Đối đầu Mỹ-Iran tại 'chảo lửa' Syria

'Mùa xuân Arab' từ năm 2011 chỉ khiến Syria ngày càng chìm trong bạo lực, chia rẽ với cuộc chiến ủy nhiệm được hậu thuẫn bởi các 'ông lớn', nổi bật là Mỹ và Iran.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley trong chuyến thăm một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Syria, ngày 4/3/2023. (Nguồn: Reuters)

Syria nằm ở bờ Đông của Địa Trung Hải, ngã ba của châu Á, châu Phi, châu Âu và tâm điểm của vòng cung Arab-Hồi giáo Bắc Phi-Trung Đông. Không giàu dầu mỏ, khí đốt như Iraq, Iran, Saudi Arabia và các quốc gia Bắc Phi, Trung Đông khác, nhưng với vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng, Syria trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa các siêu cường.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược càng khốc liệt, yếu tố tôn giáo với lịch sử bất đồng giữa người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shiite và sự can dự của nước ngoài càng làm vấn đề ở Syria càng thêm phức tạp.

Năm bè bảy phái

Hiện Syria có hàng chục phe phái, lực lượng, với tôn chỉ và mục đích khác nhau. Tháng 7/2011, các quân nhân đào ngũ từ quân đội Syria thành lập lực lượng chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad mang tên Quân đội Syria tự do (FSA). Trong khi đó, dân tộc Kurd ở miền Bắc Syria cũng hình thành lực lượng riêng để chống lại Chính phủ. Năm 2012, mặt trận Al-Nursa (một nhánh của al-Qaeda ở Syria) cùng với Lực lượng người Kurd bắt đầu tham gia vào cuộc xung đột với FSA. Tình hình Syria càng trở nên phức tạp khi các thế lực bên ngoài bắt đầu can thiệp và hỗ trợ các nhóm khác nhau ở Syria. Trong khi Iran và Hezbollah - một tổ chức chính trị, vũ trang của người Lebanon theo đạo Hồi dòng Shiite được thành lập vào năm 1982 ủng hộ chính quyền Assad, thì Mỹ lại hậu thuẫn FSA. Năm 2013, Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt đầu tham chiến tại Syria khiến Mỹ cùng các nước vùng Vịnh bắt đầu thiết lập liên quân để không kích IS.

Từ khi có sự can dự trực tiếp của lực lượng nước ngoài, cục diện ở Syria trở nên hết sức rối rắm. Lực lượng của Tổng thống Assad kiểm soát phần lãnh thổ phía Tây, bao gồm thủ đô Damascus trong khi các nhóm phiến quân chống chính phủ lại đang cố thủ tại miền Bắc và Nam Syria. Lực lượng người Kurd thì trấn giữ phần lớn lãnh thổ dọc biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức khủng bố IS thì thiết lập chế độ cực đoan dọc sông Euphrates để mở rộng tham chiến cả ở Iraq và Syria.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ luôn coi Iran là một trong những mối đe dọa lớn nhất ở Trung Đông. Mỹ tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt, cấm vận, cáo buộc nước này tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, can thiệp vào Trung Đông và bỏ tù công dân Mỹ. Từ những năm 1980, các lực lượng Mỹ ở Iraq, Lebanon, Saudi Arabia, Syria và Afghanistan thường xuyên bị các lực lượng do Iran hậu thuẫn tấn công. Đáp trả, Mỹ tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq và Syria.

Phía Mỹ cho biết, hàng trăm người Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc đọ súng, đánh bom tự sát, thiết bị nổ tự chế và ám sát do các lực lượng thân Iran thực hiện. Đáp lại, Tehran tuyên bố các lực lượng Mỹ đã ám sát một chỉ huy quân sự hàng đầu của họ, đánh chìm hoặc vô hiệu hóa các tàu chiến và bắn hạ một máy bay chở khách dân sự của Iran…

Sau khi IS chiếm một phần ba lãnh thổ Syria vào năm 2014, Mỹ triển khai quân đội và bắt đầu tiến hành các cuộc không kích như một phần của liên minh chống IS. Các lực lượng do Mỹ cầm đầu đã cố vấn, vũ trang và huấn luyện SDF, một lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo chống lại Tổng thống al Assad. SDF với sự hỗ trợ đáng kể của liên minh, đã đánh bật IS khỏi thành trì cuối cùng ở Baghuz, Đông Bắc Syria vào tháng 3/2019. Sau đó, Mỹ bắt đầu duy trì hiện diện quân sự với quy mô nhỏ, khoảng dưới 1.000 quân ở Syria để hỗ trợ SDF và các nhóm chiến binh khác. Trong khi đó, theo Viện Hòa bình Mỹ, Iran cũng kêu gọi hàng ngàn chiến binh dòng Shiite từ Lebanon, Iraq, Afghanistan và Pakistan đến Syria tham chiến cùng lực lượng ủng hộ Tổng thống al Assad.

