Người giữ "hồn dó" ở lại trần gian

- Đau lòng và trăn trở trước nguy cơ nghề cổ bị thất truyền, bao năm nay, ông Nguyễn Thế Đoán không ngại khó, ngại khổ, vẫn một mình cần mẫn xoay xở, lặn lội hàng trăm cây số để tìm mua nguyên vật liệu chuẩn bị sự cho sự hồi sinh của một làng nghề.

Canh cánh nghề cổ cha ông Gia đình ông Nguyễn Thế Đoán ở tận trong ngõ sâu của làng Đông Xã (còn gọi là làng Đông), phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Nơi đây vốn là một thôn của làng Yên Thái cũ, nổi tiếng với nghề làm giấy dó lụa truyền thống. Xưa kia cả làng Yên Thái chuyên làm giấy dó cho các triều đại vua Lê. Có lẽ vì thế mà ngay từ rất sớm cậu bé Nguyễn Thế Đoán đã được làm quen với nghề. Trong làng xưa cũng có nhiều nhà làm nhiều loại giấy khác nhau, có nhà làm giấy lệnh, giấy bản, có nhà lại làm giấy quạt, giấy vuông, riêng nhà ông Đoán chỉ chuyên làm giấy dó, loại giấy mà chỉ những chi trưởng của dòng họ Nguyễn Thế mới được làm. Ông bảo: “Vì đây là nghề quý của ông cha để lại, cả làng này chỉ có giấy dó lụa của dòng họ Nguyễn Thế mới đủ độ dai, độ bóng để tiến vua, vì vậy bí quyết truyền nghề không bao giờ được tiết lộ”. Chẳng thế mà khi lựa vợ cho con trai dòng họ Nguyễn Thế, tiêu chuẩn đầu tiên bao giờ cũng phải là những người phụ nữ biết seo giấy khéo. Người seo khéo là người san giấy đều, múc lượng gió chỉ vừa đủ, không được tràn, tờ giấy khi ra phải đảm bảo độ mỏng, độ dai và bề mặt phải láng mịn, trơn bóng. Ông cho biết để làm được ra một tờ giấy dó lụa đúng tiêu chuẩn thì cần phải có quá trình chuẩn bị mất đến nửa tháng trời, từ khâu lựa vỏ cây cho đến các kỹ thuật và quy trình pha chế, phải đảm bảo tỉ mỉ từng bước, nóng vội một chút là hỏng ngay. Thứ vỏ cây để làm giấy dó lụa tốt nhất phải là vỏ cây cãnh, loại cây này cho sợi nhỏ, mềm mà dai. Mà theo như cách nói của ông thì đây là loại cây tinh túy nhất, chỉ khi bí lắm thì mới phải trộn thêm vỏ cây dó, nhưng phải là dó lớp thứ 3, lớp sát với vỏ thân cây, có vậy thì tờ giấy khi thành phẩm mới được bền, chắc và không bị mục, bở, mối mọt. Ông bảo: “Cái nghề này cầu kỳ, quy chuẩn là thế, nhưng già rồi tôi vẫn muốn phục dựng. Một nghề quý là thế, tinh túy, danh giá là vậy thì bằng mọi cách không thể để nó thất truyền”. Thổi hồn để giấy dó hồi sinh Nói là làm, 2 năm qua, dù bận trăm công nghìn việc tại đình Đông Xã với chức thủ từ và phó ban quản lý di tích phường Bưởi nhưng ông vẫn âm thầm tất bật chuẩn bị đồ nghề cho mẻ giấy dó hồi sinh vào đầu năm tới. Căn nhà nhỏ 52m2 của gia đình ông nằm sâu trong ngõ vốn đã nhỏ cho 11 người sống thì nay lại thêm bộn bề với nào cối, nào chày, nào liềm, nào khuôn seo, thép can giấy, phên, sọt, rá, phanh được che đậy cẩn thận choán hết gần nửa sân. Căn bếp nhỏ cũng hẹp lại bởi những bó cãnh phơi khô. Để có được những thứ đồ nghề ấy, mấy năm qua ông phải đi dò hỏi từng nhà trong làng để mua lại. Riêng cây cãnh, ông phải tất bật ngược xuôi để tìm mua. Ông hồ hởi nói:“Dù tuổi đã cao, nhưng bù lại trời cho mình sức khỏe, hơn nữa vì say nghề, muốn tạo dựng lại nghề mà mình như trẻ ra. Đi nhiều mà vẫn không thấy mỏi”. Cứ thế, bằng lòng nhiệt huyết của tuổi 75, ông một mình lặn lội sang tận Bắc Ninh xem cách làm giấy mới; về tận Cầu Thiều, Quán Dắt ở Triệu Sơn - Thanh Hóa mua vỏ cây cãnh làm nguyên liệu mà chẳng được, ông lại tìm lên Phú Thọ để mua. Có buổi đến Thạch Thất mua rá, phên, phanh, sọt để làm nghề... “Tôi tự đi, cứ một mình một xe máy, xa thì sáng đi tối về, thậm chí đôi ba ngày cũng có, gần thì nửa buổi”. Để sản xuất ra một tờ giấy dó lụa, tính ra chi phí cũng đến cả hơn chục nghìn đồng, đắt gấp 2-3 lần loại giấy dó thông thường. Nhưng ông bảo, tiền nào thì của ấy, loại giấy dó thường mà bên Bắc Ninh vẫn làm không thể so sánh với giấy dó lụa được. Loại giấy ấy giờ họ áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, cho cả hóa chất vào để tẩy trắng và cho giấy mau nhừ, nên giấy đó khi cho vào nước rất dễ bị bở. Như để kiểm chứng cho những gì mình nói, ông lấy ra 2 tờ giấy được cất gấp cẩn thận, một là tờ giấy dó thông thường, một là tờ giấy dó lụa. Tờ giấy kia sau khi cho vào nước là bị bung nát ra ngay, trong khi tờ giấy dó lụa vẫn giữ nguyên được bản, không hề bị sờn hay bong tróc. Có lẽ vì thế mà giấy dó lụa của dòng họ Nguyễn Thế đã được chọn để in một số tài liệu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thời kỳ chiến tranh. Dù ngay từ nhỏ đã được ông nội dạy lại rằng: “Một tháng chỉ cần bỏ ra 5 ngày, làm đủ 2 vạn tờ giấy cũng đủ sung túc cả năm” nhưng ông cho biết dù chi phí và công sức để làm ra một tờ giấy có đắt thật đấy nhưng tôi làm không phải vì tiền, cái quan trọng là làm sao để thế hệ trẻ hiểu thế nào về "nghề giấy làng Bưởi". Mẻ giấy sắp tới đây, ông dự định chỉ để biếu chứ không bán, “cốt sao để tạo dựng cho con cháu niềm đam mê với nghề và để người Hà Nội còn nhớ về một nghề xưa tinh túy”.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/201003/Nguoi-giu-hon-do-o-lai-tran-gian-896521/