Nhiều chỉ tiêu phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đạt và vượt mục tiêu

Ngày mai (22/5), Chính phủ sẽ trình Quốc hội Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về nội dung này tại phiên họp tại tổ sáng 23/5.

 Lực lượng chức năng tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Ảnh minh họa

Về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đã đề ra trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, cụ thể:

Chỉ tiêu 1: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.

Theo kết quả điều tra Lao động việc làm năm 2023, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của nữ giới cao hơn 1,8 lần so với nam giới (nữ làm 16,13 giờ/tuần, nam làm 8,75 giờ/tuần). Năm 2022, mức chênh lệch này là 1,78 lần.

Chỉ tiêu 2: Đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.

Theo số liệu tổng hợp, năm 2023 có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với tổng số 3.240 vụ (năm 2022 là 4.454 vụ). Trong tổng số vụ bạo lực gia đình, bạo lực thân thể là hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất với 1.521 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.

Có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, trong đó: nạn nhân nữ là 2.628 người, chiếm 82,3% (năm 2022 là 3.440 người, chiếm 87,73%); nạn nhân là nam giới là 565 người, chiếm 17,7%, tỷ lệ này năm 2022 là 481, chiếm 12,27%. Như vậy, so với năm 2022 số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước.

Trên thực tế, nhiều người bị bạo lực còn tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị và không muốn đi báo cáo việc bị bạo lực. Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân. Điều này gây khó khăn cho công tác thống kê số liệu cũng như triển khai các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ, can thiệp và ứng phó với bạo lực.

Dựa vào số liệu thống kê cho thấy, số vụ bạo lực gia đình năm 2023 giảm so với năm 2022 và việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ đang có xu hướng tăng, cụ thể: số nạn nhân được tư vấn là 74,6% (năm 2022 là 74%), số nạn nhân được chăm sóc hỗ trợ sau bạo lực là 22,5% (năm 2022 là 19,3%), hỗ trợ cai nghiện rượu 2,9% (năm 2022 là 1%), đào tạo nghề là 2,7% (năm 2022 là 2,04%). Chỉ tiêu này tiệm cận đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Bảng so sánh kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới với các chỉ tiêu trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới qua các năm

Bảng so sánh kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới với các chỉ tiêu trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới qua các năm

Chỉ tiêu 3: Từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, năm 2023 đã phát hiện, điều tra 147 vụ với 365 đối tượng, lừa bán 311 nạn nhân, trong đó có 116 nam giới và 195 phụ nữ, tăng 57 vụ (63,3%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 100% nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ đều được hưởng các dịch vụ hỗ trợ.

Chỉ tiêu 4: Đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Hiện nay cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở trợ giúp xã hội công lập. 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập đều triển khai nhiệm vụ trợ giúp cho đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động theo quy định...

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhieu-chi-tieu-phong-ngua-ung-pho-voi-bao-luc-tren-co-so-gioi-dat-va-vuot-muc-tieu-20221028084923256.htm