Hương cam Cao Phong đã bay xa

Trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp ba, có trích giảng bài thơ 'Bổ cam' của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp ba, có trích giảng bài thơ “Bổ cam” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Bài thơ 8 câu ấy tả về vị ngon thơm của cam Xã Đoài, nhưng giờ đây khi đến Cao Phong, trong buổi chiều nắng nhạt, được thưởng thức đĩa cam vườn thơm lừng, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của ông: “Bổ cam ngoài cửa trước. Hương bay vào nhà trong”... Cao Phong là một huyện miền núi Tây Bắc, thuộc tỉnh Hòa Bình. Bao nhiêu năm rong ruổi trên các nẻo đường qua Cao Phong để đi đến các địa danh Mai Châu, Mộc Châu, gần như không ai dừng lại, chẳng ai chú ý nơi đây có diện tích trồng cam tới 1.200 ha với sản lượng ước đạt 16.500 tấn mỗi năm. Vào ngày 16-11-2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ đón nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho 4 giống cam: CS1, cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao và cam Canh. Đây là những giống cam được di thực ở các địa phương khác về huyện Cao Phong từ những năm 1960, như từ cam Xã Đoài (Nghệ An), cam Canh (Vân Canh). Vậy là trái cam Cao Phong đã bắt đầu có tên, như một nhan sắc khuất chìm, sau khi đi dự thi một cuộc thi, có danh hiệu thì mới được nhiều người biết đến. Đến năm 2015, Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ nhất được tổ chức thành công với quy mô 30 gian hàng từ 12 xã, thị trấn trong huyện. Kết quả là có 50 tấn cam được tiêu thụ nhân dịp này. Năm 2016, Cam Cao Phong của tỉnh đã vinh dự lọt vào Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng và Lễ hội Cam cũng được tổ chức trong tháng 11.

Nằm cách Hà Nội 100 km, dọc theo quốc lộ 6, thị trấn Cao Phong có thể sẽ không được ai chú ý đến, cũng chẳng phải là nơi để dừng chân ăn trưa hay nghỉ ngơi trên đường du lịch. Bao nhiêu năm, vào mùa cam những người nông dân vẫn đem bày trên lộ và thỉnh thoảng mới có xe dừng lại mua làm quà. Nhưng chỉ vài năm nay, khách đi ngang qua đây luôn nhớ dặn bác tài dừng lại để mua ít ký cam về làm quà. Cam xã Đoài đã làm cho mọi người nhớ đến Cao Phong. Và cuộc hành trình của chúng tôi từ Mộc Châu trở về Hà Nội đã dừng lại Cao Phong bởi loại trái cây “Bổ từ cửa trước mà hương thơm ra tận cửa sau”. Tháng ba, người dân ở đây gọi cam đang bán là “cam sót”, có nghĩa là các cây cam ra trái trong mùa đã bắt đầu ra hoa, còn một ít trong vườn ra trái muộn. Dọc theo đường huyện là những gian hàng bán cam. Những tấm bảng chỉ dẫn thương hiệu, có cả trang web chỉ dẫn địa lý, facebook. Nói chung là bây giờ việc buôn bán cam đã đi vào khoa học, không còn chuyện bán buôn tùy may rủi... Xe chúng tôi dừng lại ở một quầy ngẫu nhiên, mấy quầy bên cạnh cũng không có kiểu mời mọc như hay xảy ra ở các tuyến đường bán cây trái dọc các quốc lộ, có thể do những người bán cam đã tự tin về sản phẩm của mình. Giá cam “du lịch” là 40.000 đồng/kg (còn nếu mua bán lại, giá chừng 17- 20 ngàn/kg). Chủ nhà để sẵn ấm chè mời khách uống để thử cam. Khách có thể chọn bất cứ trái cam nào đang trưng bày, “bổ” ra thử tại chỗ. Cam Cao Phong khi cắt ra có màu vàng óng, nước chảy ra như mật. Đúng là “danh bất hư truyền”, tôi ăn thử, cảm nhận vị ngọt thanh, có thể ăn luôn xác vì không có hạt. Không đủ cam bán, bà chủ phải qua hàng bên cạnh lấy tiếp. Tất cả các nơi bán cam ở Cao Phong đều trồng cam ngay vườn phía sau. Vườn cam nằm bên dưới trũng, phải đi theo con đường nhỏ mà xuống. Mùa này cả mấy ngàn cây cam Cao Phong đang nở hoa. Những cây cam xanh lá, điểm trên mình những bông hoa trắng nõn, mùi hương tỏa ra thơm ngát một vùng. Một loại cam ngon đã tạo cho một vùng đất được mọi người biết đến. Cao Phong, đang chuẩn bị thêm một vụ mùa rộn rã. Và đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi ghé Cao Phong.

Khuê Việt Trường

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_162954_huong-cam-cao-phong-da-bay-xa.aspx