họ", ông Na tâm sự. Theo ông, thông tin mà anh Hai (con trai liệt sỹ Nguyễn Bồn) có được rất có thể từ những người rà sắt phế liệu hay nhà ngoại cảm nào đó cung cấp. Cùng với ông Na, ở Hòa Hiệp Nam, ít nhất hơn 10 CCB đã nhiều lần gác công việc gia đình đi tìm đồng đội. Họ ra đi trong yên lặng với sự thôi thúc của con tim. Tư trang, lương thực thực phẩm, thuốc men, kể cả những thứ dùng để quàn hài cốt liệt sỹ họ đều tự lo liệu. Có người tuổi cao sức yếu vẫn quyết đi bằng được. Có cặp vợ chồng CCB đều lên đường và cùng băng rừng lội suối nhiều ngày trời tìm đồng đội như ông Trần Đạt và bà Trần Thị Thanh Hoa ở tổ 9 Xuân Thiều… Hơn 10 năm qua, trên các khu rừng thuộc lâm phận Đà Nẵng liên tục in dấu chân những CCB phường Hòa Hiệp Nam. Các địa danh Khe Răm, Bàu bàng, Hòn Quặp, đèo Hải Vân... đã trở thành nơi thân quen đối với họ. Ông Đinh Trần Thụ, CCB ở tổ 19 nay đã 70 tuổi là người từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng từ năm 1965 đến ngày giải phóng. Chính ông đã từng chôn cất đồng đội và biết khá chính xác nhiều đồng đội khác yên nghỉ rải rác trên các dãy núi thuộc đèo Hải Vân và xã Hòa Bắc. Hồi đó ông là cán bộ của Đại đội công binh Hải Vân. Nhiều năm qua, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông vẫn lặn lội trèo đèo băng rừng cùng mọi người đi tìm đồng đội đưa họ về với gia đình, với quê hương. Chuyện về người CCB quê ở xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Nam Hà, nay gắn bó với Đà Nẵng này đi tìm đồng đội kể nhiều ngày không hết. Chỉ biết rằng, riêng ông đã cùng các CCB ở phường tìm và cất bốc không dưới 20 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó nhiều liệt sỹ đã về với gia đình quê hương ở ngoài Bắc

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/3/128109.cand