Đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh để kết nối vùng

Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh là tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ. Do đó, các địa phương trong vùng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để sớm khởi công dự án.

Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn Đồng Nai có điểm cuối tuyến là vị trí trước mố cầu Thủ Biên, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: tư liệu

Hiện nay, các địa phương đang phối hợp đề xuất các cơ chế đặc thù nhằm sớm triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Sẽ có đơn vị tư vấn tổng thể

Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2011. Tuyến đường này đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến giao thông liên kết vùng Đông Nam Bộ, mà còn mở ra kết nối thông thoáng với Tây Nguyên. Về phương thức triển khai, các địa phương đã thống nhất mỗi địa phương sẽ làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện các đoạn qua địa bàn.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh được giao làm cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện dự án. Bộ Giao thông vận tải là cơ quan điều phối chung. Dự án qua nhiều địa phương nên việc có đơn vị tư vấn tổng thể sẽ đảm bảo thống nhất về mặt kỹ thuật và các yếu tố liên quan phương án tài chính của các dự án thành phần theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP).

Ngày 6-5 vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chấp thuận chủ trương sử dụng ngân sách thành phố để thuê đơn vị tư vấn thực hiện rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho dự án này.

Theo đó, chi phí thuê đơn vị tư vấn tổng thể sẽ được tính vào tổng mức đầu xây dựng trong báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn thành phố, do UBND Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ quan có thẩm quyền.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Giao thông vận tải thành phố khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các sở, ngành liên quan của thành phố trao đổi thống nhất, xác định các vấn đề liên quan (nội dung công việc, tiến độ thực hiện, sản phẩm đầu ra...) để giao nhiệm vụ cho đơn vị tư vấn tổng thể thực hiện; tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn tổng thể theo đúng quy định hiện hành.

Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài khoảng 46km. Điểm đầu tuyến thuộc địa phận huyện Cẩm Mỹ và điểm cuối tuyến thuộc địa phận huyện Vĩnh Cửu (không bao gồm cầu Thủ Biên). Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Công ty CP Đầu tư Mikgroup triển khai lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi triển khai thực hiện theo hình thức PPP. Đến nay, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã cơ bản hoàn thành. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn tỉnh hơn 17,2 ngàn tỷ đồng (không bao gồm lãi vay).

Đề xuất Trung ương hỗ trợ vốn giải phóng mặt bằng

Do tổng mức đầu tư lớn, các địa phương có tuyến đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đi qua đã thống nhất sẽ thực hiện đầu tư phân kỳ đối với dự án. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn xe để thuận lợi cho việc mở rộng trong tương lai. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 sơ bộ hơn 127 ngàn tỷ đồng.

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 5-5-2024, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kiến nghị Trung ương hỗ trợ 50% phần vốn giải phóng mặt bằng cho Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai; 75% đối với Long An; Thành phố Hồ Chí Minh xin tự cân đối vốn.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, trong quá trình chuẩn bị, các địa phương nhận thấy chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, và cơ chế sử dụng ngân sách của địa phương này cho địa phương khác. Từ đó, ông Phan Văn Mãi đề xuất chấp thuận giao Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án này. Trong đó, vận dụng một số cơ chế chính sách đặc thù khi thực hiện Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía tỉnh Đồng Nai, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cũng kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua nghị quyết cơ chế đặc thù cho dự án. Đặc biệt, đề xuất nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ 50% nguồn vốn tham gia của ngân sách nhà nước cho dự án. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cầu Thủ Biên, một hạng mục thuộc Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202405/day-nhanh-tien-do-duong-vanh-dai-4-thanh-pho-ho-chi-minh-de-ket-noi-vung-e7551ef/