Một tập Thơ hướng tới chủ nghĩa nhân văn cao đẹp

Quang Hoài, chàng thi sĩ có sức sáng tạo dồi dào, đã có nhiều vụ mùa gặt hái rất bội thu. Trong hơn 20 năm, từ lúc in tập thơ đầu 'Nguyện cầu' (2002) cho tới nay, với tập thơ mới nhất 'Miền Hoài Phương' (2023), anh đã cày xới và gieo trồng trên cánh đồng Thơ được tới 13 vụ. Một 'năng suất' sáng tác đáng nể trọng, nếu ta nhìn sang cánh đồng Thơ của nhiều nhà thơ 'lão làng' chuyên nghiệp, có nhiều người cả một đời, trải qua 50 đến 60 năm thơ, cũng chưa có tới một chục đầu sách.

Nhà thơ Quang Hoài.

Tuy nhiên, nói đến Thơ, điều đáng nể đầu tiên chưa hẳn đã nên tính đến “năng suất”, mà quan trọng hơn là khi xuất hiện trong làng thơ, một tác giả có thực sự đem lại được điều gì mới mẻ trong lao động sáng tạo hay không? “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, thì làm sao mỗi nhà thơ phải vắt ra được từ tâm hồn mình một chút “nước cất” tinh hoa nào đó của riêng mình, thứ nước hoa tinh khiết ấy chiết xuất từ cánh đồng thơ muôn màu muôn sắc của riêng mình, để rồi sau đó có đủ sức lan tỏa hương thơm tới tất thảy mọi người.

Bìa tập "Thơ Quang Hoài tuyển chọn".

Quang Hoài thực sự đã làm được điều này, và anh đã hoàn thành nó một cách điềm đạm mà phóng khoáng, chân thành và tự nhiên. Từ nhiều “câu thơ bất chợt lạc vào hồn anh”, anh đã “chưng cất” nó thành một thứ men say nồng nàn chinh phục lòng người, một dạng “tinh chất” của ngôn ngữ văn chương đích thực, thứ ngôn ngữ có lúc nửa bình dân như từ ca dao tục ngữ thoát ra, lại có lúc nửa bác học, nâng lên từ những thử thách dày dạn qua suốt thời chiến tranh và cả vốn liếng tích lũy công phu qua nhiều lĩnh vực! Thơ vốn là niềm say mê của anh từ lúc còn rất trẻ đến khi trở thành duyên nợ của một đời. Thậm chí, giữa giây phút hiểm nghèo phải chống chọi với bệnh tật khi đã có tuổi, trước cuộc phẫu thuật căng thẳng, bác sĩ Trần Các - Chủ nhiệm Khoa Tiết niệu ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 còn hóm hỉnh đùa với anh:

“Lúc tôi lên bàn mổ

Bác sĩ Các mỉm cười:

Thơ sẽ là thần dược

Bắt tử thần rút lui!”.

Hiếm có nhà thơ nào, trong giây phút hiểm nghèo ấy, lại bình thản đánh giá về sức mạnh của Thơ kỳ diệu đến thế! Mà cũng vẫn với giọng vừa điềm đạm vừa phóng khoáng, chân thành và tự nhiên vốn có của anh.

Trọn bộ "Thơ Quang Hoài tuyển chọn".

Quang Hoài có tài dựng lên những khung cảnh và tình huống rất đơn giản, tự nhiên, ẩn kín nhiều ý không nói hết, mà vẫn gây cảm xúc bất ngờ. Đơn cử như trong một bài thơ với lời kể thật mộc, như bài “Cái thời ấy xa rồi”, viết từ thuở đầu đời, không hề có chi tiết nào tô vẽ, mà vẫn khiến độc giả cảm động:

“Ngày ấy tôi và em còn trẻ

Cùng học một bàn, cùng ăn một mâm

Những cơn đói cấu cào gan ruột

Em dúi nắm cơm cho tôi no lòng

Những đêm rét xé da cắt thịt

Chiếc áo em đan cho tôi ấm lưng...

Nhớ một đêm mùa đông

Không phải là chủ nhật

Trốn buổi học đêm em rủ tôi đi ra cánh đồng

Trong vi vu phi lao gọi gió

Ta lạc vào một nghĩa trang vắng vẻ

Ngồi giữa hai hàng bia mộ

Mắt em buồn muốn nói điều chi

Chỉ thở dài bảo tôi còn trẻ quá!

