Đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô xứng đáng với vị thế

KTĐT - Sáng 6/9, tại Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.

Ngày 05/5/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, Vùng Thủ đô Hà Nội gồm có 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, có tổng diện tích 13.428 km2, dân số gần 13 triệu người, với đô thị trung tâm là Thủ đô Hà Nội.

Ngày 29/5/2008 Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết mở rộng Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.444km2. Để đảm bảo sự phát triển tương xứng trong vùng sau khi đô thị trung tâm Hà Nội được mở rộng, Vùng Thủ đô được mở rộng thêm 3 tỉnh mới là Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang, với tổng diện tích toàn Vùng là 24.315km 2 , quy mô dân số xấp xỉ 17,5 triệu người (năm 2012), chiếm 19,1% dân số cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Phó trưởng BCĐ nhận định, sau 10 năm hoạt động của BCĐ và 5 năm thực hiện quy hoạch xây dựng (QHXD) Vùng Thủ đô, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng công tác Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Vùng luôn duy trì ở mức cao và tương đối ổn định với tổng sản phẩm GDP toàn Vùng năm 2012 đạt khoảng 646.730 tỷ đồng, chiếm 21,72% so với cả nước; GPD bình quân đầu người đạt 1.748USD (bình quân cả nước 1.379,5USD). Cơ cấu kinh tế trong Vùng dịch chuyển nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Mô hình tổ chức quản lý phát triển Vùng đã đạt được những kết quả bước đầu thông qua hoạt động của BCĐ quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô, sự tham gia của các địa phương, bộ, ngành.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do hệ thống thể chế chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng (trong đó có QHXD) còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, thậm chí còn có những điểm chồng chéo; thiếu cơ chế để đảm bảo quản lý thống nhất về công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng cấp Vùng; Một số địa phương chưa thực sự đề cao và phát huy hiệu quả các yếu tố lợi thế của toàn Vùng cũng như các địa phương khác trong Vùng; còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương; việc cân đối các nguồn lực đầu tư chưa hợp lý; mô hình tổ chức và hoạt động của BCĐ quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô hiện nay còn bất cập, chưa xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng trọng Vùng nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Trong thời gian tới, BCĐ sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện việc lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô; Cụ thể hóa Quy hoạch vùng Thủ đô, khẩn trương nghiên cứu lập, điều chỉnh, bổ sung để sớm phủ kín các quy hoạch chuyên ngành, QHXD vùng tỉnh, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, QHXD nông thôn tại tất cả các địa phương trong Vùng; tổ chức thực hiện quy hoạch vùng Thủ đô; đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội cho 8 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia; nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng Vùng…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô, để đưa Vùng Thủ đô ngày càng phát triển, xứng đáng với vai trò, vị thế là một vùng lãnh thổ đặc biệt quan trọng của quốc gia.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/do-thi/quy-hoach-xay-dung/2013/09/8101faa2/dau-tu-xay-dung-vung-thu-do-xung-dang-voi-vi-the/