Làm rõ vị thế thiền phái Liễu Quán trong văn hóa Việt Nam

Là dòng thiền thứ hai của dân tộc Việt, được liên tục tiếp nối và phát triển theo bước chân Nam tiến, mở mang bờ cõi đất nước, sau gần 3 thế kỷ mới có hội thảo đầu tiên mang tính lịch sử về thiền phái Liễu Quán.

Ngày 31.12.2023 - 1.1.2024, tại TP Huế, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Huế, tổ chức Hội thảo khoa học "Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển".

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 281 năm ngày Tổ sư Liễu Quán viên tịch (1742 - 2023)

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 281 năm ngày Tổ sư Liễu Quán viên tịch (1742 - 2023)

Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trưởng Ban tổ chức hội thảo, cách đây gần 300 năm, Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán đã sáng lập nên một dòng thiền mới ở Nam Hà - Đàng Trong mang đậm nét bản sắc văn hóa Việt. Nếu thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai lập là dòng thiền thứ nhất của Việt Nam, thì thiền phái Liễu Quán là dòng thiền thứ hai của dân tộc Việt. Điều đặc biệt, sự truyền thừa của dòng thiền này được liên tục tiếp nối và phát triển theo bước chân Nam tiến, mở mang bờ cõi đất nước.

Cũng từ dòng thiền này, các bậc Tổ sư, cao Tăng, cư sĩ Phật tử đã dấn thân trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc. Nổi bật là phong trào chấn hưng Phật giáo, hoằng pháp lợi sinh, góp phần tạo nên sự quang huy quốc độ và Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Đến nay, Thiền phái Liễu Quán đã phát triển rộng khắp mọi miền đất nước, lan tỏa đến cả nhiều vùng đất ở nước ngoài, với hàng nghìn ngôi chùa và hàng triệu môn đồ Tăng, Ni và Phật tử.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

“Suốt thời gian gần ba thế kỷ hình thành và phát triển của thiền phái, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn chưa có cuộc minh định chính thức nào về vị thế cũng như nội hàm giá trị đóng góp to lớn của thiền phái trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam. Thế nên, đây là hội thảo đầu tiên mang tính lịch sử về thiền phái. Và đây, cũng là dịp để các thế hệ con cháu của Đức Tổ sư từ khắp nơi cùng trở về vun xới những giá trị tâm linh, nối kết tình linh sơn pháp lữ với tâm nguyện Truyền đăng tục diệm, Tổ ấn trùng quang”, Hòa thượng Thích Hải Ấn nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, tại Thừa Thiên Huế, trên tinh thần tiếp nối, kế thừa và phát huy di sản của dòng thiền Liễu Quán, các chức sắc, Tăng, Ni Phật giáo tỉnh đã thực hiện tốt sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh, hướng dẫn Phật tử các giới tu học đúng chính pháp, thực hiện các sinh hoạt tôn giáo theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tuân thủ pháp luật Nhà nước. Bên cạnh đó, với tinh thần nhập thế hành đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cùng với các cấp chính quyền, Nhân dân và đông đảo Tăng, Ni, Phật tử có nhiều hoạt động “lợi đạo ích đời”, tích cực tham gia công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, hội thảo diễn ra trong những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, là sự kiện đặc biệt nhằm “ôn cố, tri tân”. “Qua hội thảo này, chúng tôi tin rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Thừa Thiên Huế nói riêng sẽ tiếp tục phát huy các giá trị di sản của dòng thiền Liễu Quán trong sự nghiệp xây dựng Đạo pháp - Dân tộc, góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Khách tham quan triển lãm “Bảo đạc trường minh” trong khuôn khổ hội thảo. Hàng trăm tư liệu quý liên quan đến Thiền phái Liễu Quán dược trưng bày, giới thiệu đến công chúng

Khách tham quan triển lãm “Bảo đạc trường minh” trong khuôn khổ hội thảo. Hàng trăm tư liệu quý liên quan đến Thiền phái Liễu Quán dược trưng bày, giới thiệu đến công chúng

Hội thảo có 3 diễn đàn chính: Tổ sư Liễu Quán: Cuộc đời, đạo nghiệp và nền tảng tư tưởng; Phổ hệ truyền thừa và quá trình phát triển của Thiền phái Liễu Quán; Kế thừa và phát huy di sản Thiền phái Liễu Quán. Hơn 120 tham luận của các vị Tăng, Ni, các nhà nghiên cứu, học giả ở trong và ngoài nước đã được gửi đến hội thảo. Nhiều tham luận cung cấp những thông tin rất giá trị về phương diện lịch sử, có phát hiện mới đóng góp vào nhận thức về cuộc đời, đạo nghiệp và những ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán cũng như Thiền phái mang tên ngài.

Ngọc Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/lam-ro-vi-the-thien-phai-lieu-quan-trong-van-hoa-viet-nam-i355922/