Người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp: gây khó cho người lao động

Điều 111 của dự thảo Luật Việc làm quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), làm việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp trừ một số trường hợp nghỉ mà không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động. Chiếu theo quy định này, chỉ người nghỉ việc vì bị quấy rối tình dục, ngược đãi, đánh đập, tổn hại danh dự... đơn phương chấm dứt HĐLĐ mới được Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả trợ cấp.

Công nhân Công ty cổ phần cơ khí Đông Anh Licogi, Hà Nội. Ảnh: H.Y

Công nhân Công ty cổ phần cơ khí Đông Anh Licogi, Hà Nội. Ảnh: H.Y

Siết nhóm được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Điều 111 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 97 Luật này theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp:

- Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động;

- Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức;

- Người lao động hưởng lương hưu;

- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.

Tại hội nghị góp ý chính sách do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh tổ chức cuối tuần qua, đại diện một số DN cho rằng, dự thảo Luật Việc làm không cho người đơn phương chấm dứt HĐLĐ được nhận trợ cấp thất nghiệp là siết nhóm được hưởng. Ví dụ, lao động nữ sau sinh cần thời gian chăm sóc con nên nghỉ việc một thời gian. Nếu chiếu theo dự thảo Luật Việc làm thì họ sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bởi ngoài những tình huống quy định trong luật, thực tế có rất nhiều lý do khiến lao động đơn phương nghỉ việc, ví dụ: phụ nữ sau sinh cần thời gian chăm con, công việc không còn phù hợp với điều kiện, sức khỏe... Bộ Luật Lao động cũng xác định một người nghỉ việc đúng luật khi tuân thủ thời gian báo trước. Những lao động này có đóng góp vào quỹ, đang thất nghiệp, không vi phạm pháp luật nhưng lại không được hưởng trợ cấp là chưa hợp lý.

Một ví dụ khác nếu công nhân cảm thấy việc làm ở nhà máy không còn phù hợp nên xin nghỉ để chuyển nghề. Theo luật hiện hành, họ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp kèm một khoản hỗ trợ học nghề. Nếu theo quy định mới họ sẽ rơi vào tình huống đơn phương chấm dứt HĐLĐ nên bị từ chối chi trả trợ cấp, mất luôn quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề. Do đó, chỉ nên không trả trợ cấp thất nghiệp cho người đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.

Bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ ngày 1/1/2009, được xác định là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc, hỗ trợ học nghề, giúp duy trì và tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách này được điều chỉnh bởi Luật Việc làm.

Nguồn quỹ được hình thành từ sự đóng góp của người lao động, chủ DN, ngân sách Nhà nước và một số nguồn hợp pháp khác. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc “có đóng - có hưởng”. Với tiền lương bình quân đóng vào quỹ đạt khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022-2023, trợ cấp thất nghiệp (60% bình quân tiền lương đóng 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc) người lao động nhận được khoảng 3,3 triệu đồng mỗi tháng.

Hiện, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã xây dựng dự án Luật Việc làm sửa đổi. Dự thảo đang được lấy ý kiến từ cuối tháng 3/2024 có 11 nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung như: lao động ký hợp đồng một tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; không cố định mức đóng vào quỹ 1%; học sinh, sinh viên không làm thêm quá 20 giờ mỗi tuần...

Nghiên cứu gia tăng quyền lợi cho người tham gia

Anh Đỗ Tiến Phương - công nhân một nhà máy tại Hải Phòng cho biết, là người làm công hưởng lương và cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương và không ai muốn mình rơi vào cảnh thất nghiệp. Đôi khi người lao động phải chủ động xin nghỉ việc vì nhiều lý do và vì không có sự lựa chọn nào khác. Hơn nữa, nếu cho rằng người lao động nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì so với thu nhập (gồm lương cơ bản, các khoản phụ cấp, tiền thưởng…) khi còn đi làm, trợ cấp thất nghiệp (60% lương cơ bản) thấp hơn nhiều, không đủ đảm bảo cuộc sống. Vậy nên anh Phương mong mỏi nếu không thể tăng thì cũng đừng siết giảm quyền lợi của người lao động khi sửa đổi Luật Việc làm.

Chị Trần Linh Chi - với nhiều năm làm công tác quản lý nhân sự cho rằng, tình trạng chung tại nhiều DN là đa phần lao động nghỉ việc đều xuất phát từ sự chủ động của người lao động. Tức người lao động tự xin nghỉ chứ không phải bị DN đơn phương chấm dứt hợp đồng hay sa thải. Lý do nghỉ việc thì rất nhiều chẳng hạn do hoàn cảnh gia đình, không có người chăm sóc con nhỏ, sức khỏe không đảm bảo, công việc không phù hợp…

Theo quy định hiện hành người lao động nghỉ việc đúng luật thì vẫn được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây không chỉ là khoản bù đắp thu nhập trong thời gian người lao động nghỉ việc, chưa tìm được việc làm mới mà còn là quyền lợi chính đáng của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc có đóng - có hưởng. Bởi thế khi thấy nội dung này được đề xuất tại dự thảo chị Chi cho rằng cần xem xét, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và đưa ra căn cứ hợp lý.

Khi sửa đổi Luật, song song với việc khắc phục những bất cập thì các nhà làm luật cũng cần nghiên cứu gia tăng quyền lợi cho người tham gia. Việc giảm quyền lợi như đề xuất sẽ khiến chính sách thiếu ổn định làm người lao động mất niềm tin và rời bỏ hệ thống. Hơn nữa, hiện nay Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn, song lại giảm quyền hưởng của người lao động là bất hợp lý.

Cùng với những ý kiến nên giữ nguyên đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp như quy định hiện hành, nhiều DN và người lao động cho rằng cần xem xét gia tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% thay vì 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Lý do là mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện thấp (chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng) nên mức hưởng không đủ bù đắp thu nhập cho người lao động trong thời gian chưa có việc làm. Sự điều chỉnh này cũng sẽ khiến người lao động cảm thấy công bằng hơn khi quy định hiện hành khống chế mức hưởng tối đa 12 tháng, tương ứng 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, số năm đóng dư không được bảo lưu.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nguoi-don-phuong-cham-dut-hop-dong-lao-dong-khong-duoc-huong-tro-cap-that-nghiep-gay-kho-cho-nguoi-lao-dong-380654.html