“Lấy vợ” hay “đi tù” cũng thế cả thôi!

Gửi ông!

Tôi vừa nhận được thiệp mời của ông cách đây 2 phút. Thế là tôi sắp toi vài lít, còn ông sắp toi cả cuộc đời... Giờ này tôi có khuyên nhủ chắc cũng không nhằm nhò gì, bởi khi ông trao nhẫn cưới cho vợ ông cũng có nghĩa là vợ ông đã xỏ nhẫn cưới vào... mũi ông (Đấy, chúng ta luôn thua từ khi trọng tài thổi còi bắt đầu hiệp đấu). Chỗ bạn bè, tôi muốn ông chuẩn bị tinh thần để hiểu hai từ khác âm nhưng đồng nghĩa: “lấy vợ” và “đi tù”. Mụ vợ tôi (thư này dành riêng cho ông nên tôi gọi như vậy, nếu mụ ấy biết thì tôi từ án treo chuyển vào trại, từ 6 tháng chuyển sang chung thân, từ chung thân đến tử hình... mong ông giữ mồm, giữ miệng cho), mụ vợ ông và các mụ vợ trên đời tuy không cùng cha, cùng mẹ nhưng đều giống nhau bởi dòng máu chiếm hữu lúc nào cũng chảy rần rật. Mụ ấy đổ đồng tình yêu và sự chiếm hữu. Cái thân xác này, mụ chiếm hữu đã đành, nhưng cái khoảng thời gian bé tí tẹo vênh ra vào giữa giờ ăn trưa cũng bị mụ kiểm soát chặt chẽ. Giờ trưa nghỉ ngơi tí chút, Yahoo Messenger phải vàng khè, thi thoảng mụ xì-pam một cái. Không thấy thì mụ gọi điện thoại, gọi bàn, di động, không được thì mụ gọi cho đồng nghiệp. Ông có tin không, 8 năm nay, chưa bao giờ tôi thoát khỏi tầm mắt mụ. Mụ gọi thế là yêu, là quan tâm, lo lắng... Mỗi lần thông báo đi công tác là tôi phải lấy tinh thần, mở miệng như người có lỗi và y rằng mặt mụ dài như cái bơm. Mụ buồn vì không có chồng trong 2,3 ngày, còn tôi như mở cờ trong bụng vì không “bị” yêu thương, lo lắng ít nhất trong 48 giờ. Mụ thuê ô-sin để trông con, còn mụ rảnh rang để... trông tôi. Năm thì mười họa mụ mới cấp cho cái “quota” được đi bù khú với đám bạn... 10 năm không gặp. Mà đám bạn đó, ai, ở đâu, làm gì, điện thoại bao nhiêu... mụ đều lưu trong bộ nhớ phi thường mà đôi khi tôi nghĩ người trần không mấy ai có. Và suốt cái buổi nhậu hiếm hoi ấy mụ cứ réo rắt gọi. Nghe ồn ào thì mụ hỏi: “Tại sao ồn thế, có phải nhậu xong rồi rậm rật đi karaoke bàn tay vàng?”, im lặng thì mụ dán tai vào, rít lên: “Tại sao yên tĩnh, có phải rửng mỡ mò vào nhà nghỉ?”. Nếu đêm đó tôi mà về muộn thì quả là thảm kịch. Biết mình có lỗi, tôi rón rén bước vào nhà, vén màn thất kinh khi thấy mụ tóc tai dựng đứng, mắt thâm quầng, ngồi nhìn trừng trừng lên trần nhà (sau này tôi mới biết mụ quả là cao tay, mụ vẫn ngủ, ngáy ngon lành, nhưng khi nghe tiếng kẹt cửa, mụ ngồi phắt dậy, xõa cho tóc tai dựng ngược, quệt tí phấn mắt màu chì vào quanh mắt, rồi ngồi chờ chồng như thể từ kiếp trước). Cho dù, có mệt rã rời vì bia rượu, tôi vẫn cố gắng trả đủ bài vì đó là phép thử của mụ. Vậy mà sáng sau, chưa kịp hồi sức, đã nghe thấy tiếng mụ cha chả, xoong nồi xủng xoảng, mụ quát chó, chửi mèo, đánh con chí chóe... Và tôi, cố lết tấm thân xác bèo nhèo - 8 năm trước còn lịch lãm, hào hoa nhất lớp (ông biết mà) - dắt xe ra khỏi cửa, đứa lớn ngồi sau, đứa bé ngồi trước (mà vẫn thò tay cấu nhau), khăn bịt mặt, nón trùm đầu, sữa, cặp sách... lôi thôi như dân tị nạn. Than ôi, làm người đã khổ, làm chồng còn khổ hơn gấp bội! Đôi khi (nhất là khi tôi nộp cho mụ một cục tiền), mụ cũng nới chút đỉnh cho tôi “thở”, nhưng cũng chỉ là “thở hắt”, nhất quyết không cho “thở dài”. Về nhà, nếu tắt điện thoại thì mụ tra: “Sợ em nào gọi hay sao mà tắt”, nhưng cứ có điện thoại gọi đến là tôi giật mình thon thót. Không nghe cũng chết mà nghe thì con người mất hết văn minh, lịch sự. Tôi phải nói thật to, càng ông ổng càng tốt, càng thô bạo (mày, tao, ông, tôi) càng