Lý do các hãng ô tô phương Tây lo ngại 'hàng rào thuế' với xe điện Trung Quốc

Mỹ và châu Âu hiện đều theo đuổi dự định áp đặt mức thuế 'khủng' đối với ô tô điện và linh kiện xe điện từ Trung Quốc.

Xe điện Trung Quốc chưa bán nằm tràn ngập các cảng biển châu Âu. Ảnh: Le Monde

Theo Wall Street Journal, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ áp mức thuế 100% với xe điện từ Trung Quốc trong tuần tới, cao gấp 4 lần so với mức 25% hiện nay.

Động thái mới nằm trong nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng nhằm thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 sắp tới.

Theo Carscoops, mức thuế 100% sẽ “dập tắt” mọi cơ hội của ô tô điện Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Mức thuế mới cũng sẽ áp dụng cho cả pin và tấm pin năng lượng Mặt trời nhập khẩu từ nền kinh tế số 1 châu Á.

Hiện nay, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang duy trì sản lượng khoảng 40 triệu xe mỗi năm, tức tương đương doanh số toàn cầu của các “đại gia” như Toyota, Hyundai, KIA cộng lại. Trong khi đó, chỉ riêng năm 2023, mỗi trong số hơn 120 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã giới thiệu ra thị trường ít nhất một mẫu ô tô điện. Với tình trạng cung vượt xa cầu trong nước, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang khám phá các thị trường bên ngoài. Do đó, xuất khẩu ô tô Trung Quốc ra toàn cầu đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2020-2023.

Thực tế trên cũng là lý do Mỹ không đơn độc trong công cuộc xây dựng rào chắn “sóng thần” xe điện Trung Quốc, vốn rất đa dạng về kiểu dáng và có mức giá siêu rẻ. Liên minh châu Âu hiện cũng có kế hoạch tương tự, trong bối cảnh Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh quan điểm rằng hàng hóa Trung Quốc được trợ cấp lớn như ô tô điện đang tràn ngập thị trường châu Âu và Lục địa già “không thể hấp thụ sản lượng dư thừa của Trung Quốc”.

Ước tính, xe điện Trung Quốc bán ở châu Âu đang rẻ hơn khoảng 24% so với mẫu tương đương đến từ các thương hiệu “sân nhà” - theo kết quả nghiên cứu của JATO Dynamics.

Nhà sản xuất ôtô BYD (Trung Quốc) cũng đang đặt mục tiêu vượt Volkswagen và Stellantis để trở thành công ty có doanh số bán xe điện (EV) chạy bằng pin lớn nhất châu Âu - một trong những thị trường ô tô cạnh tranh gắt gao nhất thế giới - ngay trong thập kỷ này.

Tuy nhiên, việc các chính phủ lập hàng rào thuế quan với xe điện Trung Quốc lại khiến các nhà sản xuất ô tô bản địa lo ngại, viện dẫn nguy cơ gánh chịu trả đũa nếu châu Âu áp thuế với xe điện Trung Quốc. Cũng giống hai đối thủ đồng hương là Volkswagen và Mercedes, BMW có tỉ lệ lớn doanh thu thường niên đến từ các khách hàng tại Trung Quốc, vốn là thị trường lớn thứ hai của hãng sau châu Âu và chiếm gần 32% doanh số trong quý I-2024 vừa qua. Trung Quốc cũng là “công xưởng” sản xuất ô tô quan trọng. Hiện nay, xe BMW iX3 bán ra tại châu Âu đều “Made in China”.

"Bạn có thể tự bắn vào chính chân mình" - Giám đốc điều hành BMW Oliver Zipser bình luận khi đề cập tới khả năng châu Âu áp thuế xe điện từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Thomas Shaefer của Volkswagen - hãng xe lớn nhất châu Âu - cũng cảnh báo rằng các mức thuế về cơ bản ẩn chứa một số nguy cơ trả đũa. Quan điểm của các hãng xe cũng nhận được sự đồng tình của lãnh đạo ngành một số nước.

Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing cho rằng, những chính sách cô lập như vậy có thể gây ra chuỗi phản ứng khiến nền kinh tế số một châu Âu chịu thiệt hại. Quan chức này cũng cho rằng, các nhà sản xuất ô tô nên cố gắng tạo ra những sản phẩm có thể cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc.

Khó lòng hoàn thiện một chiếc ô tô mà thiếu vắng linh kiện và nguyên liệu từ Trung Quốc vào lúc này. Ảnh: Reuters

Ngoài xe nhập khẩu nguyên chiếc, lãnh đạo các hãng ô tô còn lo ngại tới việc nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc bị bóp nghẹt, một khi “cuộc chiến thuế” nổ ra.

Theo ông Oliver Zipser, các hãng ô tô Đức nói riêng và hầu hết các hãng xe khác trên thế giới đều có sự phụ thuộc song phương không chỉ về thành phẩm cuối cùng, mà còn về mặt linh kiện và vật liệu thô, đồng nghĩa mọi sự gián đoạn linh kiện từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất bất kì đâu trên toàn cầu.

Thực tế, quan điểm này đã được chứng minh khi Mỹ mới đây phải nới lỏng quy định về khoản ưu đãi đối với xe điện có sử dụng vật liệu than chì (graphite) nguồn gốc Trung Quốc. Theo thống kê cuối quý I-2024 của Fastmarkets, Trung Quốc đang thống trị nguồn cung cấp loại vật liệu cần thiết cho pin xe điện này, chiếm lĩnh từ 60% đến 99% thị phần toàn cầu đối với từng loại than chì khác nhau.

Một số chuyên gia cũng chỉ ra, giá xe ô tô sẽ đắt đỏ hơn nhiều nếu một nhà sản xuất muốn loại bỏ yếu tố Trung Quốc khi tìm mua tất cả các linh kiện cần thiết để lắp ra chiếc ô tô điện, và đó là nếu nguồn cung vẫn được đảm bảo.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều ý kiến từ ngành công nghiệp ô tô Mỹ và châu Âu cho rằng, các chính phủ nên cân nhắc cả việc hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô nội khối để cạnh tranh với xe Trung Quốc. Giám đốc điều hành Renault Luca de Meo cũng cho rằng, các hãng xe nên tăng cường hợp tác và tập trung nguồn lực để ứng phó hiệu quả, đảm bảo sức cạnh tranh trước “sóng thần” từ châu Á này.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ly-do-cac-hang-o-to-phuong-tay-lo-ngai-hang-rao-thue-voi-xe-dien-trung-quoc-666040.html