Quá nhiều bất cập, Hà Tĩnh quyết định dừng mô hình VNEN

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa quyết định dừng thực hiện mô hình trường học VNEN đối với bậc THCS, trở lại theo học chương trình giáo dục phổ thông sau nhiều bất cập xảy ra trong quá trình triển khai.

Việc dừng mô hình trường học mới VNEN nhận được sự đồng tình ủng hộ của đại bộ phận giáo viên, học sinh

Ngày 8/8, một lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã có văn bản số 4885/UBND-KGVX ngày 4/8/2017 quyết định dừng triển khai mô hình trường học VNEN đối với bậc THCS, trở lại học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, bắt đầu từ năm học mới 2017-2018.

Công văn nêu rõ, đối với bậc Tiểu học, tỉnh không triển khai thêm các lớp học mới VNEN. Với những lớp đang học chương trình này, giao Chủ tịch các huyện, thi, TP rà soát, đánh giá tổng số học sinh mỗi lớp học không quá 30 em; cơ sở vật chất lớp học đáp ứng quy định Bộ GD- ĐT; giáo viên phải được tập huấn, đủ tiêu chuẩn dạy VNEN.

Nếu các lớp ở bậc này đủ điều kiện nêu trên, nhà trường sẽ lấy ý kiến tự nguyện của phụ huynh và giáo viên, tổ chức hội nghị bỏ phiếu kín. Đối với các lớp học đạt 2/3 phiếu đồng ý theo các tiêu chí vừa nêu, cấp trên phải báo cáo Sở cho phép tiếp tục triển khai mô hình VNEN.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Khoa Văn, GĐ Sở KH- CN Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá mô hình trường học VNEN cho biết, qua khảo sát, đánh giá hội đồng nhận thấy mô hình này đang còn nhiều tồn tại, khó khăn và chưa tương thích trong quá trình áp dụng ở địa bàn Hà Tĩnh.

Được biết, từ năm học 2012- 2016, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 129/267 trường ở bậc Tiểu học với 945 lớp/24.539 học sinh và 23 trường/125 lớp ở bậc THCS theo học mô hình VNEN. Tuy nhiên, sau khi triển khai, mô hình trường học mới này bộc lộ nhiều bất cập.

Cụ thể, trong quá trình đưa mô hình học mới vào giảng dạy, đội ngũ giáo viên chưa chuẩn bị đầy đủ về công tác tập huấn, bồi dưỡng đến dạy học nên còn máy móc, thiếu linh hoạt. Ở một số trường, năng lực giáo viên hạn chế, kiến thức lạc hậu, chưa phát huy hết trách nhiệm của mình trong đổi mới phương pháp dạy học.

Cơ sở vật chất ở các trường học chưa đảm bảo, khi hầu hết các lớp đang kiến thiết dạy học theo kiểu truyền thồng, diện tích phòng học chật hẹp, số học sinh đông không phù hợp với tổ chức học theo nhóm, khó khăn trong việc quản lý học sinh của giáo viên.

Các lớp học chú trọng trang trí về hình hình thức, rập khuôn, một số lớp cho đập bục giảng, gây lãng phí, rườm rà trong lớp học, không đúng quan điểm của VNEN. Ngoài ra, sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn học đang viết phục vụ thử nghiệm chưa được thẩm định, đánh giá chất lượng... Tâm lý đa số bộ phận phụ huynh còn phó mặc hướng dẫn học của con em mình cho giáo viên, nên việc yêu cầu học sinh học ở nhà dưới sự hướng dẫn của phụ huynh không hiệu quả.

Đặc biệt, mô hình học VNEN chỉ đánh giá học sinh thông qua nhận xét, không chấm điểm là không phù hợp, gây áp lực lớn cho giáo viên ở THCS dạy nhiều lớp khác nhau, phụ huynh lo cho con em mình khi chế độ thi cử còn dựa trên điểm số. Vì vậy việc dừng mô hình này là hợp lý.

Trường học mới (gọi tắt VNEN) là mô hình nhà trường hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học, được thực hiện thành công tại Colombia. Khi thử nghiệm tại Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều nhưng đại đa số là phản đối hình thức đổi mới này.

Điểm ưu việt của VNEN là học sinh chủ yếu tự học dựa trên bộ tài liệu, SGK riêng trong đó hướng dẫn cách tự học. Như vậy, khác hoàn toàn với cách học truyền thống giáo viên giảng giải kiến thức có sẵn, nêu câu hỏi vấn đáp cho các em trả lời từ đó rút ra bài học cần thiết, còn cách học theo VNEN là học sinh tự học, tự thảo luận nhóm rồi cùng trao đổi. Quá trình này, nếu gặp khó khăn, học sinh liên lạc với giáo viên để nhận được sự hỗ trợ.

THANH NGA

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/qua-nhieu-bat-cap-ha-tinh-quyet-dinh-dung-mo-hinh-vnen-post200019.html