Lãi suất tiết kiệm đã thoát 'đáy'?

Các ngân hàng bắt đầu ồ ạt tái tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nhất là khi lượng tiền gửi vào ngân hàng chậm lại. Nhưng các dự báo đưa ra lãi suất sẽ tăng mạnh cuối năm.

Tiền nhàn rỗi vào ngân hàng chậm lại

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố lượng tiền gửi của cá nhân, doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng tháng 1/2024 sụt giảm mạnh. Lãi suất thấp là nguyên nhân khiến lượng tiền vào ngân hàng sụt giảm.

Theo đó, trong tháng 1/2024, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng giảm 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương ứng mức giảm 2,41%, còn 6,676 triệu tỷ đồng. Đồng thời, lượng tiền gửi vào ngân hàng của các cá nhân sụt giảm 34.000 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 0,53%, còn 6,498 triệu tỷ đồng.

Lãi suất tiết kiệm được cho là đã thoát "đáy"

Như vậy, lượng tiền gửi của người dân, doanh nghiệp trong tháng 1 giảm gần 200.000 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái - tháng 1.2023, lượng tiền gửi cá nhân vào ngân hàng tăng cao, còn tổ chức kinh tế giảm mạnh.

Nguyên nhân khiến lượng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng chậm lại được cho là lãi suất tiết kiệm trên thị trường giảm thấp xuống mức đáy khiến lượng tiền vào ngân hàng đi xuống. Lãi suất tiết kiệm hiện nay xuống mức thấp 1,6 - 4,8%/năm.

Theo báo cáo lãi suất của các NHTM, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Lãi suất giảm sâu khiến tiền nhàn rỗi quay đầu. Trước thực trang tiền gửi tiết kiệm giảm, các ngân hàng bắt đầu tái tăng lãi suất tiền gửi đầu vào, với mức tăng từ 0,3-0,5%/năm tùy từng kỳ hạn khác nhau, nhằm giữ chân tiền gửi.

Lãi suất huy động thoát "đáy"

Từ đầu tháng 4 đến nay, có không dưới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,1 - 0,5%/năm ở các kỳ hạn. Mức lãi suất 6%/năm xuất hiện tại một số nhà băng như Oceanbank ở mức 6,1%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, OCB huy động 6%/năm ở kỳ hạn 36 tháng

Lãi suất tiết kiệm được các nhà phân tích nhận định đã thoát "đáy", nhưng hiện chưa tăng mạnh và sẽ cao dần vào cuối năm nay. Đáng chú ý nếu tín dụng cải thiện tốt hơn, ngân hàng sẽ chạy đua tăng lãi suất hút tiền gửi, chuẩn bị thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng.

Số liệu NHNN đưa ra, đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023 và đang xu hướng tăng. Trước đó, NHNN cũng cho hay, tính đến ngày 25/3, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023, trong đó riêng tháng 3 tăng 0,98%.

Như vậy, tín dụng đã đảo chiều trong tháng 3/2024. Trong khi, theo NHNN, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (trong đó tháng 1 giảm 0,6%, tháng 2 giảm 0,05%).

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) cũng đưa ra nhận định, những diễn biến gần đây, lãi suất tiền gửi bắt đầu được điều chỉnh tăng nhẹ trở lại ở một số ngân hàng thương mại, do thanh khoản của hệ thống bắt đầu có tín hiệu cạn.

Tuy nhiên, bằng việc cung cấp thanh khoản cho hệ thống qua các phiên giao dịch gần đây, NHNN có thể vẫn muốn duy trì mặt bằng lãi suất huy động của toàn hệ thống ở mức như hiện tại, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hàng cũng như duy trì hỗ trợ dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Còn lãi suất cho vay, theo ông Vũ, thời gian tới cũng sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể bởi với việc điều chỉnh giảm biên độ lợi nhuận trên từng khoản vay, các ngân hàng sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể nếu vẫn muốn đạt được chỉ tiêu lợi nhuận chung cuối năm. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả mong đợi.

Về vấn đề hạ lãi suất, Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cũng đánh giá, hiện lãi suất đang ở mức thấp nhất trong “nhiều chục năm” và nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng cảnh báo lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Chính sách tỷ giá có quan hệ chặt chẽ với lãi suất và việc cố gắng duy trì lãi suất thấp như hiện nay không đồng nghĩa với việc hy sinh tỷ giá vì lãi suất.

Theo Phó thống đốc Tú, chỉ tiêu lãi suất là vấn đề quan trọng, phức tạp đòi hỏi điều hành hợp lý bởi lãi suất quan hệ với tất cả chính sách khác, đặc biệt là tỷ giá. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN trên tinh thần tạo điều kiện hạ lãi suất, nhưng phải phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô và vẫn phải được kiểm soát lạm phát.

Do đó, lãnh đạo NHNN cho biết, hiện tại và thời gian tới, lãi suất điều hành của NHNN sẽ chưa điều chỉnh tăng hay giảm mà duy trì ở mức hiện tại. Tuy nhiên, nhà điều hành khuyến khích và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay thực tế thông qua các gói ưu đãi hoặc gói tín dụng có tính chất chuyên ngành.

T.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lai-suat-tiet-kiem-da-thoat-day-d214331.html