Đi tìm lời giải bài toán bảo đảm an toàn thực phẩm - Bài cuối: Chậm áp dụng các quy chuẩn quốc tế của WHO

Theo các chuyên gia hiện nay quản lý về an toàn thực phẩm chưa đúng với các quy chuẩn quốc tế cùng với đó nhiều bất cập trong quy định pháp luật nên hệ lụy là nhiều vụ ngộ độc xảy ra, gây bức xúc trong xã hội.

Ngộ độc thực phẩm gây bức xúc dư luận xã hội

Vấn đề an toàn thực phẩm rất rộng, tuy nhiên những thực phẩm gây ngộ độc hàng loạt lại liên quan đến thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể phổ biến. Ngoài vấn đề ngộ độc thực phẩm thì thực phẩm bẩn cũng là một vấn đề nhức nhối hiện nay.

Vấn đề ngộ độc thực phẩm, thực phẩm bẩn cũng đang nóng trên nghị trường Quốc hội. Ngày 20/5, trong báo cáo của Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nêu, cử tri và Nhân dân ghi nhận cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, đã triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc ở các bếp ăn tập thể, việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng sự thật, gây bức xúc dư luận xã hội, chưa được quan tâm xử lý nghiêm minh.

 Người dân vô tư chế biến thực phẩm ngay trên vỉa hè (ảnh Trinh Phúc).

Người dân vô tư chế biến thực phẩm ngay trên vỉa hè (ảnh Trinh Phúc).

Trước thực trạng mất an toàn thực phẩm, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng, hiên nay công tác an toàn thực phẩm thực sự đáng lo ngại. Tình trạng ngộ độc thực phẩm đã đến mức báo động vì vậy cần thiết phải có những nghiên cứu cụ thể để chỉ ra đâu là nguyên nhân.

Đối với hoạt động của bếp ăn tập thể, bà Bùi Thị An kiến nghị cần thiết phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở để xảy ra các vụ ngộ độc. Ví dụ, trong trường học người chịu trách nhiệm cuối cùng phải là hiệu trưởng. Để xảy ra ngộ độc thực phẩm, thực phẩm bẩn vào bữa ăn của học sinh thì trách nhiệm là của người đứng đầu cơ sở giáo dục đó. “Nếu không xử lý nghiêm người đứng đầu thì còn tình trạng thức ăn bẩn vào trường học, vào công sở” – bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Trong khi đó, liên quan đến thức ăn đường phố, ông Trương Hồng Sơn (Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam) khi trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận cho rằng, cần đặt ra bài toán quản lý thức ăn đường phố.

Theo ông Sơn, ở các nước hàng rong rất hiếm nhưng ở Việt Nam ra đường là thấy hàng rong. Do nhiều người thích kiểu dừng xe là mua ăn được luôn, thậm chí mua đồ ăn sẵn. Hàng rong phát triển thiếu kiểm soát, giám sát. Trong vụ ngộ độc thực phẩm vừa rồi chỉ một cửa hàng bánh mì thôi đã cung cấp hàng ngày hàng nghìn người ăn.

Hiện tại hàng rong không chịu sự quản lý và điều chỉnh bởi Luật, Nghị định, Thông tư như đối với nhà hàng nhưng ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe người dân là rất lớn. Hệ lụy của hàng rong khiến hàng trăm người ngộ độc thì cần có đề xuất để quản lý hàng rong. Thực trạng hàng rong trước các khu công nghiệp, các trường học, các công sở gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với sức khỏe của các cháu học sinh. “Những bất cập trên cần siết quản lý trong thời gian tới” – ông Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.

