“Cửa ải Praha”

(ANTĐ) - Tuyên bố của Tổng thống Séc V.Klaus rằng ông không thay đổi quan điểm và sẽ không ký Hiệp ước Lisbon chẳng khác nào như gáo nước lạnh dội vào giấc mơ nhất thể hóa châu Âu, khi mà mục tiêu này đã cận kề.

Tuyên bố của Tổng thống V. Klaus đang làm cả châu âu lo ngại Cho đến nay, đã có 26/27 nước thành viên EU đồng ý ký Hiệp ước Lisbon, văn bản được coi như Hiến pháp mới của Liên minh châu Âu (EU). Nếu như Séc đồng ý, một châu Âu không biên giới với cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động hoàn toàn mới sẽ chính thức ra đời. Thế nhưng, cái “lắc đầu” của Tổng thống V.Klaus có thể xóa đi tất cả, bởi hiện nay nguyên tắc hoạt động của EU vẫn là “đồng thuận”, chỉ cần một nước phản đối là mọi quyết sách của liên minh này phải dừng lại. Phải nói rằng so với quy định hiện hành, Hiệp ước Lisbon có nhiều ưu điểm hơn hẳn nhờ chủ trương tập trung quyền lực vào cơ quan điều hành trung ương. Từ nhiều năm nay, EU áp dụng hình thức “lần lượt cầm trịch”, chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu do các nước thành viên EU luân phiên đảm nhiệm với thời hạn nửa năm nên chỉ mang tính hình thức, rất khó đóng vai trò thay mặt EU. Hiệp ước Lisbon xóa bỏ cơ chế luân phiên, quy định bầu Chủ tịch Hội đồng châu Âu bằng hình thức bỏ phiếu với nhiệm kỳ hai năm rưỡi. Như vậy, EU sẽ xuất hiện trên vũ đài chính trị quốc tế như một hình ảnh chung, ảnh hưởng của EU sẽ được nâng cao đáng kể. Hiệp ước Lisbon cũng đơn giản hóa quy trình thông qua các quyết sách của EU, hủy bỏ quyền phủ quyết của các nước thành viên trong khoảng 50 lĩnh vực. Kể từ năm 2014, “quy chế biểu quyết đa số kép” sẽ có hiệu lực, các dự thảo chỉ cần giành được sự tán thành của 55% nước thành viên và 65% dân số EU là có thể được thông qua. Sẽ không còn xuất hiện cục diện khó xử, khi một chính sách nào đó không được thực thi bởi một nước phản đối. Mức độ liên kết và ràng buộc trong liên minh sẽ được nâng lên. Đây được xem như một nỗ lực nhằm nêu bật những đặc tính dân chủ của EU. Vậy thì vì sao người Séc vẫn phân vân? Lâu nay, những thành viên sáng lập EU giàu tiềm năng như Pháp, Đức, Italy, Anh… luôn được coi như “ông lớn” trong khối, mọi quyết định trong EU hầu như tập trung vào các nước này. Gia nhập sau vốn đã phải chịu nhiều thiệt thòi, các nước Đông Âu như Séc, Ba Lan còn phải chịu cảnh “mâm dưới” nên luôn cảm thấy bức xúc. Nếu như Hiệp ước Lisbon được thông qua, nó sẽ hợp pháp hóa vị trí “mâm trên” của Đức, Pháp, Anh, Italy. Lúc đó, dù có phát triển đến mức cao trong tương lai, Séc, Ba Lan vẫn phải chấp nhận vị trí khiêm tốn của mình. Chính vì thế, 17 thượng nghị sĩ Séc đã gửi đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp nước này, yêu cầu hoãn việc phê chuẩn với lý do hiệp ước này có thể xâm hại chủ quyền đất nước và trở thành cơ sở pháp lý để thành lập một “siêu quốc gia châu Âu”, đi ngược lại Hiến pháp Séc. Giờ đây, cả châu Âu đang hướng về Thủ đô Praha của Séc để chờ tiếng nói cuối cùng của nước này. “Cửa ải Praha” sẽ trở thành nơi quyết định tương lai của một trong những dự án được đánh giá là tham vọng nhất trong thế kỷ này.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=59843&channelid=7