Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS). Hội thảo tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với sự tham gia của đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan tại một số tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ.

Một cuộc đấu giá tài sản tại Đồng Nai. Ảnh: An Nhơn

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung thiết thực cho việc sửa đổi, bổ sung tại Điều 56, Luật ĐGTS năm 2016 và Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 8-2-2022 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn lựa chọn tổ chức ĐGTS (gọi tắt là Thông tư 02).

Những bất cập, hạn chế

Luật ĐGTS năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017. Quá trình triển khai thực hiện luật trong hơn 6 năm qua đã cho thấy nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục ĐGTS. Luật đã giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá và nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản...

Tuy nhiên, luật này trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, cần sửa đổi, bổ sung Điều 56.

Tương tự, Thông tư 02 được áp dụng hơn 2 năm nay và đã mang lại những kết quả quan trọng như: tạo cơ sở pháp lý cho người có tài sản thực hiện đánh giá, chấm điểm lựa chọn, thông báo kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS theo quy định của Luật ĐGTS năm 2016… Tuy nhiên, thông tư hiện cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, nhất là một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, quy định về thời hạn thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức ĐGTS trong thời hạn ít nhất 3 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn là ngắn. Điều này đã gây khó khăn cho tổ chức ĐGTS trong việc tiếp cận thông tin và đăng ký tham gia lựa chọn.

Quy định về việc trừ điểm đối với đấu giá viên và tổ chức ĐGTS bị xử phạt vi phạm hành chính về ĐGTS đối với tất cả các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá là chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa các tổ chức tại các địa phương. Thực tế hoạt động kiểm tra, thanh tra cho thấy, việc xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi không liên quan trực tiếp đến năng lực, kinh nghiệm của tổ chức (như: lập biên bản chưa đúng mẫu, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ chưa đầy đủ…) cũng thuộc trường hợp bị trừ điểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả lựa chọn.

Ngoài ra, quy định đối với một số tiêu chí của Thông tư 02 còn mang định tính, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có tài sản. Quy định về “tài sản đấu giá cùng loại” chưa rõ ràng khiến một bộ phận người có tài sản gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện…

Phát biểu tại hội thảo, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai Phan Quang Tuấn cho rằng, theo các điều kiện tiêu chí trong Thông tư 02, những doanh nghiệp (DN) lớn thường có nhiều thuận lợi trong việc làm đẹp hồ sơ “nâng cao năng lực” để có nhiều điểm cao. Từ đó, người có tài sản thường sẽ lựa chọn những DN này để thực hiện đấu giá. Các DN nhỏ sẽ mất lợi thế và lâu dần sẽ rơi vào xu hướng “cá lớn nuốt cá bé” trong hoạt động kinh doanh.

Theo Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) LÊ VĂN TUẤN, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia, tổ chức hành nghề ĐGTS, đấu giá viên… Việc sửa đổi, bổ sung luật lần này có nhiều nội dung mới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại cũng như tìm ra những phương án, giải pháp, quy định mới để nâng cao chất lượng hoạt động ĐGTS cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Để tồn tại và phát triển, một số DN ĐGTS nhỏ đã tìm mọi cách “lách luật” làm đẹp hồ sơ nhằm có được điểm năng lực cao. Điều này dễ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, do pháp luật hiện hành có những “khe hở” chưa hoàn thiện.

Trực trạng ở Đồng Nai thời gian qua cho thấy, có DN thuộc dạng DN nhỏ, yếu kém, không có năng lực hồ sơ tốt nhưng đã tìm mọi cách làm đẹp hồ sơ bằng cách xin cấp nhiều đấu giá viên và mở thêm nhiều chi nhánh tại các tỉnh, thành trong nước. DN làm như vậy để có nhiều điểm theo điều kiện tiêu chí của Thông tư 02. Trong khi đó, báo cáo tài chính của DN này những năm gần đây rất thấp, hoạt động không hiệu quả.

“Luật ĐGTS và các văn bản hướng dẫn hiện chưa toàn diện như một số bộ luật khác, vẫn còn có những “khoảng trống” trong quy định. Do vậy, Sở Tư pháp ở các địa phương mong Bộ Tư pháp có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thêm công tác quản lý nhà nước để lấp những “khoảng trống” trên nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động ĐGTS” - ông Tuấn đề xuất.

Cần thiết phải hoàn thiện pháp luật

Tại hội thảo, đa số đại biểu đều đồng tình chọn phương án bổ sung quy định tại Điều 56 Luật ĐGTS là: “Trường hợp tài sản có giá khởi điểm dưới 500 triệu đồng thì người có tài sản xem xét, chỉ định một số tổ chức ĐGTS để thực hiện việc đấu giá mà không cần lựa chọn theo các tiêu chí quy định tại khoản 4, Điều 56 của luật này và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn đó”. Phương án này đã đơn giản hóa quy trình lựa chọn tổ chức ĐGTS đối với các loại tài sản có giá trị nhỏ, qua đó cắt giảm các chi phí cho người có tài sản và tổ chức ĐGTS.

Đồng thời, các đại biểu còn góp ý nhiều nội dung thiết thực cho Thông tư 02. Trong đó, cần xem xét, bổ sung trách nhiệm của các tổ chức đấu giá về tính chính xác, hợp pháp cũng như thông tin hồ sơ, tài liệu để người có tài sản căn cứ thực hiện việc lựa chọn cho phù hợp; xem xét và bố cục lại số điểm cho phù hợp tương xứng với việc tổ chức ĐGTS.

Các ý kiến cũng cho rằng, Thông tư cần thu hẹp các hành vi bị trừ điểm, chỉ chọn lọc các hành vi liên quan trực tiếp đến năng lực, kinh nghiệm, tính liêm chính và đạo đức hành nghề của tổ chức ĐGTS; không quy định “tài sản cùng loại” hoặc trong trường hợp cần thiết thì nên quy định theo hướng “tài sản cùng loại là tài sản có cùng đặc điểm và chức năng” để đơn vị có tài sản dễ thực hiện…

Phát biểu tại hội thảo, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Văn Tuấn ghi nhận các ý kiến đóng góp trên. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ xem xét, nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp diễn ra vào tháng 6-2024.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/kien-nghi-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-dau-gia-tai-san-8944270/