Dệt ước mơ từ thổ cẩm

Với phụ nữ S'tiêng, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa đi vào tiềm thức mà mỗi người luôn có ý thức giữ gìn. Và để tạo ra những sản phẩm hiện đại, bắt kịp xu thế cuộc sống, vừa góp phần giữ gìn nét văn hóa dân tộc, nhiều người S'tiêng ở Bình Phước đã cách tân sản phẩm văn hóa này. Tổ khởi nghiệp thổ cẩm ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản là một minh chứng.

Tổ khởi nghiệp thổ cẩm được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thanh An ra mắt đầu năm 2024. Thành viên của tổ đa dạng lứa tuổi, các nghệ nhân, thành viên trẻ tuổi đã có những biến tấu, cách tân thổ cẩm theo hướng hiện đại. Từ đó góp phần đưa tổ hoạt động mạnh mẽ hơn, thổ cẩm không còn bó hẹp trong vai trò là trang phục của người S’tiêng.

Cách tân thổ cẩm

Nhà dệt thổ cẩm ở ấp Trà Thanh - Lồ Ô, xã Thanh An từ lâu đã rất quen thuộc với nhiều du khách. Từ khi tổ thành lập, các thành viên ai nấy đều phấn khởi, đặc biệt là bà Thị Giôn - nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng ở vùng này. Bà Thị Giôn cho biết: Người S’tiêng mình không bao giờ quên nghề dệt thổ cẩm, chính vì thế lúc nào cũng muốn giữ lại truyền thống của dân tộc. Tham gia tổ khởi nghiệp, các thành viên quyết tâm nếu chưa làm được sản phẩm lớn thì làm từ chiếc khăn, cái ví… để nét văn hóa này không bị mai một.

Nghệ nhân Thị Giôn bên những sản phẩm thổ cẩm của đồng bào S’tiêng

Nghệ nhân Thị Giôn bên những sản phẩm thổ cẩm của đồng bào S’tiêng

Nghệ nhân Thị Giôn nhẩm tính, nếu một tấm thổ cẩm chỉn chu, họa tiết sắc nét, đẹp, người thợ phải dệt từ 3-5 tháng, giá bán từ 2-3 triệu đồng. Vì thế, thổ cẩm dù đẹp nhưng rất “kén” người mua. Từ thực tế cuộc sống, bà Thị Giôn và các thành viên đã sáng tạo ra cách phối hợp giữa vải thổ cẩm và các loại vải công nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt, chất lượng, gần gũi với đời sống hằng ngày hơn. Các mặt hàng thổ cẩm của tổ hiện nay rất đa dạng, từ chiếc ví đến áo, quần, trang phục dạ hội… Nhưng đặc biệt hơn là những sản phẩm thổ cẩm cách tân. Chiếc áo dài truyền thống đã được phối thêm thổ cẩm; những chiếc áo, váy được kết hợp giữa thổ cẩm và vải thông thường tạo ra sản phẩm vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn của thổ cẩm…

Thị Xinh giới thiệu những sản phẩm cách tân mà em và các thành viên trong tổ đã hoàn thành

Thị Xinh giới thiệu những sản phẩm cách tân mà em và các thành viên trong tổ đã hoàn thành

Em Thị Xinh - một trong những thành viên trẻ tuổi của tổ chia sẻ: Em rất yêu thích thổ cẩm và muốn đóng góp một phần công sức của mình vào việc bảo tồn, gìn giữ nét đẹp đó. Nhưng thổ cẩm cũng không nằm ngoài xu thế biến động liên tục của ngành thời trang, nên em xác định phải biết “làm mới” các sản phẩm. Kết hợp giữa thổ cẩm với các chất liệu hiện đại cũng là cách để thổ cẩm “mềm mại” hơn và đến gần hơn với mọi người.

