Đấu thầu vàng miếng năm 2024 khác gì 11 năm trước?

Sau 11 năm, NHNN tiếp tục đưa ra phương án đấu thầu vàng miếng, tuy nhiên, trong lần đấu thầu này có nhiều điểm khác biệt.

11 năm trước, vào năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra phương án đấu thầu vàng, nhằm tăng nguồn cung vàng trên thị trường, từ đó “ghìm cương” giá vàng.

Trong cả năm 2013, NHNN đã tổ chức tổng cộng 76 phiên đấu thầu vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là hơn 1,8 triệu lượng trên tổng số 1,93 triệu lượng chào thầu.

Nhờ đó, từ giữa năm 2013, giá vàng SJC có xu hướng hạ nhiệt và loanh quanh ở ngưỡng 37 - 38 triệu đồng/lượng. Mức giá này duy trì tới hết năm 2018.

 Sau 11 năm, NHNN tiếp tục đưa ra phương án đấu thầu vàng miếng, tuy nhiên, trong lần đấu thầu này có nhiều điểm khác biệt. (Ảnh: ST)

Sau 11 năm, NHNN tiếp tục đưa ra phương án đấu thầu vàng miếng, tuy nhiên, trong lần đấu thầu này có nhiều điểm khác biệt. (Ảnh: ST)

Sau 11 năm, NHNN tiếp tục đưa ra phương án đấu thầu vàng, tuy nhiên, trong lần đấu thầu này có nhiều điểm khác biệt.

Theo thông báo của NHNN vào giữa tháng 4/2024, đơn vị này tiến hành đấu thầu vàng miếng SJC với tổng khối lượng dự kiến sẽ đấu thầu là 16.800 lượng. Giá tham chiếu là 81,8 triệu đồng/lượng.

Kể từ ngày 22/4 tới nay, NHNN đã tổ chức 5 phiên đấu thầu vàng miếng. Trong phiên đấu thầu mới nhất diễn ra vào ngày 8/5, đã có 3 đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô vàng miếng tương đương với 3.400 lượng vàng.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho hay: Khác với năm 2013, trong lần đấu thầu vàng miếng năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt hơn và doanh nghiệp sợ rủi ro hơn.

Sự kiểm soát chặt của NHNN thể hiện ở việc quy định giá sàn đấu thầu ở mức khá cao, trong khi lại kiểm soát mức giá trần bán ra.

Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các doanh nghiệp đấu thầu phải mua lượng vàng tối thiểu khá lớn, là 1.400 lượng.

“Những yêu cầu mới của NHNN buộc các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định đấu thầu. Bởi lẽ, hiện giá vàng thế giới vẫn đang biến động mạnh. Doanh nghiệp mua vàng vào, nếu đẩy nhanh được tốc độ thanh khoản khi giá vàng còn giữ ở mức cao thì có lãi, còn nếu mua vàng miếng số lượng lớn, song không bán ra được, buộc phải lưu trữ, nguy cơ thua lỗ rất lớn”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đồng tình với nhận định giải pháp đấu thầu vàng hiện nay có nhiều điểm khác với bối cảnh năm 2013.

Dưới góc nhìn của TS Cấn Văn Lực, vào thời điểm đó, tình hình “vàng hóa” nền kinh tế diễn ra khá cao. Nguyên nhân là do NHNN cho phép vay mượn bằng vàng nên các ngân hàng có thể cho vay vàng.

Còn hiện nay, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời và cơ bản hoàn thành sứ mệnh chống “vàng hóa” sau 12 năm thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một vấn đề chưa giải quyết được là quan hệ cung cầu chưa cân bằng.

Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN cần phải sớm lấy lại cân bằng giữa quan hệ cung cầu về vàng và thu hẹp chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.

“Tôi cho rằng NHNN đã có các phương án can thiệp thị trường vàng, vấn đề còn lại chỉ là triển khai thực hiện. Với các giải pháp can thiệp thời gian tới, thị trường vàng sẽ dần ổn định”, ông Lực cho biết.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, người đã có kinh nghiệm tham gia các phiên đấu thầu vàng từ năm 2013 cho biết, thời điểm 2013, thông qua việc đấu thầu, NHNN khi ấy không đặt mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức để cân bằng với giá vàng thế giới mà chủ yếu đặt mục tiêu tăng cung ra thị trường để giải quyết vấn đề nhu cầu vàng.

Trong khi đó nhu cầu vàng miếng là có thực, trong đó có một phần từ các ngân hàng tất toán trạng thái. Mặt khác, giá vàng quốc tế có sự sụt giảm rất mạnh, giảm mạnh nhất trong 30 năm. Đây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới vẫn có sự chênh lệch.

Thực tế cho thấy, các phiên đấu thầu năm 2013 đã hiện thực hóa được các mục tiêu là cân đối thị trường vàng trong nước, tăng nguồn cung vàng trong nước, giảm chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng Việt Nam, ổn định tỷ giá và chống “vàng hóa” nền kinh tế cũng như tăng độ hiệu quả của chính sách tiền tệ.

“Còn bối cảnh hiện nay thì khác, đấu thầu vàng xuất phát do nhu cầu của người dân, mục tiêu là mong muốn bình ổn thị trường vàng và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới”, ông Tuấn cho hay.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-thau-vang-mieng-nam-2024-khac-gi-11-nam-truoc-post295395.html