Đòi nợ thời nợ xấu

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng vẫn đang trong hành trình gian nan đòi nợ thời nợ xấu.

Xử lý tài sản đảm bảo là một trong những vướng mắc khi ngân hàng thu hồi nợ. Ảnh: MAI LƯƠNG

“Hiện chúng tôi đang xử lý một vụ kiện ra tòa đòi nợ. Khởi kiện xong rồi, đã có bản án của tòa và đang thi hành án, đã có quyết định đấu giá và chuẩn bị đưa ra đấu giá tài sản đảm bảo và đã có giá khởi điểm. Nhưng ông chủ tài sản bỗng nhiên đề nghị trả nợ vào ngân hàng để rút tài sản ra, đồng thời đề nghị với VAMC, ngân hàng xin miễn giảm lãi cho khoản vay này”, một chuyên gia đang xử lý nợ cho ngân hàng kể.

Tâm lý của nhiều con nợ ngân hàng là như vậy, họ không muốn giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng nên khi khoản vay có vấn đề luôn tìm nhiều cách điều đình, trì hoãn, chây ì hay nhờ chỗ này chỗ kia can thiệp, chỉ đến khi hết cách, biết tài sản đem ra đấu giá thì quyền định đoạt tài sản ấy chắc chắn không còn trong tay mình, họ mới chịu hợp tác, hay đồng ý cách nào đó để xử lý khoản nợ

Ngân hàng trên đây có thể sẽ đồng ý giảm lãi cho khoản nợ vì nếu đấu giá, khả năng khoản nợ bị mua lại cao nhất cũng chỉ chừng 60-70% nợ gốc. Chủ nợ và ngân hàng đều thiệt hại.

Nhưng chỉ có những ngân hàng cổ phần mới dám mạnh tay “du di” cho chủ nợ để trả tiền vào lấy tài sản ra hay mỗi bên chịu thiệt một tý để bấm nút xóa sổ cho khoản nợ. Các ngân hàng quốc doanh không dám làm vì họ sợ bị quy trách nhiệm. Như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hiện không có cơ chế xử lý nợ gốc, nếu cán bộ xử lý nợ đồng ý đề nghị của khách vay mà hụt đi phần nợ gốc họ sẽ bị hỏi ngay rằng ai sẽ bù vào trả ngân hàng, ai chịu trách nhiệm làm thất thoát tài sản. Kể cả việc sử dụng phần ngân hàng đã trích lập cho khoản nợ đó (sau khi bán cho VAMC) để bù vào khoản vay họ cũng không dám làm vì sợ bị quy trách nhiệm.

Cách thức xử lý nợ xấu phổ biến nhất đang được thực hiện là các ngân hàng thương lượng với khách vay, cho khách hàng tự xử lý tài sản (bán nhà, đất) rồi trả nợ gốc cho ngân hàng. Phần lãi vay có thể ngân hàng xóa, giảm hay cho trả sau. Cách thứ hai, mất thời gian hơn, là ngân hàng và khách đồng ý đem bán đấu giá tài sản. Cách này hiệu quả ở một số địa phương có giá đất tăng nhanh trong thời gian qua, chủ tài sản bán đất được giá, trả nợ rất dễ, ví dụ như Phú Quốc. Nhưng ở nhiều nơi khác, đặc biệt các tỉnh phía Nam, đa phần giá bán tài sản thấp hơn trị giá khoản nợ gốc vì trước kia ngân hàng định giá tài sản cho vay quá cao, nay có bán hết tài sản cũng không thu đủ tiền trả nợ gốc và phần lãi suất của khoản nợ sau nhiều năm tính ra cũng gần bằng khoản nợ gốc. Điều này xảy ra với rất nhiều khoản nợ ở khu vực phía Nam của Agribank. Như chính lãnh đạo ngân hàng này đã thừa nhận, nhiều chi nhánh của ngân hàng trong vài năm qua ngừng cho vay mà chỉ tập trung giải quyết nợ xấu.

Trong khi đó, tín hiệu tốt đến từ phía các ngân hàng cổ phần, đặc biệt các ngân hàng có trụ sở tại TPHCM. Họ khởi kiện ra tòa để sớm chấm dứt những gánh nợ quá khứ. Một số ngân hàng đã đề nghị với VAMC được lấy lại nợ mà họ đã bán để đem về tự xử lý.

Giải pháp... ra tòa

Hiện có những tòa án quận tại TPHCM, hai phần ba hồ sơ vụ án kinh tế đang nằm chờ là hồ sơ khởi kiện đòi nợ của các ngân hàng. Vì sao có hiện tượng các ngân hàng, VAMC (ủy quyền cho các ngân hàng bán nợ) đồng loạt khởi kiện đòi nợ từ năm ngoái tới năm nay?

