'Phụ nữ làm chủ kinh tế sẽ làm chủ được cuộc sống'

Đó là chia sẻ của chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Sinh ra và lớn lên ở cao nguyên đá Đồng Văn, chị Vàng Thị Cầu cũng như nhiều phụ nữ Mông khác từng chỉ biết 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời', làm rẫy trồng ngô trên những vách đá tai mèo dựng đứng.

Thấy nhiều người được đi học, chị cũng mong được biết con chữ để có cơ hội thay đổi cuộc đời. Đi học lớp 1 khi đã 16 tuổi, Vàng Thị Cầu vừa đi làm, phụ giúp bố mẹ kiếm tiền nuôi các em, vừa kiên trì đến lớp học.

Với chương trình đặc thù xóa mù chữ dành cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, sau 4 năm đèn sách, chị đã học hết cấp THCS. Chưa bằng lòng với việc chỉ biết chữ, chị tiếp tục đăng ký theo học chương trình 9+1 rồi học tiếp lên cao đẳng, liên thông đại học và tốt nghiệp cử nhân khi đã 39 tuổi.

"Ngày đó, đường sá đi lại khó khăn, cứ tối thứ Sáu là mình đi xe giường nằm xuống Hà Nội, học 2 ngày cuối tuần rồi tối Chủ nhật lại về Hà Giang. Đi nhiều nên lái xe quen mặt luôn", chị Cầu kể lại. Biết vợ ham học, chồng chị luôn ủng hộ, thậm chí khi chị tốt nghiệp Đại học Sư phạm rồi, anh còn động viên vợ học văn bằng 2 chuyên ngành Lịch sử Đảng.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn (Hà Giang) Vàng Thị Cầu (phải) hướng dẫn công việc cho chị em Hợp tác xã Lanh Trắng

Việc nhà, chăm sóc con cái trong thời gian chị đi học, một mình anh quán xuyến. "Nhiều hôm, đến giờ mẹ phải lên xe đi rồi mà bố chưa kịp về, con mình phải gửi nhờ hàng xóm. Cả nhà, từ bố mẹ đến con cái, đều cùng học mỗi tối. Con tốt nghiệp THPT thì mẹ cũng tốt nghiệp Đại học", chị Cầu chia sẻ.

Có trình độ, chị làm giáo viên mầm non rồi chuyển sang công tác tại Hội LHPN huyện Đồng Văn. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn, chị Cầu đã bám sát vào những thế mạnh, đặc thù của địa phương để đề xuất xây dựng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển.

Chị Cầu cho biết: "Chị em trên này nếu để dạy cái gì mới quá, khó quá sẽ rất khó tiếp thu. Trong khi phụ nữ Mông ai cũng giỏi thêu thùa, may vá. Lanh là loại cây đặc trưng ở đây nên mình xác định thành lập cơ sở dệt vải".

Nghĩ là làm, chị thành lập Hợp tác xã Lanh Trắng, tập hợp những phụ nữ nghèo, phụ nữ bị mua bán trở về làm xã viên, cùng nhau trồng lanh, dệt vải, may thành quần áo. Với quan niệm phụ nữ làm chủ kinh tế sẽ làm chủ được cuộc sống, các thành viên Hợp tác xã đã cùng nhau phấn đấu trong công việc.

Từ 15 xã viên ban đầu, sau gần 7 năm hoạt động, hiện Hợp tác xã Lanh Trắng có 125 xã viên, mức thu nhập đạt khoảng 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ, chị Cầu còn tích cực tham gia hội chợ, tìm các kênh bán hàng mới để tăng nguồn tiêu thụ cho sản phẩm của Hợp tác xã. Sau một thời gian gây dựng và phát triển Hợp tác xã, chị Vàng Thị Cầu đã chuyển giao chức danh Giám đốc Hợp tác xã Lanh Trắng cho chị Sùng Thị Si và nay là em Giàng Thị Vạc, 19 tuổi, từng là con đỡ đầu của Hội LHPN huyện Đồng Văn.

Chị Cầu mong muốn, sẽ có thêm nhiều cô gái trẻ trên vùng đất Đồng Văn tự tin khẳng định mình, góp sức xây dựng quê hương.

An Nhi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-lam-chu-kinh-te-se-lam-chu-duoc-cuoc-song-20240509133844244.htm