“Ăn miếng trả miếng”

Để đạt được mục tiêu, cả Mỹ và Iran leo thang đối đầu và tấn công vào lợi ích của nhau. Theo báo cáo Viện Hòa bình Mỹ, từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nhậm chức tháng 1/2021, các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Syria tiến hành gần 80 cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ trên khắp lãnh thổ Syria. Trong khi đó, phía Mỹ thực hiện bốn cuộc tấn công trả đũa vào các mục tiêu có liên quan đến Iran. Các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do Iran tuyên bố đạt được các tiến bộ hạt nhân và từ chối quay trở lại thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) đã ký với Mỹ và Anh, Pháp, Nga, Đức và Trung Quốc năm 2015 nhưng sau đó Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút lại năm 2018. Ngoài ra, Mỹ luôn cáo buộc Iran vi phạm nhân quyền, đàn áp biểu tình và chuyển vũ khí hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Đáng chú ý, ngày 7/2/2018, khoảng 500 chiến binh ủng hộ Tổng thống Syria Assad bắn 30 quả đạn pháo vào trụ sở của SDF. Theo USIP, phía Mỹ đáp trả khiến gần 100 chiến binh thiệt mạng. Ngày 29/12/2019, Mỹ tấn công ba cơ sở của Hezbollah đồn trú ở miền đông Syria do Iran hỗ trợ. Thương vong không được tiết lộ nhưng theo Reuters, 25 chiến binh Hezhollah thiệt mạng và 55 người bị thương. Lầu Năm Góc cho biết, các cuộc không kích này nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào căn cứ không quân K1 của Mỹ tại miền Bắc Iraq ngày 27/12 khiến một người Mỹ thiệt mạng và sáu người bị thương, trong đó có bốn người Mỹ và hai quân nhân Iraq.

Đặc biệt, ngày 3/1/2020, Tổng thống Donald Trump ra lệnh ám sát Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran bằng máy bay không người lái. Sự việc gây chấn động thế giới, khiến quan hệ Iran-Mỹ trở nên tồi tệ nhất trong lịch sử bang giao hai nước. Ngày 25/2/2021, Mỹ tiến hành các cuộc không kích ở miền Đông Syria nhằm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn. Các máy bay chiến đấu của Mỹ đã tấn công “một số cơ sở” thuộc Kataib Hezbollah và Kataib Sayyid al Shuhada, hai lực lượng dân quân người Shiite của Iraq được Iran huấn luyện, trang bị vũ khí và tài trợ ở phía nam Syria. Kataib Hezbollah tuyên bố ít nhất 22 chiến binh của họ đã thiệt mạng. Phía Mỹ bị phá hủy một máy bay chiến đấu và hai binh sĩ bị thương.

Ngày 23/8/2021, máy bay chiến đấu của Mỹ tấn công vào phía Đông tỉnh Deir Ezzor, các mục tiêu do Iran hậu thuẫn sử dụng làm kho chứa đạn dược và hỗ trợ hậu cần khiến ít nhất sáu chiến binh thiệt mạng. Ngày 25/8/2021, nhóm chiến binh do Iran hậu thuẫn bắn tên lửa vào hai căn cứ của Mỹ ở Đông Bắc Syria, Conoco và Green Village, khiến ba lính Mỹ bị thương. Đáp lại, Mỹ sử dụng máy bay trực thăng, tàu chiến và pháo binh phá hủy ba phương tiện và bệ phóng tên lửa được lực lượng thân Iran sử dụng các trong cuộc tấn công trước đó làm bốn người thiệt mạng.

Căng thẳng giữa hai nước gần đây tiếp tục có dấu hiệu leo thang bằng một loạt cuộc giao tranh ở Syria. Ngày 14/2, Mỹ bắn hạ một máy bay không người lái do Iran sản xuất đang do thám căn cứ của Mỹ ở Đông Bắc Syria. Ngày 23/3, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Iran đã làm thiệt mạng một người Mỹ và làm bị thương năm binh sĩ. Để đáp trả, Mỹ tiến hành hai cuộc không kích vào hai cơ sở của lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Đông Bắc Syria khiến ít nhất 11 chiến binh thiệt mạng. Ngày 24/3, các chiến binh có liên hệ với Vệ binh cách mạng Iran bắn 10 quả rocket vào căn cứ Green Village của Mỹ ở Đông Bắc Syria, khiến hai phụ nữ và hai trẻ em bị thương. Cùng ngày, một tên lửa khác được phóng vào căn cứ Conoco khiến một lính Mỹ bị thương…

(Nguồn: Viện Hòa Bình Mỹ)

Nỗi lo mới của Mỹ về Iran

Tại Trung Đông và Syria, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt trong khi sức mạnh Mỹ đang có dấu hiệu suy giảm thì sự gắn kết giữa Trung Quốc-Nga-Iran tại Syria càng khiến Mỹ phải có biện pháp ngăn chặn. Mỹ tiếp tục tung ra các biện pháp cấm vận, phong tỏa Iran. Việc Iran thẳng thừng tuyên bố sẽ không trở lại JCPOA, tiếp tục phát triển và thử thành công tên lửa đạn đạo chính xác tầm bắn lên tới 2.000 km càng khiến phía Mỹ “mất ăn mất ngủ”.

Mỹ cũng cáo buộc Iran đã cung cấp máy bay không người lái cho Nga và hàng chục triệu USD vũ khí cho các chiến binh ủy nhiệm ở Iraq, Lebanon, các vùng lãnh thổ Palestine, Syria và Yemen. Các hành động đáp trả dứt khoát của Iran trên biển và bắt giữ máy bay không người lái của Mỹ cùng các hành động nhằm vào hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư ngày càng gia tăng khiến chính quyền Biden không thể làm ngơ.

Bên cạnh đó, theo USIP, việc Tehran tiếp tục các cuộc tấn công mạng vào chính phủ, cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp của Mỹ cùng nỗi bất an về các kế hoạch ám sát quan chức Mỹ để trả đũa vụ ám sát Tướng Qassem Soleimani năm 2020 khiến nước Mỹ sẽ tiếp tục lún sâu vào vũng lầy Syria để đối phó với Iran.

(theo Viện Hòa bình Mỹ)

Đức Khải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-dau-my-iran-tai-chao-lua-syria-221670.html