Để người dân thấy rõ lợi ích

UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất chủ trương triển khai thí điểm thẻ, vé điện tử đối với 10 tuyến buýt mới. Trước đó, từ tháng 11-2023, việc thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử tích hợp, liên thông đa phương thức cho giao thông công cộng đã được áp dụng với 14 tuyến buýt.

Điều tiện lợi khi áp dụng phương thức này là hành khách chỉ cần quẹt thẻ trên thiết bị lắp đặt ở cửa ra vào bến hoặc trên xe thay cho việc chuẩn bị tiền lẻ mua vé rồi đợi trả lại tiền thừa, rất lích kích cho cả hành khách và nhân viên bán vé.

Cũng ở lĩnh vực giao thông, Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội vừa hoàn tất đề án triển khai thu phí trông giữ xe tự động không dùng tiền mặt. Giai đoạn đầu thí điểm tại 8 tuyến phố, trong đó với xe ô tô có các điểm trên phố Trần Quang Khải, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt. Các điểm trông giữ xe này được sử dụng công nghệ như áp dụng với các trạm thu phí không dừng và công nghệ trí tuệ nhân tạo nhận dạng biển số, kiểm soát phương tiện ra vào.

Chủ phương tiện thanh toán nhanh, thuận tiện mà không phải băn khoăn về sự chính xác khi tính thời gian gửi bởi tất cả được kiểm soát tự động.

Trước đó, việc đổi giấy phép lái xe đã được áp dụng trực tuyến toàn trình, người dân có thể thực hiện thủ tục từ xa không phải xếp hàng đợi. Ứng dụng số cũng được đưa vào giải quyết tình trạng ùn ứ ở các trạm đăng kiểm trong một số thời điểm năm 2023. Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, chuyển đổi số đang được đẩy nhanh ở lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, như khai sinh trực tuyến đạt 99%, đăng ký nhập học trực tuyến cũng có tỷ lệ tương tự... Thành phố đã thiết lập 8,1 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân và Sở Y tế Hà Nội đang chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu từ năm 2021 đến nay. Các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị điều kiện triển khai học bạ số...

Chuyển đổi số là xu hướng và được coi là động lực tăng trưởng mới. Nói đến chuyển đổi số là thường nói nhiều đến công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu, tự động, điện toán đám mây... Nhiều ứng dụng đã khá phổ biến như ChatGPT, eKYC (xác thực từ xa), mobile banking... Tuy nhiên, tựu trung lại, điều được quan tâm nhất là chuyển đổi số, ứng dụng số mang lại tiện ích, sự thuận lợi gì cho người dân? Người dân được thụ hưởng gì ở chuyển đổi số?

Trên thực tế, người dân là một chủ thể không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số. Muốn chuyển đổi số thành công, ngoài các nền tảng số, ứng dụng số, hạ tầng số... thì không thể thiếu sự tham gia của người dân. Vì thế, cần phải có ứng dụng số mang lại tiện ích cho người dân, để người dân hưởng thụ thật, hưởng thụ một cách hiệu quả. Tránh ngay những thứ hình thức, như yêu cầu đăng ký trực tuyến nhưng vẫn phải đến xếp hàng nộp hồ sơ trực tiếp; đến làm thủ tục trực tiếp rồi nhưng vẫn bắt người dân phải đăng ký trực tuyến mới nhận hồ sơ. Như vậy, chuyển đổi số không mang đến sự thuận lợi mà lại đẻ thêm thủ tục gây phiền hà.

Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, làm động lực có nghĩa phải có nhiều hơn sản phẩm số phục vụ người dân, giải quyết vấn đề mà người dân đang gặp phải. Tiện ích và sự thuận lợi đo đếm được mới kéo được người dân tham gia tích cực vào chuyển đổi số, từ đó xây dựng xã hội số, công dân số. Ngược lại, người dân sẽ còn xa lạ, không tham gia vào chuyển đổi số, nếu không thấy được lợi ích của chuyển đổi số.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-nguoi-dan-thay-ro-loi-ich-662125.html