Phố phường... xa lắc

KTĐT - Dì Út Nhuẫn tạm dừng tay, dì lôi chai nước trà xanh từ trong chiếc giỏ đệm, rót ra chiếc ca nhôm mời tôi giải khát. Trời nắng nóng, nhấp ngụm trà đặc sánh bên vạt rau xanh ngắt của dì, dường như không khí cũng bớt oi nồng đi đôi chút.

1. Dì bảo: Cái ấp Đông Hưng Thuận ngày xưa của dì vốn thuộc huyện Hóc Môn, bỗng một ngày đẹp trời tách ra trở thành một phường của quận 12 (nội thành) đã hơn chục năm rồi. Nhớ lại cái đận đó, Chủ nhật nào dân thành phố cũng đổ về đông nghịt, giới cò đất sục sạo khắp nơi gom đất. Sơ đồ qui hoạch chi tiết được dựng lên ngay ngã ba đường, nào là khu công nghiệp, nào là trung tâm thương mại, nào là công viên cây xanh… nhìn mà mát con mắt. Dân ấp mừng rơn, cứ đà này thì chả mấy mà đường làng sẽ thành phố… Nhộn nhạo một thời gian thì thị trường địa ốc đóng băng, xóm ấp đã lâu lắm rồi vắng hẳn cảnh người xe đi mua đất. Những vạt đất lớn nhỏ từng qua tay bao đời chủ vẫn để hoang chưa thấy xây cất gì. Một vài công trình lớn nhỏ của doanh nghiệp, cái thì vẫn đang xây dựng dở dang, cái thì chưa biết bao giờ mới động thổ… Duy chỉ có hai con đường đất ngày xưa là được nâng cấp, trải nhựa và được đặt tên, đó là đường Tô Ký và đường Nguyễn Văn Quá. Dọc theo hai trục đường này đã thấy xuất hiện ngày càng nhiều cửa tiệm, nhưng chủ yếu vẫn chỉ mang tính chất nhỏ lẻ chạp phô, hàng xén. Còn nhà cửa thì vẫn cái nhô ra, cái thụt vào, nhà kiên cố chen lẫn nhà cấp ba, cấp bốn. Đấy là mặt tiền, còn đi sâu vào trong ấp thì vẫn y xì như ngày xưa nó vẫn thế. Mấy công ruộng của dì Út nằm trong qui hoạch công viên cây xanh, đến giờ vẫn "treo" ở đó. Công viên không biết bao giờ mới làm, mà sang nhượng lại thì không được, thế là dì quyết định lên liếp trồng rau để có thêm đồng ra đồng vào trong lúc chờ đền bù giải tỏa… 2. Chú Bảy Lự cười khà, bảo: "Cơm nước chờ sắp nhỏ đi làm về rồi tính. Qua (anh) với chú em lai rai ba sợi trước. Nè! Toàn là thứ cây nhà lá vườn cả đấy, khô cá sặt trộn với xoài tượng thì nhậu tới cung trăng!". Tôi mỉm cười nhìn người lão nông chi điền miệt cù lao, vẫn phóng khoáng, gân guốc như ngày nào, dù đã hai chục năm có lẻ. Ngày ấy, cuối thập niên tám mươi, trong một đợt công tác xuống đây, tôi được cán bộ xã dẫn tới ở nhờ nhà chú. Cù lao Long Phước từ bao đời nay ba bề bốn bên được được bao bọc, bởi một hệ thống kênh rạch chằng chịt của hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, con đường độc đạo vào Long Phước là đò. Với địa thế như vậy, nên Long Phước thuộc vùng căn cứ cách mạng bưng sáu xã (Thủ Đức) nổi tiếng ngày xưa, nằm sát nách Sài Gòn mà đối phương không thể nào kiểm soát nổi. Tôi mê ngay khung cảnh cù Lao gió lộng. Chao ôi! Kênh rạch chằng chịt, những rặng dừa nước ngút ngát trải dài, vườn ruộng phì nhiêu, cá sông tôm rạch… lâng lâng như đứng trước một Đồng Tháp Mười trĩu nặng phù sa. Thế rồi huyện Thủ Đức tách thành ba quận, cái rẻo đất cù lao nghiễm nhiên thuộc quận 9 (nội thành). Cây cầu Trường Phước nối đôi bờ sông Tắc biến ước mơ bao đời của người dân cù lao thành hiện thực, cảnh đò giang cách trở chấm dứt từ nay. Toàn bộ phường Long Phước được qui hoạch là "làng du lịch sinh thái", tận dụng triệt để cảnh quan mà thiên nhiên ưu đãi, mật độ dân cư vừa phải, hạn chế những công trình cao tầng, kiến trúc chủ yếu là biệt thự vườn… Giữa thập niên chín mươi, trong khi thông tin qui hoạch mới chỉ là trên giấy, thế mà giới nhà giàu Sài Gòn đã tới tấp đổ về cù lao, họ vung tiền ra mua, người ít cũng dăm bảy công để dành, người thì mua cả chục ha xây nhà nghỉ hay làm trang trại. Chú Bảy Lự trầm ngâm nhớ lại: " Chú em tính coi, dân miệt này hiếm khi cầm được bạc triệu trên tay, thế là lóa mắt, có người bán sạch cả đất vườn, đất ruộng, xây nhà xây cửa, sắm xe sắm pháo… Qua cũng suy nghĩ lung lắm, đành rằng bán đi một ít thì cũng sắm được thứ này thứ nọ. Song, nghĩ lại, làm nông tuy chưathể giàu có gì nhưng cũng đủ ăn đủ mặc. Với lại, nhà con đàn mà đất thì chỉ là "con một"…thế nên… Thế nên, gia đình chú không bán đi dù chỉ là một tấc. Thức thời hơn, hai chục công ruộng chú chuyển đổi toàn bộ thành vườn, trồng cây ăn trái và đào ao thả cá. Qua bao mùa mưa nắng, vườn cây của chú đã đơm trái ngọt ngào, cá dưới ao cũng cho nguồn thu đáng kể, gia đình chú đã có của ăn của để, mát mặt hơn xưa. Con cái trưởng thành, chú xây nhà cấp đất. Khoát một vòng tay chú chỉ vào những khu nhà của đám con cái vây quanh: " Chú em nhìn xem, chưa thể mơ biệt thự vườn, thì trước mắt hãy cứ là… nhà ngói vườn cái đã"…Chú mỉm cười mãn nguyện. Tôi gật gù nhìn chú, rồi phóng ánh mắt ra xa. Trời cù lao, đất cù lao vẫn ngút ngát một màu xanh ngăn ngắt, kênh rạch cù lao vẫn trong lành nước sạch. Đang mơ màng: Thật may, nó chưa bị băm nát như một vài nơi… bỗng giật mình bởi cái giọng oang oang của chú Bảy: - Dzô!… Dzô đi chú em!… Chú em xem qua tính có đúng không?. Này nhé, trước đây mình là nhà nông, nay hãy cứ là nhà vườn đi đã, trước khi trở thành… nhà thị dân thứ thiệt… Nào… Dzô!… ha… ha… ha… Dzô đi chú em!... Đỗ Thanh Chất

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=55&newsid=221592