Nỗi nhớ Khe Sanh

Nỗi nhớ ấy từ giọng hát của thầy giáo Hồ Xuân Long ở thị trấn Khe Sanh. Ông kể chuyện những cô gái Vân Kiều đi hát Sim và khao khát nỗi tình muốn gửi trao cho người mình yêu. Giọng ông trầm khê vì thuốc lá nao nao âm hưởng tình ca: 'Bóng em lấp lánh như sao mới mọc/ Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu/ Ta đi tìm em. Em ơi!...'. Ông là người có công biên soạn con chữ cho người Vân Kiều nên nghe ngọt tới con tim.

Ký ức mang tên số 9

Hành trình về nguồn của chúng tôi bắt đầu tại nơi thầy Hồ Xuân Long đã từng làm Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Hướng Hóa. Ông dẫn chúng tôi vào di tích nhà tù Lao Bảo. Đây là trại giam do Pháp xây dựng từ năm 1908 ngay bên sông Sê Pôn. Khu đất rộng chừng 10 ha trước kia do nhà Nguyễn khoanh thành trại lính canh phòng biên giới phía tây Trường Sơn. Khi tới nơi chúng tôi mới hay nơi rừng thiêng nước độc này thực dân Pháp bắt giam nhiều nhà cách mạng lão thành như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dực…

Tượng đài chiến thắng Khe Sanh.

Có thời điểm cao trào nhất chúng giam tới 350 tù nhân chính trị. Thật kinh khủng khi chúng tôi nhìn thấy một thân cây đầy gai đã từng giết hại bao tù nhân. Giặc Pháp bắt họ trèo lên rồi phải tụt xuống để trừng phạt cùng với các đòn tra tấn dã man. Trên bức tượng khắc họa những chiến sĩ cách mạng giữa khu trại giam, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ:“Cho tôi tinh thần chiến đấu/ Cho da tôi dày dạn với ngày mai/ Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/ Cho nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai” (1938). Đây đúng là chốn lưu đày dã man nhất thời điểm đó.

Nhưng rồi vào cuối thập niên 60 thế kỷ XX, nhà tù Lao Bảo trở thành cơ sở của cách mạng khi Mặt trận giải phóng miền Nam ra đời. Hướng dẫn viên đưa chúng tôi ra bến sông rồi kể, nơi đây đã diễn ra một cuộc hành quân kỳ lạ của binh đoàn xe thiết giáp của quân đội ta tấn công vào các cứ điểm Mỹ ngụy ở Khe Sanh. Không khí sôi động thần diệu đó sau này đã được nhà thơ Tố Hữu viết sau khi trở lại. Tâm hồn thi ca phấn chấn rạo rực: “Chợt nghe từ tuổi hai mươi/ Tiếng xiềng Lao Bảo gọi người bạn xưa”.

Đó là những ngày đỏ lửa khi đoàn binh xe tăng tấn công mở màn trận đánh cứ điểm quân sự Làng Vây. Quân giặc hoảng loạn không thể tưởng tượng nổi vì sao quân đội ta lại có xe tăng chiến đấu. Chúng có biết đâu dòng sông Sê Pôn đã thể hiện sức mạnh phù đổng giữa hai nước Việt-Lào. Đêm đêm từng bộ phận của xe tăng được tháo rời vận chuyển qua dòng sông biên giới bằng thuyền bè. Hàng trăm thanh niên Vân Kiều và Pa Cô đã bơi lội trên dòng sông đưa đạn dược lên bờ. Khi những chiến xa thiết giáp được lắp ráp và nổ vang cánh rừng Hướng Hóa, giặc Mỹ trở tay không kịp. Những mắt thần và hệ thống ra đa của chúng như bị che mắt trước binh đoàn tăng 198. Giặc chỉ vắt chân lên cổ bỏ chạy về Tà Cơn dưới những làn hỏa lực đỏ rực bầu trời của binh đoàn xe tăng. Đó là nỗi nhớ của mùa xuân năm 1968 với chiến thắng thần tốc của quân và dân ta.

Khi chúng tôi về Bảo tàng sân bay Tà Cơn (thị trấn Khe Sanh), mọi câu chuyện càng trở nên kỳ thú. Ký ức dội về với chiến thắng Khe Sanh vào năm 1971 trong chiến dịch Lam Sơn (Chiến dịch đường 9 - Nam Lào). Một trận đánh quyết định làm bàn đạp cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975). Tiếng hát từ đài phát thanh thị trấn vang lên hòa chung không khí chiến thắng năm nào. Đó là bài hát “Năm anh em trong một chiếc xe tăng” (thơ Hữu Thỉnh - nhạc Doãn Nho). Hướng dẫn viên cho biết trong dịp này còn có đoàn văn nghệ sĩ tham gia trực tiếp mặt trận và sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Tiếng đàn Ta Lư” và “Cô gái Pa Cô” (nhạc sĩ Huy Thục); hay bài ca phổ thơ “Trường Sơn đông - Trường Sơn tây” (Phạm Tiến Duật và Hoàng Hiệp)…

Lễ trao kiếm hỏi vợ

Đường về Khe Sanh muôn nỗi nhớ. Tiếng hát Vân Kiều như mây bay. Tôi bị cuốn hút với câu chuyện của thầy giáo Long về chuyện cưới vợ của các chàng trai Tây Nguyên vùng rừng núi Hướng Hóa. Chuyện chẳng đâu có như nơi này, nghe mà “hot” như mộng tình kiếm khách giang hồ. Bởi khi đón dâu chàng rể phải trao ba lễ vật: Thanh kiếm, nồi đồng và tiền bạc trắng. Sao lại có thanh kiếm vậy? Thì ra đó là một biểu tượng của sức mạnh hạnh phúc.