Ba mươi năm trôi qua

Gặp lại em cứ nhớ hoài đêm ấy

Tôi mạnh bạo nhìn vào mắt em và nói:

Có một nụ hôn dại khờ

Anh cất mãi đến giờ...

Em thản nhiên mỉm cười:

Sao anh không thể

Hãy quên đi

Cái thời ấy xa rồi!”.

Cùng cách nói rất mộc không chút gì màu mè ấy, khi còn là người lính từng bươn chải trên những con đường mòn chiến trận, từ Tây Bắc tới tận vùng Tây Nam Bộ, anh đúc rút ra một điều tâm niệm, là món nợ chẳng bao giờ trả được, chính là “Tình đồng đội”, điều không gì thay thế nổi bao giờ. Câu thơ bộc trực, lặng lẽ mà nén chặt một triết lý sống:

“Có món nợ không vay

Không ai đòi phải trả…

Là nợ tình đồng đội

Sống vì nhau, cho nhau

Đồng đội ơi, đồng đội

Hài cốt người ở đâu

Mối tình cao cả ấy

Lẽ nào mãi vùi sâu?”.

Và tác giả đối chiếu với hôm nay:

“Sống giữa thời mở cửa

Trong cơn khát làm giàu

Nhớ về tình đồng đội

Lòng tôi lại nhói đau!”.

Triết lý sống tự nhiên, chân thật, thậm chí có phần xót xa, còn xuất hiện trong nhiều bài thơ khác, trong những phút giây tư lự, “nói mà như không nói” của anh:

“Ta thương một ngày dở mưa

Một ngày dở nắng như chưa bao giờ…

Ta thương một đêm hững hờ

Một đêm rét giả ấm vờ một đêm…

Mưa hay lá rụng ngoài thềm

Sương hay giọt nắng phơi trên chái nhà?

Kiếp này ta chửa thương ta

Làm sao thương nổi kiếp hoa bọt bèo!”.

(Kiếp này ta chửa thương ta)

Quang Hoài còn lặng lẽ gửi gắm được triết lý nhân văn của mình vào những bài thơ vừa trữ tình vừa trào lộng, vẫn với cách nói bộc trực và kiệm lời của anh, ở trên là “nói mà như không nói”, ở đây thì lại có cách nói tưng tửng cợt đùa:

“Linh hồn bán có ai mua

Để anh gửi hiệu cầm đồ nhà em

May ra kiếm được chút tiền

Đem cho bọn trẻ ăn xin chợ Vồ...”.

(Linh hồn bán có ai mua)

Biết đùa cợt trào lộng đấy, nhưng động đến những lời thơ về thân phận con người, thì anh luôn lẳng lặng và tinh tế lùi sâu vào trong tâm tưởng, giống như một câu Kiều “Khư khư mình buộc lấy mình vào trong!”. Chỉ đến khi hạ màn, mọi thứ kết thúc, thì tâm tư ấy mới hé mở, vừa đủ cho chúng ta biết tâm trạng tinh tế giàu hàm ý ấy là gì, như trong bài “Dịu dàng”:

“Dịu dàng là dịu dàng ơi

Dịu dàng giăng mắc một trời tơ vương

Cho tôi sợi nắng cuối vườn

Cho tôi tơ nhện vương sương cỏ bờ…

Dịu dàng ơi, đến bao giờ

Dịu dàng thôi thả thẫn thờ cho tôi?

Dịu dàng tóc xỏa bờ vai

Dịu dàng trăng khuyết giữa hai vùng đồi...”.

Cuối cùng, mọi băn khoăn sẽ đến lúc kết thúc:

“Một đời tôi ước tôi mong

Dịu dàng sao vẫn dửng dưng vô tình?

Sao không san bóng sẻ hình

Cho tôi thoát cảnh một mình xót xa?”.

Thì ra: “Dịu dàng là của người ta/ Mà tôi cứ ngỡ như là của tôi…”. Câu thơ chốt lại ấy, lại được tác giả chủ ý buông thả ra thật lửng lơ!