Một số kiến nghị, giải pháp

Trước bất cập hiện nay, PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục Trưởng Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Bộ Y Tế - Chủ Tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Chứng Năng Việt Nam) cho rằng, hiện luật pháp của mình về an toàn thực phẩm chưa phù hợp. Luật An toàn thực phẩm không còn phù hợp với thực tế. Hướng dẫn luật lại khác với Luật, ví dụ Nghị định 15. “Tôi đã góp ý Quốc hội cần ra Luật An toàn thực phẩm mới. Ngoài ra, trong các văn bản pháp luật phải có tiêu chuẩn về thực phẩm, phải ban hành đầy đủ và chính xác” – ông Trần Đáng nêu.

Bên cạnh các văn bản cần phải được hoàn thiện, tránh mâu thuẫn giữa luật và các văn bản hướng dẫn ông Trần Đáng cũng đề xuất cần thay đổi cách tổ chức quản lý. Theo đó, ông Trần Đáng, về tổ chức quản lý, hệ thống thanh tra và kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm cũng chưa phù hợp.

Phân công quản lý về an toàn thực phẩm phải theo quy tắc của thế giới. “Chưa thành thực phẩm do bộ sản xuất quản lý. Tức trong trồng trọt, chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp chịu trách nghiệm. Như trồng lúa, trông ngô, trồng khoai, trồng sắn là thuộc quyền của Bộ Nông nghiệp. Còn chế biến trong nhà máy là do Bộ Công thương. Nhưng khi trở thành thực phẩm để bán cho người tiêu dùng thì phải do Bộ Y tế công nhận. Nguyên tắc phân công quản lý phải theo hai nguyên tắc, chưa thành thực phẩm phải do bộ sản xuất còn thành thực phẩm do Bộ Y tế. Đây là nguyên tắc của tổ chức y tế thế giới (WHO) đề ra” – ông Trần Đáng phân tích

Rau quả muốn đem ra bán thị trường phải do Bộ Y tế chịu trách nhiệm công bố. Bộ Y tế kiểm tra bảo ăn được thì mới được ăn. “Trước đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuống thăm Bộ Y tế, ông cầm chai nước lên và nói: Chai nước này ai sản xuất cũng được, tư nhân sản xuất hay doanh nghiệp nhà nước đều được nhưng chỉ có một Bộ Y tế bảo chai nước này được uống thì mới được uống. Tôi cho rằng hình ảnh ấy rất cụ thể” – ông Trần Đáng chia sẻ. Trong khi đó, hiện nay việc phân công quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm chưa phù hợp, cả hệ thống thanh tra, kiểm nghiệm chưa thống nhất, chưa thành một chuỗi khoa học.

Cuối cùng Nguyên Cục Trưởng Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Bộ Y Tế - Chủ Tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Chứng Năng Việt Nam cho biết, hiện phương pháp kiểm soát an toàn thực phẩm của ta chưa khoa học. Đáng lẽ, khi ngộ độc xảy ra chỉ cần điều tra theo các bước đơn giản đã có thể kết luận được nguyên nhân. Ngộ độc có thể do cơ sở chế biến, do thực phẩm, do bảo quản... cái này thế giới đã có quy trình, họ cũng đã trao đổi và chia sẻ với chúng ta nhưng chúng ta chưa làm được.

“Kiểm tra trong chế biến, kiểm tra nguyên liệu phải theo tiêu chuẩn tức phải thực hiện đúng theo quy trình… nhưng các việc này tại nước ta làm chưa được” – ông Trần Đáng nhấn mạnh.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể nhận thấy các văn bản pháp luật hiện chưa hoàn thiện, phân công công tác quản lý an toàn thực phẩm và việc áp dụng các tiêu chuẩn kiểm soát liên quan đến an toàn thực phẩm chưa theo quy chuẩn thế giới. Chính những tồn tại trên đã góp phần làm cho vấn đề an toàn thực phẩm đáng lo ngại, đặc biệt các vụ ngộ độc.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/di-tim-loi-giai-bai-toan-bao-dam-an-toan-thuc-pham--bai-cuoi-cham-ap-dung-cac-quy-chuan-quoc-te-cua-who-post296203.html