Học ngoại ngữ ở phố Tây chưa bao giờ lỗi thời

(Đời sống) - Tốn tiền đóng vào các trung tâm ngoại ngữ trong thời điểm hiện tại có thể coi là lãng phí khi mà đã có rất nhiều cách để tự học.

Cơm tấm Sài Gòn: Ai mà chê được? Con đường 'linh thiêng' nhất Sài Gòn

Hầu hết các bậc phụ huynh với nguồn tài chính ổn định đều mong muốn tìm cho “cậu ấm cô chiêu” nhà mình một nơi đào tạo và nâng cao trình độ ngoại ngữ tử tế và chuyên nghiệp. Nhưng không phải bạn trẻ nào cũng có điều kiện tham gia các khóa học đắt tiền, được đào tạo bài bản. Trong khi đó, việc chọn cho mình một giải pháp khác, tiết kiệm và năng động hơn, gồm ba bước đơn giản như sau: Đến – Gặp – Giao tiếp. Và nơi đến tiết kiệm nhất, thậm chí có thể là miễn phí không đâu khác ngoài phố Tây.

Phố Tây bao năm vẫn “hot”

Tọa lạc ở trung tâm Quận 1, phố Tây nổi danh Sài Thành bắt đầu từ ngã tư giao giữa Đề Thám – Bùi Viện, đối diện với quán bar Crazy Buffalo (một nơi đã trở thành biểu tượng của phố Tây) và kéo dài đến hết đường.

Crazy Buffalo - Một biểu tượng của phố Tây

Sau khi gửi xe ở cổng đường Phạm Ngũ Lão của Công viên 23/9 (bạn có thể gửi bãi gửi xe của đường Bùi Viện nếu ngại đi xa), tôi băng qua đường để đi đến ngã tư đã đề cập ở trên. Là một phần của Sài Gòn, nhưng Phố Tây gần như là một thế giới tách biệt. Những cửa hàng đồ hand-made mọc san sát nhau, xen kẽ ngẫu nhiên vào đó là những quán cà phê, những quán ăn với đầy đủ ngôn ngữ Anh-Pháp-Việt được ghi trên biển hiệu.

Đi thêm một chút, đó là những tờ bướm hướng dẫn du lịch, những dáng người cao lớn, với những màu tóc khác nhau vác trên vai chiếc ba lô to, nặng luôn di chuyển không ngừng trên các tuyến đường nơi đây. Ở các quán cà phê, quán ăn do người dân khu phố tự phát lập nên, dễ dàng bắt gặp được hình ảnh những ông Tây, bà Đầm mắt xanh mũi lõ đang nói chuyện cùng những bạn trẻ Việt, thân tình như bạn hữu lâu ngày mới gặp vậy.

Học sao cho đúng?

Mỗi năm, số lượng người nước ngoài đến Sài Gòn du lịch rất nhiều, và họ thường được các hướng dẫn viên du lịch hay những người đi trước rỉ tai là nên đến Bùi Viện. Do đó, những bạn trẻ đam mê ngoại ngữ, hoặc muốn cải thiện trình độ luôn coi nơi đây như một cứu cánh, bởi nó là trải nghiệm thực tế hoàn hảo và tiết kiệm mà khó nơi nào có được.

Nếu bạn đủ tự tin, thì rất dễ kết thân với người nước ngoài, bởi phần lớn dân du lịch thì đều dễ mến và dễ gần. Ban đầu có thể rất khó khăn, lời nói của bạn vấp váp, còn ngôn từ của bạn thì xáo trộn cả lên nhưng chẳng có gì phải lo cả. Hầu hết những vị khách phương xa kia không phải là giám khảo của một cuộc thi hùng biện, họ sẵn sàng chờ đợi và sửa sai cho bạn.

