Liên tiếp ca mắc cúm gia cầm, chuyên gia khuyến cáo phòng chống

Việt Nam liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm gia cầm lây từ động vật sang người, trong đó có ca đã tử vong.

Vừa qua, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) ghi nhận một bệnh nhân nam (37 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) mắc cúm gia cầm A(H9).

Liên tiếp ca mắc cúm gia cầm

Trước đó bệnh nhân bị sốt, tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Một tuần sau, bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do virus.

Kết quả xét nghiệm bước đầu tại BV phát hiện virus cúm A và có các đoạn gen tương đồng virus cúm gia cầm A(H9). Mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm khẳng định.

Sau đó, Viện Pasteur TP.HCM xác nhận mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A(H9). Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, nơi bệnh nhân mắc cúm A(H9) sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm, quanh đó chưa ghi nhận gia cầm ốm, chết.

Đây là trường hợp mắc cúm A(H9) đầu tiên của Việt Nam từ trước đến nay. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được lập danh sách và theo dõi sức khỏe.

Gia cầm được bày bán công khai (không rõ kiểm dịch) trên vỉa hè, lòng đường ở quận 5, TP.HCM. Ảnh: DI LINH

Trước đó, vào tháng 3-2024, tại Khánh Hòa đã ghi nhận một trường hợp tử vong do mắc cúm A(H5N1) trên người. Bệnh nhân là nam (21 tuổi, ngụ Khánh Hòa), sinh viên Đại học Nha Trang.

Theo BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, ho đàm. Sau khi đến khám tại một trung tâm y tế thị xã được chẩn đoán viêm họng - thanh quản cấp, điều trị ngoại trú.

Hôm sau, bệnh nhân sốt, mệt nhiều, được chuyển đến khoa cấp cứu (BV Đa khoa khu vực Ninh Hòa). Tại đây, BS chẩn đoán bệnh nhân nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết, theo dõi sốt xuất huyết Dengue.

Do diễn biến nặng, bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội tổng hợp thần kinh (BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa).

Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang xác định bệnh nhân trên bị cúm A/H5. BV chẩn đoán viêm phổi nặng do cúm A/H5. Vì tình trạng bệnh đã diễn biến quá nặng, phổi đã bị xơ nên bệnh nhân không qua khỏi.

Khuyến cáo phòng ngừa lây lan

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP.HCM, cho biết theo nhận định chung của cộng đồng khoa học, cúm A(H9) thường có độc lực thấp. Trên lĩnh vực nông nghiệp, virus cúm này ít gây chết hàng loạt gia cầm và ít gây tổn thất hơn các loại cúm A(H5), A(H7).

Virus cúm gia cầm A(H9) cũng lây bệnh cho người. Ở Việt Nam mới đây ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm này nhưng ở một số quốc gia khác như Trung Quốc đã ghi nhận trên 30 trường hợp.

Bộ Y tế nhận định thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng virus cúm gia cầm sang người. (Ảnh minh họa)

“Virus cúm A(H9) gây bệnh thường nhẹ, ít nguy hiểm, ít lây lan hơn các loại cúm A(H5), A(H7). Hiện các nhà khoa học đã tìm ra vaccine ngừa cúm A(H5), A(H7) nhưng chưa có vaccine ngừa cúm A(H9). Do vậy nguy cơ lây lan từ cúm A(H9) trở nên đáng quan ngại. Dù nguy cơ từ bệnh cúm này thấp nhưng chúng ta phải cảnh giác” - BS Dũng nhận định.

Theo đó, đa số các trường hợp mắc cúm A(H9) được phát hiện có kháng thể với virus này và không có triệu chứng. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp xuất hiện triệu chứng của hô hấp như sốt, đau họng, ho, mệt mỏi, đau cơ… Số ít trường hợp diễn tiến nặng gây suy hô hấp.

Thông tin từ Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, trước đây Việt Nam có phát hiện virus cúm A(H9N2) lưu hành trên đàn gia cầm. Đây là virus cúm gia cầm độc lực thấp, thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Con người có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A(H9) nếu tiếp xúc, sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.

BS Dũng chia sẻ thêm, virus cúm A(H9) ít có độc lực với gia cầm. Vì thế dù đã nhiễm virus này, con vật vẫn có vẻ khỏe mạnh. Khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh, con người có thể bị lây bệnh. Khi đó con người có thể cũng không xuất hiện triệu chứng nhưng vẫn có một nguy cơ nào đó.

“Khi sử dụng gia cầm (không may nhiễm bệnh) đã qua chế biến, nấu chín thì hoàn toàn không có nguy cơ nhiễm virus cúm. Chỉ e ngại khi sử dụng gia cầm sống, virus cúm sẽ lây lan sang con người. Hoặc khi giết thịt gia cầm tại gia đình, có khả năng tạo ra các chất thải, lây lan cho các loài chim chóc, về lâu dài có nguy cơ lây cho con người” - BS Dũng chia sẻ thêm.

Để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, BS Dũng lưu ý người dân không nên ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Ngoài ra không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau: Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy; Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.

Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus cúm gia cầm

Theo Bộ Y tế, hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng virus cúm cùng nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú. Trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng virus cúm gia cầm sang người, trong đó có cúm A(H9).

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lien-tiep-ca-mac-cum-gia-cam-chuyen-gia-khuyen-cao-phong-chong-post784790.html