Cái cách nói nội tâm thầm thĩ và đầy ẩn ý này rất “đắc địa” với thể thơ lục bát. Và quả thực, Quang Hoài là một người làm thơ lục bát rất tài hoa. Hai bài thơ “Chợ Viềng 1” và “Chợ Viềng 2” của anh đã có nhiều nhà thơ phân tích kỹ rồi, nên tôi muốn nói đến một bài khác cũng ở ngay cạnh nó: bài “Khúc ru”. Lạ một điều là một nhà thơ đầy chất nam tính, lại mượn lời hát ru để san sẻ tâm sự mình. Ấy vậy mà lời ru ấy lại ảo diệu, biến hóa và bay bổng đến mức không để một tâm hồn phụ nữ nào đã dễ bắt theo kịp:

“À ơi! Tôi hát ru người

Ru cho hạt nắng đừng phơi chợ tàn

Ru cho sương giá mau tan

Đừng rơi trắng dải non ngàn hoang vu

Ru cho lớp lớp mây mù

Đừng giăng kín nẻo âm u một người...

À ơi! Tôi hát ru tôi

Ru cho nắng quái đừng phơi chiều gầy

Ru cho bão cuốn chân mây

Cũng không cuốn nổi tháng ngày nấu nung

Ru cho cạn kiệt dòng sông

Cũng không tàn héo cõi lòng đa đoan...”.

Những lời ru vừa cho người, vừa cho mình, thương người cũng tự thương mình, tưởng bất chợt mà sâu xa, tưởng ngẫu hứng mà vô cùng tinh tế.

Cách nói ngẫu hứng bất chợt ấy của Quang Hoài thực ra là một cách viết cực khó, chỉ dành cho những ai nói ít hiểu nhiều. Không đọc kỹ, tưởng như đó chỉ là những câu chữ vu vơ chợp bắt được, khi đọc kỹ thì mới hiểu ra trong đó có cả một tầm sâu triết học (thực không phải ngẫu nhiên mà tác giả vốn đã từng có bằng Cử nhân Triết học). Thử ví dụ một bài này:

“Phía sau hồ sóng mênh mông

Nhìn về phía trước người trông thấy gì?

Bắc phương mây kéo sầm sì

Biển Đông chớp lóe ầm ì sấm ran!

Ơi người đứng tựa lan can

Thấy chăng một mảnh trăng tàn cuối thu?

Mảnh trăng lặn dưới đáy hồ

Nước xưa trong, nước bây giờ còn trong?!”.

(Gửi người đứng tựa lan can Tây Hồ)

Chúng ta nên chú ý các ẩn ý về tư thế của người đứng trước Hồ Tây lịch sử, người đó muốn nhìn thấy gì, vì sao có chi tiết Biển Đông ở đây, vì sao lại so sánh nước Hồ Tây từ xưa đến nay, mà Hồ Tây thời Hai Bà Trưng có tên là hồ Lãng Bạc đã từng được miêu tả cùng các chiến công của Hai Bà.

Càng tới những bài thơ về sau, chất triết lý trong thơ Quang Hoài càng hàm súc hơn, đồng thời có tính biểu tượng khái quát hơn.

Chúng ta hãy chú ý tới bài này:

“Đã lạc lối vào

Lẽ nào lạc nốt lối ra?

Mịt mùng vây bủa quanh ta

Ai người

chỉ lối

giùm ta

ra - vào?

Ngước lên thăm thẳm trời cao

Hốt nhiên thấy Phật chỉ vào trán ta!”.

(Lối)

Để hiểu ý bài này, trước tiên chúng ta hãy nhớ lời dặn dò của đồng chí Nguyễn Văn Linh trước thời Đổi Mới: “Hãy biết tự mình cứu lấy mình, trước khi trông chờ Trời, Phật nào cứu!”.

Còn đây là một bài thơ, nếu không có dòng lạc khoản của tác giả ở dưới đầu đề, thì chúng ta có lẽ cũng chưa kịp nghĩ ra một kiểu “ý tại ngôn ngoại” tuy sâu mà lại rất mở, tuy cụ thể nhưng lại rất bao quát:

“ Gió buồn không thổi nữa

Nằm khàn giữa bến sông

Có con thuyền mắc cạn

Chết trước mùa nước dâng!“

(Trước mùa nước dâng)

Dòng lạc khoản là trích câu thơ Nguyễn Trãi: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết dân là nước). Con thuyền này không có diễm phúc gặp mùa nước hay là chưa gặp được nước đã tự chết rồi? Vì sao bị mắc cạn? Mắc cạn do bất lực hay do sự ngu dốt, vô duyên của chính mình? Chết như thế đáng thương hay đáng giận? Các ý này đều ẩn chứa những suy diễn cực kỳ sâu sắc và rộng lớn về bài học đường đời và trong xã hội.