Hình ảnh của nhóm Talking with the Tourist

Thế nhưng, nếu bạn thực sự ngại giao tiếp và bắt chuyện với một người lạ ngẫu nhiên gặp trên đường? Một Câu Lạc Bộ Anh Văn nghe có vẻ là một ý hay, và Câu Lạc Bộ Anh Văn ở Café Sozo là một ý hay. Nằm ở số 176 đường Bùi Viện, ý tưởng thành lập quán được nhen nhúm bởi một nhóm bạn người Mỹ, cũng là những người chủ của quán, với mục đích ban đầu nhằm cưu mang trẻ em cơ nhỡ, tạo việc làm cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Café Sozo thường xuyên kêu gọi sự tham gia giúp sức từ những nhóm tình nguyện viên ở Mỹ, nên đây thường là nơi tập trung rất nhiều bạn trẻ người nước ngoài, sẵn sàng ngồi hàng tiếng đồng hồ để chuyện trò “trên trời dưới biển” cũng như giải đáp những thắc mắc mà các bạn đặt ra.

Bên ngoài Cafe Sozo

Trở lại sau một năm không tham gia Câu Lạc Bộ, tôi rất ngạc nhiên khi quán cà phê vẫn giữ nguyên lề thói cũ, hai tầng lầu của quán vẫn chật kín những nhóm bạn trẻ Việt Nam, mà chính giữa mỗi nhóm thường là một “bạn Tây” đang hoạt bát vui tươi trò chuyện sôi nổi hay chơi trò chơi cùng nhau.

Ngoài hai buổi “Tea Talk” dành riêng cho học sinh sinh viên vào mỗi thứ ba và thứ sáu, trong tuần quán vẫn tổ chức đều đặn những hoạt động ngoại khóa như đi thăm Viện dưỡng lão, thăm các cửa hàng mỹ nghệ, tập thể dục thể thao,…

Các hoạt động của Câu Lạc Bộ Sozo không chỉ giúp người tham gia có dịp áp dụng tiếng Anh vào thực tế, thông qua những trải nghiệm mà sách vở sẽ không bao giờ diễn đạt trọn vẹn; mà còn giúp bạn trẻ rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt và làm việc đội nhóm.

Ban Nguyễn Đình T., sinh viên năm hai trường Đại học Công Nghiệp cho biết rằng từ ngày tham gia Sozo, khả năng giao tiếp tiếng Anh của bạn đã tiến bộ thấy rõ, và bạn rất tự tin mỗi khi có dịp thuyết trình trên lớp. Riêng bạn Hoàng Thị L., sinh viên năm tư trường Đại học Mỹ thuật Công nghệ thì chia sẻ rằng, trước khi biết rằng mình có thể trau dồi tiếng Anh ở Bùi Viện, đây là một trong những môn học “hành hạ” bạn nhất ở trường.

Rủi ro là gì?

Với đặc tính năng động và thú vị, học ngoại ngữ trực tiếp chưa bao giờ là lỗi thời. Để rồi theo thời gian hoạt động này không còn gói gọn ở một con phố chật hẹp, các bạn trẻ của chúng ta đủ tự tin để bắt chuyện với những người nước ngoài xung quanh khu vực ấy, nơi công viên, quán cà phê và thậm chí là… quán nhậu. Vậy nên, những buổi ôn luyện ngoại ngữ sẽ dễ dàng biến tấu thành những cuộc ăn chơi vô thưởng vô phạt, những chầu say bí tỉ, vô cùng nguy hiểm đặc biệt là đối với những bạn nữ.

Khu phố Tây ngoài các du khách thân thiện đã đề cập trong suốt bài viết ra, hiển nhiên vẫn còn tồn tại những thành phần xấu, cẩn trọng trong hành động chưa bao giờ là thừa.

Thêm nữa, dẫu có giao tiếp giỏi đến đâu, sẽ hoàn toàn vô ích trong những kỳ thi nếu bạn không có kiến thức nền tảng. Bạn có thể hoàn hảo trong việc nói chuyện bằng ngoại ngữ, nhưng không thể dùng nó để giải quyết những vấn đề đòi hỏi chính xác cao hay thuật ngữ chuyên ngành. Vì vậy, các bạn trẻ nên tìm cách phối hợp hài hòa hai phương pháp học tập để đạt được hiệu quả cao nhất: đi học ở trường lớp hoặc tự học để có kiến thức nền tảng, rồi sau đó lại đến Bùi Viện để thực hành những gì mà mình đã học được. Điều đó sẽ giúp bạn sớm sử dụng ngoại ngữ thành thạo như người bản xứ trước khi kịp nhận ra điều đó.

Nguyễn Minh Phúc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/hoc-ngoai-ngu-o-pho-tay-chua-bao-gio-loi-thoi-3002733/