tốt, đi lại thật hoành tráng, vung chân, vung tay dù có khi đầu dây bên kia chỉ hỏi mỗi câu: tài liệu để đâu? Nếu tôi nói nhỏ thì mụ sẽ cho là có vấn đề, mụ sẽ khảo, sẽ tra cả đêm cho ra vấn đề... vì sao nói nhỏ. Thực ra mụ (và các mụ) lo hơi thừa, thân thủ phi phàm như các mụ thì tôi (và chúng ta) là vỏ quýt chứ có là vỏ dừa mụ đâm cũng thủng. Ông có biết, khi về nhà bộ mặt của lũ chúng ta phải thế nào các mụ mới hài lòng không? Câu hỏi không bao giờ có đáp án, bởi: Nếu ông cáu gắt: Mụ cho là ông có bồ ruồng rẫy vợ con. Ông vui vẻ: Mụ cho là ông có bồ nên phởn phơ, hứng chí. Ông chu đáo: Mụ cho là ông có bồ nên thấy cắn rứt, hối hận. Nói chung, trong mắt các mụ vợ tự cho mình là Sơ-lốc Hôm, kiểu gì ông cũng “phải” có bồ. Mụ xấu cũng bảo tại chồng, già cũng bảo tại chồng (thời gian mụ dành để quản thúc đâu có chịu vào sa-lông làm đẹp bao giờ). Tuần rồi, xem chung kết hoa hậu, tôi toàn nhìn... ngón chân cái, thi thoảng mới dám liếc trộm mấy em. Triết lý cơm-phở luôn đóng đinh trong đầu mụ, mà mụ đâu có biết cơm có thể ăn cơm nguội hoặc chiên, chứ phở có ai ăn nguội hay chiên bao giờ. Cơm dù không ngon nhưng ngày nào người ta cũng có thể ăn, còn phở thì ai có thể xơi triền miên. Nói chung, lấy vợ là đi tù, đó là chân lý (dù rằng ông vẫn một lòng yêu quản giáo). Ông cứ chuẩn bị tinh thần đi, cái gia đình lý tưởng mà ông mơ ước rồi sẽ thành cái cối xay 1 chức năng, xay hết mọi ước mơ trai trẻ thành món sinh tố bèo nhèo. Hôm nay, tôi có hẳn 1h tự do, dĩ nhiên tôi phải nói dối mụ, phải huy động bạn đồng nghiệp, phải lạy lục em lễ tân để lỡ mụ có kiểm tra. Nhưng tôi mất 25 phút viết thư cho ông, còn 35 phút nữa tôi phải đi lai rai cốc bia với bạn bè trước khi... chui về lồng. Giờ này năm sau, nếu ông quá bức xúc, cứ đến tôi, tôi chỉ cho ông cách khởi nghĩa mà không bị dìm vào bể máu. Tôi đi đây. Không, tôi bắt đầu khởi nghĩa đây. Cũng phải chọn quán bia gần gần, vì còn cái đồng hồ công tơ mét nữa chứ... Chào ông, Mr. Lịch Lãm Tại sao đàn ông chống lại sự thay đổi? Có vô số cách mà đàn bà cố gắng thay đổi hoặc cải thiện đàn ông. Đàn bà nghĩ rằng những cố gắng nhằm thay đổi con người đàn ông của mình là tình yêu, nhưng anh ấy lại cảm thấy bị điều khiển, bị bác bỏ, và không được yêu. Đàn ông sẽ cương quyết cự tuyệt bởi vì họ cảm thấy đàn bà chối từ họ. Khi một người đàn bà cố gắng thay đổi một người đàn ông, anh ta không nhận được sự tin tưởng thực sự và sự chấp nhận mà anh ta thực sự cần để thay đổi và tiến bộ hơn. Vấn đề là người đàn ông muốn chống cự lại những cố gắng của người đàn bà để cải thiện anh ta, cuối cùng đàn bà hiểu nhầm phản ứng của anh ta. Cô ấy suy nghĩ nhầm lẫn rằng anh ấy không muốn thay đổi có thể bởi vì anh ấy không yêu cô ấy thực sự. Tuy nhiên, thực tế là anh phản đối lại sự thay đổi bởi vì anh ấy tin rằng anh ấy đang không được yêu thực sự. Đàn ông nhìn thế giới qua con mắt của người đến từ sao Hỏa. Châm ngôn của họ là “đừng sửa chữa cái gì, nếu nó không bị hỏng”. Khi người đàn bà cố gắng thay đổi một người đàn ông, anh ta nhận được một thông điệp rằng đàn bà nghĩ rằng anh ta đã bị tổn thương. Điều này làm tổn thương người đàn ông và khiến anh ta rất đề phòng. Anh ấy không cảm thấy được yêu và được chấp nhận. Cách tốt nhất là để giúp một người đàn ông tiến lên là để mặc anh ấy tự thay đổi! (Theo “Đàn ông đến từ sao Hỏa - Đàn bà đến từ sao Kim) Theo Đẹp

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/138n20100806170459215t0/lay-vo-hay-di-tu-cung-the-ca-thoi!.htm