Nghi lễ trao kiếm diễn ra một cách thần bí. Khi đó mẹ vợ nổi lửa bắc nồi đồng lên luộc tiền bằng bạc. Nước sôi bốc hơi nghi ngút, bà vung thanh gươm cắm xuống đất bên cạnh bếp, ngọn lửa bùng lên trong giây lát, khi đó thủ tục dâng kiếm mới xong. Cha mẹ cô dâu đã tin tưởng vào sự thủy chung và sức mạnh của chàng rể chịu trách nhiệm về hôn nhân suốt cuộc đời với con gái mình. Khi đó cô dâu cất tiếng ca: “Anh bắt được con nai. Em muốn anh là con rể của mẹ/ Anh săn được con gấu. Em muốn anh là con rể của cha”. Lúc này cô dâu mới được phép về nhà chồng.

Tuần tra bên dòng sông Sê Pôn.

Nhưng đâu đã xong, bởi đó mới là lễ cưới lần thứ nhất. Hai người còn phải cưới nhau tới lần thứ ba mới trọn nghĩa vợ chồng. Nghe kể mà sao còn thấy lạ hơn cả chuyện dâng kiếm nữa chứ! Đó không phải là chuyện cổ tích mà là nếp sống văn hóa của tộc người Vân Kiều bao đời nay. Nhưng xem ra thủ tục này lại kết nối hạnh phúc bền vững nhất cho một hôn nhân trọn vẹn. Bởi lẽ khi tổ chức lần thứ ba chàng trai kia mới đích danh là chồng thực sự của cô vợ. Trong quãng thời gian chờ đợi đó, họ luôn sống với nhau như thuở còn đi hát giao duyên. Những lời hẹn hò thề thốt luôn vọng về như nhắc nhở chớ có phụ lòng nhau.

Sau cưới lần thứ nhất, chàng rể luôn tự răn bằng lời tỏ bày: “Thương em đến nỗi sầu/ Nhớ em đến nỗi ốm/ Ước gì gan mật thuộc về nhau”. Rồi tới lần cưới thứ hai có thể ngay năm sau hoặc mươi năm cũng vẫn được. Trong thời gian này chú rể thường thể hiện sự mong mỏi: “Tiếng em nói sao nghe mềm mại như tơ/ Tiếng em hát, anh nghe như tiếng ve ngày hạ/ Anh luôn mơ về em…”. Đến như thế, khó người con trai nào có thể phụ tình. Rồi tới khi nào chuẩn bị khá giả chàng trai mới tổ chức cưới lần thứ ba. Khi đó mới kết thúc nghĩa vụ hôn nhân và chàng rể được công nhận chồng chính thức cho tới hết đời.

Nhưng nghe thầy giáo Hồ Xuân Long tâm sự cũng nhiều nỗi niềm ẩn giấu lắm. Vì sự túng bấn, nhiều đôi vẫn chưa tổ chức nổi cưới lần thứ ba. Thầy kể, có cặp đôi vợ chồng ông Hồ Keng có vợ là Hồ Kết nay đều đã ở độ tuổi U60 mới tổ chức cưới lần thứ hai. Lại còn có cựu chiến binh Hồ Văn Chương ở xã Tà Long, Đakrông khi 45 tuổi mới cưới vợ lần đầu (1993). Ông phấn đấu mãi, 9 năm sau mới cưới lần thứ hai khi vừa trong tuổi 54…

Thủ tục nghe thấy có vẻ rườm rà và đầy ràng buộc, nhưng chính vì thế người Vân Kiều ít có chuyện ly hôn. Vậy nên người Vân Kiều có câu hát rất sâu sắc: “Cái siêng năng em hãy gác lại/ Cái lười biếng em hãy cất đi/ Ta cùng thức theo vầng trăng sáng đêm nay/ Ta cùng vui theo năm tháng tròn đầy”. Hiện nay nhiều bản làng miền núi hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị vẫn còn giữ “Luật hôn nhân” này nhưng đã thiểu giảm cưới lần thứ ba.

Những em bé và nhành cây xấu hổ

Một nhóm em bé chạy quanh tượng đài chiến thắng Khe Sanh là hình ảnh in đậm trong tâm cảm tôi. Đó là những tuổi thơ Vân Kiều phải địu em đi chợ cùng mẹ kiếm miếng ăn. Chúng ngượng nghịu nhìn tôi với những cặp mắt to tròn. Đó là những nhành cây xấu hổ bên đường 9. Nỗi niềm trong tôi lại trỗi dậy khi đột nhiên nhớ tới bài thơ “Cây xấu hổ” của Anh Ngọc viết trên đường 9: “Giữa một vùng lửa cháy bom rơi/ Tất cả lộ nguyên hình trần trụi/ Cây xấu hổ với màu xanh bối rối/ Tự giấu mình trong lá khép lim dim”.

Phía xa kia cánh đồng điện gió đang guồng quay trong cơn gió Lào ào ạt. Khe Sanh bắt đầu với nguồn điện của riêng mình trong xu thế thời đại hướng về tương lai. Những đám mây cuồn cuộn dâng sóng trên núi cao. Nơi đó vẫn còn những chùm cây xấu hổ và nỗi bồi hồi trong cánh hoa nhỏ bé bên đường: “Cây hiện lên như một niềm ấp ủ/ Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình” (Anh Ngọc).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/noi-nho-khe-sanh-i729395/