Đức Giáo hoàng đến Mông Cổ: Dấu ấn cuộc gặp gỡ Phật giáo và Kitô giáo

Đức Giáo hoàng Francis đã thông báo rằng, Ngài sẽ có chuyến công du Mông Cổ trong từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 năm 2023. Đây sẽ là lần đầu tiên ngài đến thảo nguyên Mông Cổ, đó là một trong những công việc của ngài khi bắc nhịp cầu nối mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo La Mã và Phật tử trên khắp thế giới.

859

Rate this post

Đức Giáo hoàng Francis đã thông báo rằng, Ngài sẽ có chuyến công du Mông Cổ trong từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 năm 2023. Đây sẽ là lần đầu tiên ngài đến thảo nguyên Mông Cổ, đó là một trong những công việc của ngài khi bắc nhịp cầu nối mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo La Mã và Phật tử trên khắp thế giới.

Tác giả: Justin Whitaker
Việt dịch: Thích Vân Phong

Chuyến viếng thăm dự kiến diễn ra một năm sau khi Đức Hồng Y Giorgio Marengo ở Thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ gặp gỡ đức Giáo hoàng Francis để kỷ niệm 30 năm ngày các nhà truyền giáo Kitô giáo đến Mông Cổ vào năm 1992, những người đầu tiên đến thảo nguyên Mông cổ trong xanh, mát lành sau khi đất nước này thiết lập Hiến pháp mới.

Năm 1992. Mông Cổ đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican.

Năm 2022, đức Giáo hoàng Francis cung nghinh Chư tôn đức tăng già Phật giáo Mông Cổ tại Vatican. Ảnh: usccb.org

Năm 2022, đức Giáo hoàng Francis cung nghinh Chư tôn đức tăng già Phật giáo Mông Cổ tại Vatican. Ảnh: usccb.org

Mông Cổ có diện tích 1.564.116 kilômét vuông (603.909 dặm vuông Anh), là quốc gia có diện tích lớn thứ 18 và thưa dân nhất trên thế giới, dân số khoảng gần 3,4 triệu người (2023), có khoảng 1.500 tín đồ Công giáo La Mã, con số đó đã tăng lên từ mức dưới 200 người vào năm 2003.

Sơ Lieve Stragier, một nhà truyền giáo người Bỉ thuộc dòng De Jagt, người từng sống ở Mông Cổ 15 năm, cho biết: “Mối quan hệ của chúng tôi với Phật giáo rất tốt.” Vị nữ tu này tin rằng chuyến viếng thăm của đức Giáo hoàng Francis có thể củng cố sự thấu hiểu tốt đẹp đang có.

Một cuộc gặp gỡ liên tôn giữa ngài và chư tôn đức tăng già giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo Mông Cổ được lên kế hoạch vào ngày 3 tháng 9. Vào năm ngoái, Đức Giáo hoàng chào đón các Phật tử Mông Cổ đến Vatican, Ngài nhấn mạnh những lý tưởng chung giữa đức Phật và đức Giêsu là những người kiến tạo hòa bình và thúc đẩy tinh thần từ bi, bác ái, bất bạo động.

Tại cuộc họp mặt năm ngoái, đức Giáo hoàng tuyên bố: “Trong một thế giới bị tàn phá bởi xung đột và chiến tranh, với tư cách là những nhà lãnh đạo tôn giáo, bắt nguồn sâu sắc từ các triết lý tôn giáo, chúng ta có nhiệm vụ truyền cảm hứng cho nhân loại ý chí từ bỏ bạo lực và xây dựng một nền văn hóa hòa bình”. (Vatican)

Chuyến viếng thăm tiếp tục những nỗ lực của đức Giáo hoàng nhằm bắt nhịp cầu nối với Phật giáo đồ trên khắp thế giới. Ngài đã đến thăm các quốc gia Nhật Bản, Myanmar, Hàn Quốc, Sri Lanka và Thái Lan, những quốc gia có bề dày lịch sử Phật giáo phong phú và dân số Công giáo La Mã tương đối nhỏ. Chuyến viếng thăm Mông Cổ, đánh dấu chuyến công du đầu tiên của đức Giáo hoàng đến một quốc gia chủ yếu thực hành Phật giáo Kim Cương thừa. Trong công việc của bản thân, Ngài dõi bước theo dấu chân của người tiền nhiệm là đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã thiết lập mối quan hệ với các phật tử bắt đầu từ những thập niên 1980.

Năm 2022, đức Giáo hoàng Francis cung nghinh chư tôn đức tăng già Phật giáo Mông Cổ tại Vatican. Ảnh: Vatican News

Năm 2022, đức Giáo hoàng Francis cung nghinh chư tôn đức tăng già Phật giáo Mông Cổ tại Vatican. Ảnh: Vatican News

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Vatican và đức Đạt Lai Lạt Ma, đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây. Năm 2007, đức Giáo hoàng Benedict XVI đã hủy bỏ cuộc gặp gỡ, đã được lên kế hoạch với nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, năm 2014, đức Giáo hoàng Francis đã quyết định không gặp đức Đạt Lai Lạt Ma khi hai người dự Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình ở Rome.

Những động thái này khiến Tu viện Gandan Khiid là một trong những tu viện Phật giáo lớn nhất Mông Cổ, vốn thực hành theo truyền thống Gelugpa dưới thời đức Đạt Lai Lạt Ma, tránh quan hệ với Giáo hội Công giáo Mông Cổ.

Ngoài những căng thẳng địa phương, chuyến đi có ý nghĩa chính trị và tôn giáo lớn hơn. Huaiyu Chen, Giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học tiểu bang Arizona, một trường đại học nghiên cứu hàng đầu tại Mỹ, đã viết: “Khi đức Giáo hoàng đến thăm địa điểm tôn giáo phức tạp này, chuyến thăm của Ngài có ý nghĩa quan trọng từ góc độ địa chính trị và tôn giáo: Vào tháng 6 năm 2023, đặc phái viên hòa bình của đức Giáo hoàng đã đến thăm Nga như một phần của nỗ lực kiến tạo hòa bình thế giới. Nhưng chưa có vị Giáo hoàng nào đến thăm nước láng giềng thân thiết khác là Trung Quốc, quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Vatican.” (Journal Courier)

Mông Cổ có lịch sử phong phú về quan hệ chính trị và tôn giáo quốc tế. Người kế vị Đại Hãn của đế quốc Mông Cổ (Thành Cát Tư Hãn), Ögedei Khan (r. 1229–41), đã giúp biến Đế quốc Mông Cổ trở thành đế chế lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Con trai ông, Godan Khan, đã trở thành hoàng tử Mông Cổ theo đạo Phật, và bắt đầu mối quan hệ lịch sử lâu dài với các truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Theo điều tra dân số Mông Cổ năm 2020, 52% dân số theo đạo Phật, 41% tự nhận không theo tôn giáo nào, 3,2% theo Hồi giáo và 1,3% là Kitô hữu.

Tác giả: Justin Whitaker
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: Buddhistdoor Global

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/duc-giao-hoang-den-mong-co-dau-an-cuoc-gap-go-phat-giao-va-kito-giao.html