Thứ nhất, Luật Dân sự mới không cho siết nợ người đi vay. Khoản 1, điều 63, Nghị định 163/NĐ-CP chỉ cho người đòi nợ quyền thu giữ tài sản trong trường hợp chủ tài sản đồng ý mà chủ tài sản thì ít khi nào đồng ý việc ngân hàng thu giữ nhà, đất của mình nên chỉ có mỗi nước kiện ra tòa. VAMC, về cơ bản không đủ nguồn lực (con người, vật lực) nên hiện đã ủy quyền gần như toàn bộ cho các ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý các khoản nợ mà VAMC đã mua từ ngân hàng này, các ngân hàng khởi kiện trên danh nghĩa được sự ủy quyền của VAMC. Điều này cũng hợp lý vì không ai hiểu khoản nợ đó bằng chính người cho vay.

Thứ hai, VAMC gặp khó khăn trong việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm của các khoản nợ do bị hạn chế theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản. Việc VAMC xử lý các dự án bất động sản này được cho là để thu hồi nợ chứ không nhằm mục đích đầu tư kinh doanh để sinh lời, nên không được coi là hoạt động kinh doanh bất động sản và không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Trong khi đó, muốn chuyển nhượng dự án bất động sản (ví dụ khi bán đấu giá) để thu hồi nợ thì VAMC lại cần được cơ quan có thẩm quyền cho phép (là ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Điều này làm hạn chế số lượng các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản được chuyển nhượng và ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu, ảnh hưởng cả đến việc tiếp tục triển khai các dự án này.

Nhưng trên thực tế, tính hiệu quả của việc đòi nợ qua đường tòa án không cao. Về phía ngân hàng, khi đã đưa một vụ đòi nợ ra tòa nghĩa là họ đã tìm hiểu kỹ và biết chắc ngân hàng không sai, thủ tục cho vay đầy đủ, giấy tờ rõ ràng, tài sản bảo đảm còn giá trị... Nhưng, các ngân hàng cho biết một vụ kiện đòi nợ thông thường kéo dài tới 3-5 năm hoặc có những vụ không biết đến bao giờ mới xong.

Nhiều vấn đề rắc rối khác

Trong thực tế, việc đòi nợ còn nảy sinh nhiều vấn đề khá gian nan cho các bên, cả con nợ lẫn chủ nợ.
Thứ nhất, nợ xấu đã mua từ các tổ chức tín dụng của VAMC phần lớn là các khoản nợ xấu khó thu hồi, đã phát sinh từ nhiều năm trước và chưa xử lý được. Nhiều khách hàng đã không còn hoạt động, không tạo ra được nguồn thu để hoàn trả nợ vay.

Theo kết quả phân loại nợ của VAMC, trong tổng số trên 14.000 khách hàng đã vay nợ, có trên 40% khách hàng không còn hoạt động. Bên cạnh đó, theo đánh giá từ thực tế công tác xử lý nợ thì khối lượng nợ xấu khó đòi với tình trạng khách hàng không còn hoạt động, chây ì, không hợp tác xử lý nợ cần áp dụng giải pháp cứng rắn bằng hình thức khởi kiện, thi hành án để thu hồi nợ chiếm đến 50%.

Thứ hai, nhiều tài sản bảo đảm cho các khoản nợ này là các dự án dở dang, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, hoặc tài sản là các nhà máy sản xuất sản phẩm đặc thù, thuộc các lĩnh vực đang rất khó khăn về thị trường đầu ra như công nghiệp sạch (sản xuất ethanol làm nguyên liệu sản xuất xăng sinh học E5), các nhà máy chế biến thủy sản, đất nuôi trồng thủy sản...

Thứ ba, mặc dù khởi kiện là con đường gần như duy nhất hiện nay song hình thức này cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều vướng mắc liên quan đến việc kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng. Tuy điểm m, khoản 1, điều 13 Nghị định 53/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định “VAMC được kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của tổ chức tín dụng bán nợ, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ tố tụng trong việc khởi kiện...” nhưng một số tòa án hiện không chấp nhận quy định về kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng này do điều 62 Bộ luật Tố tụng dân sự 24/2004/QH11 (đã được sửa đổi, bổ sung) không quy định việc kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng trong việc bán nợ.

Thực tiễn xét xử của tòa án trong thời gian qua cho thấy trường hợp khách hàng không có nơi cư trú ổn định, cố tình trốn tránh, không hợp tác, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa thì tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện, đình chỉ vụ án với lý do “chưa có đủ điều kiện khởi kiện”.

Chưa hết, việc bị đơn và người có liên quan liên tục vắng mặt trong các phiên hòa giải và không hợp tác trong quá trình xét xử khiến thời gian giải quyết vụ việc kéo dài... vô thời hạn.

Ngay cả khi tòa đã xử xong, có bản án thì trong quá trình thi hành án để thu hồi nợ, một số cơ quan thi hành án không chấp thuận việc một công ty như VAMC được kế thừa quyền và nghĩa vụ trong quá trình thi hành án của tổ chức tín dụng, hay khách hàng không chấp hành thi hành án.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/158464/doi-no-thoi-no-xau.html/