Nhiều câu hỏi về dự án thép Cà Ná

Tại đại hội cổ đông của Tập đoàn Hoa Sen (HSG), cổ đông tập trung đưa ra câu hỏi về kế hoạch đầu tư Dự án nhà máy luyện thép Cà Ná cùng với việc lựa chọn đơn vị tư vấn cho dự án.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HSG cho hay đã thuê 3 đơn vị tư vấn của Ấn Độ thực hiện quá trình này. Ông Vũ cho rằng thông tin doanh nghiệp Trung Quốc làm đơn vị tư vấn là không chính xác.

Vị này cũng khẳng định với cổ đông mọi thủ tục pháp lý giữa HSG và UBND tỉnh Ninh Thuận đã được thực hiện đầy đủ, việc còn lại đang chờ những tín hiệu mới của Chính phủ. Phía HSG đang xúc tiến thuê tư vấn để xây dựng nghiên cứu khả thi.

Lãnh đạo HSG cho biết dự án thép Cà Ná sẽ thuê đơn vị tư vấn của Ấn Độ. Ảnh minh họa.

Lãnh đạo tập đoàn cho rằng dự án Cá Ná sẽ góp phần rất lớn để đưa HSG phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Tình hình xuất khẩu thép trong những năm tới được dự báo sẽ rất khó khăn do nhiều nước đang thực hiện những rào cản nhập khẩu mới. Do đó, dự án này sẽ chuẩn bị tốt nguồn sản phẩm để ứng phó với tình hình mới.

Nhiều cổ đông cũng đặt vấn đề về kế hoạch huy động vốn trong niên độ tài chính 2016-2017, HSG sẽ thực hiện gần 20 dự án lớn nhỏ, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản.

Lãnh đạo HSG cho biết trong năm 2017, HSG sẽ không huy động thêm các nguồn vốn khác để đầu tư hoàn thiện danh mục dự án. Tuy tình hình kinh tế dự báo trong năm nay sẽ khó khăn nhưng lợi nhuận sau thuế quý I/2017 được ước tính khoảng hơn 400 tỷ đồng. Doanh nghiệp có sẵn nguồn vốn đầu tư.

Đối với dự án thép Cà Ná, ông Lê Phước Vũ nhấn mạnh: “Dự án Hoa Sen Cà Ná, vì sao chúng ta đầu tư lớn? HSG đang mua thép cán nóng 2 triệu tấn. Chi phí sản xuất thép cán nóng chỉ 30 USD/tấn. Nhưng giá chênh lệch giữa phôi và thép cán nóng từ 80-100 USD/tấn. Riêng lợi nhuận từ khoản đó đã giúp công ty tiết kiệm được vài triệu USD”.

“HSG đang khẩn trương làm việc với tính Ninh Thuận về dự án này, trước tiên, làm cảng, khu công nghiệp và sau đó mới làm dự án thép. Hồ sơ về dự án đã báo cáo ra Trung ương", ông Vũ cho biết thêm.

Ngoài việc thắc mắc về những dự án đầu tư gây tranh cãi, cổ đông HSG còn quan tâm đến kế hoạch tái cơ cấu của tập đòa, như quyết định thành lập các công ty miền (ở các khu vực khác nhau) và dự kiến đưa lên sàn để huy động vốn trong năm 2017.

Theo phân tích của lãnh đạo công ty, HSG sẽ là công ty mẹ và nắm quyền chi phối đối với các CTCP Hoa Sen miền, sở hữu tối thiểu 51% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại sẽ bán cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư khác…

Hiện nhân viên của HSG lên đến 8.000. Năng lực sản xuất 2 triệu tấn/năm; doanh số năm nay là 23.000 tỷ đồng. Nếu HSG không thực hiện tái cơ cấu mô hình hoạt động, hệ thống quản trị sẽ bị quá tải.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhieu-cau-hoi-cua-co-dong-ve-du-an-thep-ca-na-post711625.html