Đề thi với giá trị nhân văn cốt lõi và phân loại cao

GD&TĐ - Từ tỉnh Hưng Yên, thầy Nguyễn Văn Song - Trường THPT Phù Cừ nhận định: Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn của Hà Nội năm nay là một đề thi có tính phân loại cao, có sự kết hợp giữa kiến thức văn học và nghị luận xã hội, có tính giáo dục với những giá trị nhân văn cốt lõi, đề khá hay và sáng tạo.

Kiến thức trong đề thi là những nội dung cơ bản, nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 9. Các câu hỏi có sự phân loại cao, với các mức độ khác nhau từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng.

Nội dung kiến kiến thức có thể đánh giá học sinh khá toàn diện, phong phú từ tiếng Việt, làm văn, đọc hiểu văn bản. Các ngữ liệu được lựa chọn hay, phù hợp với đề thi tuyển sinh.

Câu 1 kết hợp giữa đọc hiểu văn bản, kiểm tra kiến thức tác phẩm văn học với nghị luận xã hội. Vấn đề được vận dụng khá tiêu biểu với đề nghị luận xã hội, có tính giáo dục cao.

Câu 2 kết hợp giữa đọc hiểu với tạo lập một đoạn văn với những yêu cầu cụ thể về hình thức, nội dung. Các yêu cầu của đề bài được sắp xếp theo mức độ tăng dần về độ khó. Đề có tính phân loại cao.

Tổng thể, đây là một đề văn phù hợp với kì thi tuyển sinh, đánh giá được năng lực của người học, tránh được tình trạng học vẹt. Tuy nhiên, đề còn nặng về đọc hiểu với nhiều câu hỏi nên tạo cảm giác nát, vụn. Phần vận dụng cao không có yêu cầu về tạo lập văn bản mà chỉ dừng lại tạo lập đoạn nên chưa khai thác hết năng lực của những học sinh giỏi.

Chia sẻ về đề thi, cô Nguyễn Hồng Lê - Giáo viên Văn, Trường THPT Xuân Đỉnh(Từ Liêm - Hà Nội) - nhận xét: Đề thi rất vừa sức với học sinh với chủ đề quen thuộc, hướng tới tính nhân văn là tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Đây là một đề thi hay và mang tính sáng tạo, khơi gợi được năng lực của phần lớn học sinh. Dự đoán, phổ điểm sẽ tập trung nhiều ở thang điểm Khá.

“Đề thi ý nghĩa ở chỗ đã nhắc các em về bài học đầu đời vô cùng quan trọng, đó là bài học nhận thức về tình yêu gia đình, quê hương. Đề thi như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu sắc, mong các học sinh trước ngưỡng cửa THPT biết sống cân bằng và quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần để tạo sự cân bằng trong cuộc sống" - cô Hồng Lê cho biết.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/de-thi-voi-gia-tri-nhan-van-cot-loi-va-phan-loai-cao-3400109-v.html