Nhìn lại toàn bộ thơ Quang Hoài, chúng ta còn thấy thú vị vì có nhiều khái niệm thường vẫn như đối chọi và khác biệt nhau rất xa, nhưng dưới bàn tay của tác giả, chúng lại vẫn có thể kết hợp được hài hòa và nhuần nhuyễn bên nhau, đơn cử như các khái niệm: điềm tĩnh và phóng túng; trữ tình và hài hước; bộc trực mà triết lý; hồn nhiên mà sâu xa; thiết thực mà bao quát; v. v... Và cùng với những bài thơ hay, Quang Hoài còn có cách cấu tứ độc đáo, thể hiện ngay trong cách tìm đặt đầu đề thơ của anh. Chúng ta không bất ngờ khi bắt gặp hàng loạt bài thơ có đầu đề độc đáo của tác giả, dẫn tới cách dắt dẫn tứ thơ trong từng bài cũng độc đáo và tạo nên phong cách riêng, ví dụ các bài: Thư viết cho con từ hầm chốt; Linh hồn bán có ai mua; Lời yêu rượu đắng; Kiếp này ta chửa thương ta; Em nguyệt thực và anh nhật thực; Người yêu mình vợ người ta; Ghé hàng em bán quan tài; Vai diễn đời tôi; Trên ngai thời gian; Một chiều chưa tới hoàng hôn; Khi ra ngoài vỏ bọc; v.v...

Quang Hoài cũng có nhiều bài thơ viết về các văn nhân, nghệ sĩ của nhiều thời. Anh thương cảm cái cốt cách “Chân quê” của nông thôn Việt Nam như trong thơ Nguyễn Bính từ những năm 30 - 40 của thế kỷ trước và mong nó sẽ còn lại mãi với thời gian, dù xã hội đã sang thời hội nhập. Anh có cả những bài viết tràn đầy tâm sự, sẻ chia với Văn Cao, với Nguyễn Khải, với những nhà thơ cùng lứa như Trúc Thông, và đặc biệt với Dương Kiều Minh, anh đã có những câu thơ tâm sự nhói lòng, những câu thơ gan ruột về thân phận phù du của kiếp con tằm rút ruột làm thơ, ngày Dương Kiều Minh vừa qua đời. Có lẽ đây cũng là những câu thơ khóc bạn thành tâm và hay nhất của một thế hệ thơ rất hiểu nhau:

“Hà Đông trưa nay nắng gắt

Cơn giông dùng dắng chiều nào

Người đi như là chẳng thể

Như là chẳng thể chiêm bao!

Vẫn biết trời xanh mây trắng

Trời sao trắng vội tiễn xanh?

Vẫn biết thơ vừa sâu rễ

Lá sao vội rụng đầu cành?

Thế là lá thành sương khói

Thế là thơ cũng khói sương

Còn đâu mà nhanh mà chậm

Trống không quán lá ven đường!

Trống không quán lá bên cầu

Gió sông cầu Đen cầu Trắng

Bao giờ còn nữa bên nhau

Nhấp li nước chiều khát đắng?

Sông ơi! Đi đâu, về đâu?...”.

Hình ảnh “Trống không quán lá” (cũng là đầu đề của bài thơ khóc Dương Kiều Minh), như vận vào thân phận của các thi nhân nhiều thời, thực sự mang đầy tính biểu tượng cay đắng và xót xa.

Hơn 20 năm Thơ của Quang Hoài xứng đáng cần có một sự tổng kết công phu và hệ thống. Tôi thực sự ngợp trước tập “THƠ QUANG HOÀI TUYỂN CHỌN” rất dày dặn, lớn lao và phong phú của anh, không chỉ vì số trang hay số bài, mà vì những cảm xúc và suy tưởng tràn ngập tình yêu đời, yêu con người trong đó, mở ra một lối bồi bổ tâm hồn và dung dưỡng tinh thần cho con người vươn lên tầm vóc một chủ nghĩa nhân văn thiêng liêng và cao cả. Xin được chia vui và chúc mừng thành tựu của anh.

Hà Nội, tháng 3-2024

B. V.

Nhà thơ Bằng Việt

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/mot-tap-tho-huong-toi-chu-nghia-nhan-van-cao-dep-a24813.html