Mở cửa lao động khối ASEAN: Không dễ kiếm lương tháng nghìn đô

Đầu năm 2016, ASEAN chính thức mở cửa thành cộng đồng lao động chung, nhiều lao động Việt Nam vui mừng về cơ hội đi nước ngoài làm việc... Tuy nhiên, thực tế không phải lao động nào cũng có quyền di chuyển, xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong cộng đồng này để nhận mức lương nghìn đô như kỳ vọng.

Lao động ở ASEAN nhận lương nghìn đô

Mới đây, trên nhiều trang mạng xuất hiện các thông tin về việc một số công ty đăng tin tuyển dụng lao động phổ thông đi xuất khẩu lao động ở Singapore với mức lương 20 - 35 triệu đồng/tháng (khoảng 1.600 USD/tháng).

Theo các thông tin tuyển dụng trên mạng, lao động có tuổi đời từ 18-45 tuổi, biết tiếng Anh hoặc tiếng Trung có thể đi làm ở tất cả các ngành nghề như lao động phổ thông, cơ khí, thực phẩm, ưu tiên các lao động có tay nghề đầu bếp, mộc, cơ khí...

Cộng đồng lao động ASEAN chỉ chấp nhận lao động kỹ thuật (ảnh minh họa). Ảnh: Minh Nguyệt

Một số trang tuyển dụng đăng tuyển lao động đi làm việc tại Singapore không giới hạn. Thời gian làm việc từ 12 tiếng trở lên mỗi ngày, mức lương từ 20 - 35 triệu đồng/tháng, tùy từng công việc. Thủ tục cần để đi làm việc rất đơn giản, hồ sơ bao gồm hộ chiếu, chứng minh thư, bằng tốt nghiệp THPT, ảnh và 2 triệu đồng tiền đặt cọc để tham gia đơn hàng.

Không chỉ Singapore, 2 thị trường khác là Malaysia và Thái Lan cũng là quốc gia thu hút nhiều lao động trong khu vực nhất tới làm việc. Tổng số lao động dịch chuyển đến 3 quốc gia này chiếm 97% tổng số lao động dịch chuyển trong khu vực.

Lý do dịch chuyển lao động từ các nước ASEAN sang Singapore, Malaysia và Thái Lan thật ra cũng dễ hiểu nếu so sánh lương trung bình của lao động ở các nước thành viên ASEAN. Cụ thể, theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế thì 3 nước dẫn đầu là Singapore với 3.547 USD/tháng (khoảng 78 triệu đồng/tháng), Malaysia 609USD (khoảng hơn 13 triệu đồng/tháng) và Thái Lan 357 USD (khoảng 8 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, lương tháng trung bình của Việt Nam chỉ đạt 181 USD (gần 4 triệu đồng/tháng), đứng sau Philippines và trên Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào.

Bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện nay có nhiều công ty đưa lao động đi làm việc ở các nước trong khu vực theo dạng hợp động tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Tuy nhiên, hiện tại pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc theo kênh này.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong số các quốc gia Đông Nam Á thì Singapore là một trong những thị trường khá “khó tính” trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Lao động nước ngoài muốn được cấp visa làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực.

Chỉ chào đón lao động kỹ thuật

Theo ông Nguyễn Quang Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) thì thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) về nghề nghiệp trong ASEAN là công cụ tốt để thúc đẩy di cư lao động, hay còn gọi XKLĐ trong các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay cộng đồng ASEAN mới công nhận 8 ngành để lao động có thể tự do dịch chuyển, bao gồm: Dịch vụ kỹ thuật; dịch vụ điều dưỡng; dịch vụ kiến trúc; dịch vụ khảo sát; hành nghề y khoa; hành nghề nha khoa; dịch vụ kế toán; hành nghề du lịch.

Theo số liệu từ Bộ LĐTBXH, hiện tại dân số ASEAN hiện xấp xỉ 630 triệu người. Từ năm 1990-2013, lượng lao động di cư nội khối ASEAN tăng từ 1,5 triệu lên 6,5 triệu. Malaysia, Singapore và Thái Lan nổi lên là các trung tâm tiếp nhận lao động chính.

“Về cơ bản, không phải lao động nào cũng được tự do đi XKLĐ mà không mất phí như nhiều người vẫn tưởng. Sự tự do di chuyển làm việc này chi diễn ra ở 8 ngành trên với những lao động có kỹ thuật, trình độ. Bản thân lao động muốn XKLĐ ngay trong khu vực cũng gặp phải nhiều rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, thể chế chính trị...”- ông Việt nói.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương – chuyên gia lao động cho biết, tuy lao động trong khu vực đang có sự dịch chuyển tích cực, nhưng sự dịch chuyển chủ yếu từ các nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập cao hơn, và chủ yếu diễn ra trong phạm vi là lao động phổ thông hoặc lao động đòi hỏi kỹ năng thấp như nghề giúp việc, đầu bếp, phục vụ bàn...

“Trong khi đó, các chính sách về thị trường lao động tự do của cộng đồng kinh tế ASEAN lại chú trọng vào tầng lớp lao động có kỹ năng cao, đặc biệt là các chuyên ngành như cơ khí, y tá, kiến trúc, kiểm định, y, nha khoa, kế toán và du lịch. Do vậy, lao động phổ thông, không có ngoại ngữ sẽ khó có cơ hội để XKLĐ trong cộng đồng này” – bà Lan Hương nói.

Về vấn đề này, bà Vân Hà cũng cho rằng: “Lao động Việt Nam chỉ có thể làm việc tại Singapore và các quốc gia khác trong khu vực dưới hình thức visa S Pass (giấy phép làm việc cho lao động có tay nghề kỹ thuật) hoặc E Pass (giấy phép làm việc cho các chuyên gia nước ngoài trong các công việc quản lý, điều hành). Chính phủ các quốc gia khác trong khu vực không cấp visa theo hình thức Work Permit (giấy phép dành cho lao động phổ thông) cho lao động Việt Nam”.

Chính vì vậy, Cục Quản lý lao động cũng đưa ra những khuyến cáo với các lao động, trước khi đi XKLĐ ở các quốc gia trong khu vực phải tìm hiểu kỹ thông tin. Nếu cần có thể liên lạc với Sở LĐTBXH các tỉnh để nắm thêm thông tin, tránh bị lừa đảo.

Thùy Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/mo-cua-lao-dong-khoi-asean-khong-de-kiem-luong-thang-nghin-do-802680.html