Chị Thị Bé Lan với sản phẩm áo cưới thổ cẩm của đồng bào S’tiêng

Chị Thị Bé Lan với sản phẩm áo cưới thổ cẩm của đồng bào S’tiêng

Chị Thị Bé Lan cũng là thành viên trẻ tuổi và tham gia tổ khởi nghiệp với mô hình áo cưới thổ cẩm. Hàng trăm bộ váy cưới, trang phục dạ hội, đầm, váy hiện đại được may trên chất liệu thổ cẩm, với chị Lan, đó chính là cách để chị vừa giữ gìn vừa lan tỏa nét đẹp này đến mọi người. Chị Lan cho biết: Mô hình của tôi được đông đảo bạn trẻ người S’tiêng đón nhận, chọn làm trang phục cho ngày cưới của mình. Những trang phục cưới vừa truyền thống vừa hiện đại không chỉ làm cho ngày lễ của các bạn thêm ý nghĩa, mà còn mang giá trị tinh thần to lớn, đó là bảo tồn và lan tỏa nét đẹp thổ cẩm.

Bảo tồn nét đẹp văn hóa

Thổ cẩm là nét đẹp văn hóa gắn bó từ bao đời nay với đồng bào S’tiêng. Tuy nhiên, hòa chung với đời sống hiện đại, nét đẹp này đang dần bị mai một. Những người tâm huyết với thổ cẩm cũng không khỏi trăn trở. Chính điều đó đã thôi thúc Hội LHPN xã Thanh An nghiên cứu và ra mắt Tổ khởi nghiệp thổ cẩm cũng như mô hình “Nét đẹp trang phục thổ cẩm”. Tổ khởi nghiệp với đa dạng thành viên, từ các nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng như Thị Giôn, Thị Mương đến thế hệ trẻ sau này. Tham gia tổ, bên cạnh những người đi trước hướng dẫn chi tiết về cách dệt, cách may thì lớp trẻ với sự nhanh nhạy tiếp cận cuộc sống số, đã có cách làm riêng để đưa sản phẩm của đồng bào mình đến với những ai yêu thích thổ cẩm. Em Thị Minh Kha ở ấp Trà Thanh - Lồ Ô, thành viên tổ cho biết: Với ưu thế của tuổi trẻ, ngoài học cách dệt, may, chúng em còn sáng tạo và đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử để tiếp cận thêm nhiều nhóm khách hàng. Rất vui là những sản phẩm cách tân của chúng em tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng được nhiều người đón nhận và đặt hàng.

Một số sản phẩm thổ cẩm cách tân của Tổ khởi nghiệp thổ cẩm ấp Trà Thanh - Lồ Ô

Một số sản phẩm thổ cẩm cách tân của Tổ khởi nghiệp thổ cẩm ấp Trà Thanh - Lồ Ô

Bên cạnh thành lập Tổ khởi nghiệp thổ cẩm, Hội LHPN xã Thanh An đã duy trì mô hình “Nét đẹp trang phục thổ cẩm”. Qua đó đã động viên và khuyến khích đồng bào S’tiêng từ nhỏ tuổi đến lớn tuổi ở xã Thanh An mặc trang phục thổ cẩm khi đến những nơi công cộng, đông người. Hai mô hình này chính là cách làm hiệu quả vừa bảo tồn vừa lan tỏa nét đẹp thổ cẩm trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào S’tiêng.

Bước đầu khi tham gia Tổ khởi nghiệp thổ cẩm, chị em vẫn làm thủ công, làm thêm ngoài giờ, nhưng chúng tôi mong muốn đây là một trong những cách làm để duy trì nét đẹp thổ cẩm của đồng bào S’tiêng. Mặc dù hòa nhập với cuộc sống hiện đại nhưng mỗi khi khoác lên người trang phục thổ cẩm, dù nguyên thủy hay cách tân thì đó cũng là cách để đồng bào S’tiêng nhớ về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Bà TRẦN THỊ THIỆN THU, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh An, huyện Hớn Quản

Dưới tác động của kinh tế thị trường, một số nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một, nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng cũng không ngoại lệ. Chính vì thế, Tổ khởi nghiệp thổ cẩm ra đời đang tiếp thêm sinh lực giúp phụ nữ S’tiêng khẳng định bản thân, có thêm lựa chọn tăng thu nhập cho gia đình từ mô hình kinh tế này. Đồng thời, thông qua mô hình là kỳ vọng và mong muốn nét đẹp thổ cẩm không còn giới hạn ở phạm vi thôn, sóc mà lan tỏa xa hơn đến mọi miền đất nước.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/157870/det-uoc-mo-tu-tho-cam