Hấp dẫn sinh học chỉ là trò lừa gạt

Dai dẳng trong thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng khá hào hứng đưa tin về việc một số người có khả năng hút đồ vật như thìa nĩa, đĩa sứ, thậm chí bàn là hay khối kim loại nặng…

Một số nhà nghiên cứu còn gọi đó là hiện tượng hấp dẫn sinh học và cho rằng hiện chưa ai hiểu bản chất của nó! Sau hơn một thế kỉ nghiên cứu nghiêm túc, kể từ khi Hội nghiên cứu tâm linh (Society for Psychical Research) đầu tiên ra đời tại Anh năm 1882, các nhà khoa học đã ngộ ra rằng, con người là loài động vật thích nghe và dễ tin các hiện tượng dị thường, những hiện tượng năm ngoài hiểu biết hiện tại. Và họ cũng thấy rằng, niềm tin tưởng đó là bản năng sinh học, có ưu thế sinh tồn vì được chọn lọc tự nhiên khuyến khích. Và cái gọi là “hấp dẫn sinh học” có thể là một trong những minh họa điển hình nhất cho nhận định nói trên. Kỉ lục hút hiện nay là 35.2 kg Người người hút thìa! Theo thông tin trên một tờ báo mạng, chỉ sau 30 phút theo học lớp Cảm xạ học của nhà cảm xạ D.Q.C., Chủ nhiệm Bộ môn Năng lượng Cảm xạ thuộc Hội Liên hiện Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA, học viên đã có khả năng hút một vài chiếc thìa. Còn sau khoảng một tháng học tập, có học viên hút được khối sắt nặng vài chục kg. Cá biệt có người hút được tới 35.2 kg! Hình ảnh cả lớp biểu diễn hút thìa hay những học viên xuất sắc nhất hút được tới vài chục kg sắt trên người thật vô cùng ấn tượng. Nếu bạn đọc muốn đi học cảm xạ ngay lập tức thì cũng không có gì lạ! Tuy nhiên người viết cho rằng nhà cảm xạ D.Q.C. chưa giỏi, vì học viên phải mất tới 30 phút mới hút được thìa, trong khi một lão nông vừa ngoài ruộng về có thể hút được ngay. Nếu không tin, bạn đọc có thể tự thử nghiệm theo qui trình đơn giản như sau. Đầu tiên đi bộ khoảng 5-10 phút, sao cho người ra một chút mồ hôi. Tiếp theo quay về nhà và lấy thìa, nĩa, thậm chí đĩa sứ nhẹ… và từ từ ấn nhẹ lên người, tốt nhất là trên ngực hay bụng, sao cho diện tích tiếp xúc càng lớn càng tốt. Xin lưu ý để phần nặng ở phía trên sẽ dễ thành công hơn. Nếu rơi, tiếp tục ấn mạnh hơn cho đến khi thìa nĩa không rơi là được: Đó chính là “hấp dẫn sinh học”! Vì thế hai ông cháu bạn đọc Phạm Thế Hưng, 73 tuổi, ngụ tại 127 Đề Thám, Q1, TP. HCM “hút” được thìa ngay lập tức sau khi đọc báo và tiến hành thử nghiệm. Bản chất của sự hút thìa Đến đây thì bạn đọc có thể nhận ra bản chất của hiện tượng hút thìa, nĩa và các vật dụng nhẹ nhưng có diện tích tiếp xúc lớn. Đó đơn giản là sự dính ướt, khi mồ hôi giúp vật dụng dính vào người tương đối dễ dàng. Vậy có thể triệt tiêu sự “hấp dẫn sinh học” đó được không? Không thể dễ dàng hơn: hãy đưa các cảm xạ viên vào phòng máy lạnh, sau vài chục phút, cơ thể ráo mồ hôi, thìa nĩa sẽ tự động rơi xuống. Điều này thì nhà báo Hồ Trung Tú đã thực hiện và tường thuật tỉ mỉ trên Sài Gòn tiếp thị từ tháng 5-2007. Hai ông cháu độc giả Phạm Thế Hưng Bản chất của hút vật nặng Với các vật nặng hơn, chẳng hạn chiếc bàn là hay khối sắt 35.2 kg thì sao? Khi đó chỉ riêng sự dính ướt là không đủ để thắng sức hút của Trái Đất, mà quan trọng nhất là bài toán đặt trọng tâm vật nặng ở vị trí thích hợp. Nhìn ảnh cảm xạ viên hút được 35.2 kg sắt, có thể dễ dàng giải quyết bài toán đặt trọng tâm tưởng như khó thực hiện nói trên. Thứ nhất, cần đặt khối kim loại ở vị trí cơ thể có vai trò của một mặt phẳng nghiêng. Đó là lý do người bụng to sẽ dễ dàng thực hiện “hấp dẫn sinh học”, vì ngực và bụng tạo thành mặt phẳng như vậy! Và đó là lý do ta không thể “hút” vật nặng bằng phần bụng dưới. Thứ hai, cần đặt trọng tâm vật nặng ở phía trên, sao cho khi chiếu vuông góc với mặt đất, nó càng nằm sâu trong mặt phẳng nghiêng càng tốt. Vì thế nếu lật ngược khối kim loại 35.2 kg ở trên mà vẫn giữa nguyên vị trí cơ thể, nó sẽ rơi xuống ngay. Để khối kim loại không rơi, cảm xạ viên cần ngửa người ra sau một chút. Bạn đọc có thể hỏi, vì sự dính ướt không đóng vai trò đáng kể với các vật nặng, cái gì giữ cho vật nặng không rơi, vì ngay cả trên mặt phẳng nghiêng, sức hút của Trái Đất vẫn đủ mạnh? Câu trả lời là sự ma sát giữa da, vốn khá xù xì chứ không trơn nhẵn, và vật nặng; nó đủ mạnh để giữ vật trên mặt phẳng nghiêng. Bôi một chút dầu nhờn lên da, vật sẽ rơi ngay xuống đất. Để “hấp dẫn sinh học” là sự thật? Để chứng minh “hấp dẫn sinh học” là sự thật, các cảm xạ viên cần thực hiện những bước như sau: 1) Thực hiện hút đồ vật trong phòng máy lạnh, để loại bỏ sự dính ướt do mồ hôi; 2) Đứng thẳng người, hoặc đặt vật nặng ở bộ phận cơ thể không tạo thành mặt phẳng nghiêng; tốt nhất dùng người ngực nở bụng thon, chứ không phải người bụng to hơn ngực như ta thấy trên các ảnh minh họa; 3) Bôi một chút dầu nhờn lên da để triệt tiêu sự ma sát; và 4) Lý tưởng nhất là đặt người nằm trên một cái giường khoét sẵn một lỗ thủng, qua lỗ thủng đó đưa vật nặng lên cho dính vào ngực (nếu nằm sấp) hoặc lưng (nếu nằm ngửa) của cảm xạ viên. Nếu vật nặng không rơi, đó chính là “hấp dẫn sinh học”. Với tư cách một người đã 30 năm quan tâm tới các hiện tượng dị thường, người viết bài này tin rằng, có lẽ cái gọi là “hấp dẫn sinh học” chỉ là sự lừa gạt không hơn không kém. Đại tá TS Đỗ Kiên Cường

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/132n201031144216990t132/hap-dan-sinh-hoc-chi-la-tro-lua-gat.htm