Để tang Bác trong sào huyệt quân địch

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nữ tình báo Nguyễn Thị Mỹ Nhung (năm nay 85 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) hoạt động với “vỏ bọc” tiểu thư Tám Thảo, công tác trong lực lượng Hải quân Mỹ.

Hằng ngày phải tiếp xúc với bọn sĩ quan, kể cả tình báo của quân đội nhà nghề, nên việc che giấu cảm xúc trước những thông tin bất ngờ với cô là chuyện bình thường. Vậy mà khi nghe tin Bác Hồ mất, tim cô như thắt lại, cổ họng nghẹn ứ. Nhớ lại thời điểm đó, bà Tám Thảo kể: “Sáng hôm ấy, tôi vừa đến công sở được chừng ít phút thì tên thiếu tá Mỹ bước vào phòng, đến gần chỗ tôi ngồi làm việc. Hắn nói: “Ông Hồ mất rồi”. Tôi lặng người trong giây lát như không tin vào tai mình, nhưng kịp trấn tĩnh, bởi tôi biết tên thiếu tá đang chằm chằm theo dõi thái độ của tôi. Nhìn vào tập tài liệu trên bàn, tôi buông một câu gọn lỏn: “Vậy à”, rồi tiếp tục làm việc như không có chuyện gì xảy ra. Trước thái độ lạnh lùng của tôi, tên thiếu tá lặng lẽ quay ra”.

Bà Tám Thảo.

Cả ngày hôm đó, Tám Thảo rối bời ruột gan, nỗi đau đè nặng, nhưng cô vẫn cố kìm nén. Nữ tình báo nhớ lại: “Hôm ấy, chưa bao giờ tôi có cảm giác ngày làm việc dài đến thế, chỉ mong sớm tan sở...”.

Nữ tình báo cũng nghĩ ra một cách rất riêng để có thể chịu tang Bác Hồ ngay trong sào huyệt của bọn lính Hải quân mà chúng không hay biết. Đó là, cô mặc đồ trắng tới công sở như một hình thức tôn kính, chịu tang Người. Kết thúc chiến tranh, điều mong ước đầu tiên của bà Tám Thảo là ra Hà Nội viếng Lăng Bác.

Trở về với đời thường, bà vẫn tích cực tham gia công tác xã hội và thường được các trường học, Đoàn Thanh niên địa phương mời kể chuyện về những năm tháng lặng thầm chiến đấu trong lòng địch, về tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác, nhất là khi nghe tin Bác mất, về những tình huống đấu trí một mất một còn với địch… góp phần bồi đắp lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Bà Tám Thảo bộc bạch: “Tôi muốn thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn trân trọng, khắc ghi công lao của thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Và dù trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt đến mấy, mỗi người hãy bình tĩnh tìm ra giải pháp tối ưu để hoàn thành mọi nhiệm vụ”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/de-tang-bac-trong-sao-huyet-quan-dich-517791