Con muỗi và bệnh sốt xuất huyết

- Có vẻ dịch sởi đã nguội bớt, em cũng thấy bớt lo cho cho mấy cháu nhỏ. Ở góc độ gia đình, có thêm nhiều bài học về phòng chữa bệnh.

- Bài học phòng bệnh hơn chữa bệnh không chỉ cho bệnh sởi mà cần ghi nhớ cho nhiều loại bệnh do lây nhiễm khác. Tôi đang lo cho chuyện sốt xuất huyết Đăng-gơ (Dengue) mà năm nào cũng có nhiều bệnh nhân mắc phải, nhiều khi cũng bùng phát thành dịch.

- Nhà em cũng có năm vài người mắc, có người phải nằm viện, cũng lo nơm nớp vì sợ nó xuất huyết giảm tiểu cầu, hậu quả khó lường. Sao mà khó chủ động phòng ngừa?

- Muốn chủ động phòng ngừa phải chờ khi có vaccine chống lại cả 4 chủng siêu vi trùng gây bệnh, nhưng hiện khoa học đang nghiên cứu, chưa tìm ra. Với hoàn cảnh nước mình, cách tốt nhất để phòng bệnh là chặt đứt đường truyền (y học gọi là vector truyền bệnh).

- Thế thì các bác ngành y “chặt” cái vector ấy đi.

- Virus Dengue truyền bệnh qua trung gian là con muỗi Aedes. Có đặc điểm là chỉ muỗi cái truyền bệnh và có loài Aedes Aegypti là loại muỗi ngày. Diệt được loài muỗi này mới mong chặn được bệnh. Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng ẩm rất thuận lợi cho côn trùng, ruồi muỗi sinh trưởng. Không có cách gì mà tiêu diệt hoàn toàn loài muỗi cho cả một đất nước.

- Nhưng em thấy ở Hà Nội và rất nhiều đô thị nước ta, nhà cửa tiện nghi và mức sống trung bình hiện nay đã lâu có thấy ai phải mắc màn khi ngủ đâu.

- Cô quên mất loài muỗi gây bệnh là loài muỗi ngày, kể cả cô có mắc màn ngủ trưa cũng khó tránh muỗi đốt. Chỉ cần cô đứng rửa bát hay các cháu ngồi học bài, bọn muỗi cũng nhè chân người mà đốt vì chân ở đúng tầm muỗi dễ hoạt động. Những vùng miệt vườn, sông nước, cây cối nhiều, chăn nuôi nhiều luôn luôn có thể thành ổ dịch.

- Nhưng tại sao ở thành phố cũng bị?

- Do tốc độ phát triển đô thị nhanh mà thiếu quy hoạch đồng bộ đã tạo ra những vùng nước đọng ở mọi nơi mọi chỗ tạo cơ hội cho một chủng có tên là Aedes Aegypti Formosus, một loại muỗi chuyên sống ở đô thị. Ngoài những diện tích mặt nước lớn của cả một thành phố, ngay những tiểu cảnh kiến trúc như hồ, thác nước, suối nhỏ làm cảnh, cho đến cây vườn bãi cỏ trong biệt thự cao cấp cũng thành nơi muỗi “đô thị” lưu trú.

Những chỗ tối, ít sử dụng như gác xép, nhà kho, hay gầm tủ gầm giường, nhiều đồ đạc quần áo đồ vải đều là nơi có muỗi. Khi ở trong nhà, ăn mặc thoáng mát, không mấy ai có ý thức tránh muỗi đốt ban ngày nên người đô thị cũng bị bệnh và cũng dễ lây truyền do không gian chật hẹp, mật độ dân cư cao.

- Nghĩ lại, năm nọ nhà em mấy người bị sốt xuất huyết rơi đúng vào hoàn cảnh đó. Vậy làm sao phòng tránh được.

- Trên địa bàn rộng, ngành vệ sinh phòng dịch vẫn có chương trình phun thuốc diệt muỗi định kỳ nhằm hạn chế muỗi sinh sản nhanh. Cũng có nhiều chiến dịch truyền thông phổ biến cách trừ muỗi như làm sạch, làm quang ngoại cảnh, che đậy dụng cụ chứa nước… có tác dụng phần nào hạn chế muỗi. Vậy cần có cách phòng bổ sung hữu hiệu hơn là phòng bệnh từ trong gia đình và do bản thân từng người.

Cần giữ sạch sẽ môi trường sống trong và ngoài nhà ở; sân vườn sạch sẽ, không lưu cữu rác rưởi, không để nước tù đọng; trong nhà giữ cho quang đãng, dọn dẹp lau sạch gầm giường tủ, tránh để những góc tối khuất... Với từng người, phải chú ý đề phòng muỗi đốt ban ngày. Làm mọi cách không để muỗi đốt là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/suc-khoe/con-muoi-va-benh-sot-xuat-huyet-197841.bld