Chuyện Tú Oanh nuôi trẻ khiếm thính và làm hoa khô

“Ông trời không lấy hết đi cái gì của ai bao giờ. Những em khiếm thính ở đây cũng vậy, tuy các em không được lành lặn như chúng bạn cùng trang lứa, nhưng bù lại có những em rất tinh ý và giàu cảm xúc. Đó cũng là quy luật bù trừ của con người trong xã hội và tôi không nghĩ việc tôi nhận nuôi các em, dạy chúng làm sản phẩm hoa khô là làm từ thiện. Tôi chỉ nghĩ đó là cách tốt nhất để các em hòa nhập với cộng đồng, quên đi mặc cảm để sống tốt hơn” - Đó là những chia sẻ của diễn viên điện ảnh Tú Oanh khi nói về những em khiếm thính mà chị nhận nuôi trong thời gian qua.

Từ học nghề đến truyền nghề

Gặp diễn viên Tú Oanh trong số nhà 27a Nguyễn Công Hoan (Hà Nội), nhiều người nghĩ đây là “tổng hành dinh” của cô. Nhưng không, đây chỉ là gian hàng cô thuê làm nơi kinh doanh quần áo và giới thiệu một số sản phẩm hoa khô. Mặc dù rất bận với công việc “tay trái” của mình nhưng chị vẫn dành thời gian trò chuyện niềm nở với chúng tôi.

Chị tâm sự, vì yêu hoa từ nhỏ, thấy hoa là mê nên đã quyết định tìm nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu - người đầu tiên làm tranh ghép hoa lá khô, được UBND TP. Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân năm 2003 - để học nghề. Làm hoa khô trải qua nhiều công đoạn và phương pháp chủ yếu vẫn là thủ công. Từ việc tìm nguyên liệu đến chọn nguyên liệu sao cho tốt, nghiên cứu cách chế nguyên liệu để sao cho có màu sắc thật giống với thực tế là việc đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ và mất rất nhiều thời gian. Trong khi thực hành làm hoa, chị đã nghiệm ra tính chất công việc và nghĩ rằng công việc này rất phù hợp với những em không may bị khiếm thính. Chị le lói ý nghĩ đó trong đầu ngay từ khi vẫn còn đang học nghề và quyết định sau khi học xong sẽ tìm những em khiếm thính để truyền nghề.

Nhiều lần tới nhà thờ Tin lành (số 2 phố Ngõ Trạm, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm), thấy ở đó có một nhóm em bị khiếm thính đang sinh hoạt tại đây, chị nảy ra ý định nhờ một người phụ trách hiểu được ngôn ngữ của các em để truyền đạt ý muốn của mình tới các em. Hai “học trò” đầu tiên của chị là em Duy Khanh và Thu Hường. Ngoài những buổi trực tiếp hướng dẫn, chị còn đưa các em tới gặp nghệ nhân Nguyễn Bá Mai để các em thêm kinh nghiệm, mau tiến bộ trong nghề. Hiện nay, “học trò” Thu Hường đã lập gia đình và chị thấy rất vui vì điều đó. Với chị, niềm vui, hạnh phúc của những em khiếm thính ở đây cũng chính là niềm vui, hạnh phúc của chị. Những em tới trước giới thiệu cho những em tới sau, vì vậy có lúc trong nhà chị có tới 10 em theo học.

“Ngôi nhà chung”

Khó khăn nhất với chị là ngôn ngữ giao tiếp giữa cô - trò rất hạn chế. Những gì các em không hiểu, chị viết ra giấy và để các em đọc. Chị đã cố gắng học thêm ngôn ngữ cử chỉ bằng tay, chân và có khi là bằng cả cơ thể. “Các em bị khiếm thính chủ yếu là do gene di truyền từ gia đình, thế hệ trước bị nhiễm chất độc màu da cam, cũng có em sinh ra rất bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng do sử dụng kháng sinh quá liều dẫn đến bị điếc rồi bị câm”. Nói tới đây, giọng chị nhỏ dần và trầm hơn.

Nhiều năm sống chung dưới một mái nhà, được chị chăm sóc chu đáo từ hầu hết mọi sinh hoạt nên giữa chị và những em khiếm thính ở đây không khác nào mẹ con, chị coi các em như những đứa trẻ mà mình sinh ra. Luôn tâm niệm, chúng đã thiệt thòi từ khi sinh ra, vì vậy chị cố gắng làm hết sức mình để giúp đỡ chúng sống tốt, vui vẻ hơn, hòa nhập được với cộng đồng, không bị mặc cảm, có cơ hội giao tiếp nhiều hơn. Chị cho biết, trước khi tới với nghề làm hoa khô, các em cũng đã làm những công việc chân tay khác đòi hỏi sự khéo léo như: May, thêu, đan..., do đó các em tiếp thu và học nghề cũng khá nhanh. Vì rời xa gia đình từ nhỏ, vào các trung tâm dạy nghề từ sớm nên hầu hết các em có kĩ năng sống cho riêng mình, có tính tự lập cao.

Có những lúc khó khăn, chị xoay sang làm nhiều việc khác, tiền bán hoa khô lại không được nhiều - bởi để làm ra một sản phẩm hoa khô tốn rất nhiều thời gian, nhưng chị không cho phép sự cẩu thả. Chị và các em cùng làm việc, cùng chung sống với nhau và cùng hưởng những thành quả có được. Qua mỗi sản phẩm, chị đều có thể nhận ra chúng là của ai và nói đúng được tính nết của người làm ra nó.

Vừa rồi, niềm vui của chị được nhân lên gấp nbội khi hai em Hiền và Phong trong “ngôi nhà chung” đã quyết định cùng nhau xây dựng gia đình. Cùng với Hiền - Phong, nhiều em khác cũng đã đi xây dựng gia đình riêng, tìm cho mình một mái nhà mới. Vì vậy, “ngôi nhà chung” giờ đây chỉ còn lại 3 em.

Nhớ lại ngày đầu những em khiếm thính mới tới ở cùng, chị chia sẻ: “Tôi không có nhiều thời gian rảnh dỗi. Nhưng cuộc sống luôn thay đổi và cần biết khắc phục, vì vậy với tôi giờ đây mọi việc đều vận hành trôi chảy”. Nói rồi chị nở nụ cười viên mãn bởi chị cho biết động lực của chị chính là đức lang quân tâm lí - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, rất hiểu vợ, tạo mọi điều kiện để vợ thỏa mãn niềm đam mê của mình. Từ việc học làm hoa khô, tới việc dạy nghề, nhận nuôi những đứa trẻ khiếm thính - chị luôn nhận được sự ủng hộ từ anh.

Chúng tôi nhận ra sự nhiệt huyết của chị khi nói về hoa và sự cảm thông, đồng cảm, chia sẻ của chị khi nói về những đứa trẻ bị khiếm thính: “Hoa mãi là niềm đam mê, mơ ước của tôi. Tôi muốn dành cho những em khiếm thính tất cả những kinh nghiệm làm hoa khô mà tôi có. Tôi hi vọng sẽ có nhiều cơ sở dạy, kinh doanh nghề làm hoa khô để các em khiếm thính có thêm việc làm, vì việc này rất phù hợp với các em. Khi đó, giá hoa khô sẽ hạ, có chỗ đứng hơn trên thị trường, đồng nghĩa với việc cuộc sống của các em cũng sẽ được đảm bảo hơn”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/chuyen-tu-oanh-nuoi-tre-khiem-thinh-va-lam-hoa-kho-174643.bld