Quản chặt thuê bao cố định phát tán cuộc gọi rác

Trong số cuộc gọi rác thường xuyên làm phiền khách hàng, có khoảng một nửa đến từ các thuê bao điện thoại cố định. Kết quả kiểm tra việc chấp hành quy định về chống cuộc gọi rác được Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiến hành mới đây cho thấy các nhà mạng đã để xảy ra nhiều vi phạm.

Đến lúc cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với các nhà mạng, doanh nghiệp được giao kinh doanh dịch vụ điện thoại cố định.

Ngăn chặn cuộc gọi rác sẽ giúp người dân không bị làm phiền khi sử dụng điện thoại.

Phạt 3 nhà mạng 420 triệu đồng

Theo Cục Viễn thông, Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) chưa thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo (Do Not Call), đã để 526.159 cuộc gọi quảng cáo đến 137.125 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. Trong thời kỳ kiểm tra, FPT Telecom mới chỉ thống kê, cập nhật số liệu cuộc gọi rác tháng 7 và 8-2023, chưa thực hiện đầy đủ việc thống kê, cập nhật số liệu cuộc gọi rác theo quy định.

Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom) để 63.390 cuộc gọi quảng cáo đến 41.917 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. Trong thời kỳ kiểm tra, có 2 cá nhân và 18 tổ chức là khách hàng của CMC Telecom có các thuê bao cố định thực hiện cuộc gọi quảng cáo từ 18h đến 7h (CMC giải trình đó là trách nhiệm của 2 cá nhân và 18 tổ chức này).

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) có 47 số thuê bao cố định dùng cho mục đích quảng cáo (có hợp đồng với 3 doanh nghiệp). Cụ thể, trong thời gian từ ngày 20-6-2023 đến 5-9-2023, có 24 thuê bao phát sinh cước, gọi 1.165 cuộc gọi sử dụng tên định danh vào 921 số nằm trong danh sách số điện thoại đăng ký không nhận quảng cáo.

Với các hành vi trên, cả 3 doanh nghiệp đã vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Vì vậy, Cục Viễn thông đề xuất xử phạt vi phạm hành chính với FPT Telcom, CMC Telecom và Viettel mỗi đơn vị 140 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ 2 tháng đối với các thuê bao cố định gọi quảng cáo đến danh sách không nhận quảng cáo.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng để tồn tại 1.239 cuộc gọi gọi rác, quảng cáo đến 626 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. Trong văn bản giải trình, VNPT cho biết, do hạn chế về mặt công nghệ PSTN (mạng điện thoại cố định có dây dẫn) nên VNPT không thể ngăn chặn các cuộc gọi từ thuê bao cố định PSTN đến danh sách không nhận quảng cáo.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànôịmới về biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác với thuê bao điện thoại cố định, đại diện VNPT cho biết, bên cạnh các thuê bao cố định PSTN công nghệ cũ, VNPT có cả thuê bao cố định IP thế hệ mới. Với các thuê bao cố định có dây vì hoạt động theo công nghệ cũ nên không thể chặn được cuộc gọi rác. Song, với các thuê bao điện thoại cố định theo công nghệ IP thế hệ mới, VNPT đã áp dụng biện pháp kỹ thuật, công nghệ để chặn cuộc gọi rác từ tổng đài.

Cần siết chặt quản lý số điện thoại cố định

Việc kiểm tra chấp hành quy định của pháp luật về chống cuộc gọi rác dịch vụ điện thoại cố định được Cục Viễn thông thực hiện tại 4 doanh nghiệp: Viettel, CMC Telecom, FPT Telecom và VNPT trong tháng 8 và 9-2023. Kết luận của Cục Viễn thông cho thấy, hệ thống của VNPT đã ngăn chặn 1.024 thuê bao cố định trong tổng số 4.385 thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác; chặn 12,276 triệu cuộc gọi rác trong tổng số 52,4 triệu cuộc gọi nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác từ thuê bao cố định. Viettel đã chặn 2.483 thuê bao cố định trong tổng số 42.688 thuê bao cố định nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác; chặn 971.157 cuộc gọi rác trong tổng số hơn 7,3 triệu cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. FPT Telecom và CMC Telecom cũng có những biện pháp tương tự...

Tuy nhiên, thực tế là cả 4 nhà mạng đều có hợp tác cung cấp với các ngân hàng, công ty tài chính, hãng xe hơi, bất động sản, thương mại, truyền thông… để sử dụng số điện thoại cố định thực hiện chăm sóc khách hàng, chào mời sử dụng dịch vụ. Ví dụ, một khách hàng của FPT Telecom là một doanh nghiệp đã sử dụng số 02473056600 thực hiện tới 110.109 cuộc gọi quảng cáo ngoài thời gian quy định (từ 18h đến 7h); gọi quảng cáo vào 50 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. Hay trường hợp thuê bao cố định VNPT được đối tác HTC sử dụng gọi đến 31 thuê bao nằm trong danh sách không nhận quảng cáo…

Một chuyên gia trong ngành cho biết, vì là công nghệ cũ nên điện thoại cố định đường dài có dây (PSTN) rất ít được doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sử dụng cho mục đích quảng cáo do không thể huy động số lượng máy cố định có dây lớn kèm theo nhân lực để thực hiện từng cuộc gọi, không thể kiểm soát được việc có hay không thực hiện cuộc gọi đó, thời lượng bao lâu. Trong khi đó, sử dụng điện thoại cố định công nghệ IP thế hệ mới sẽ giúp doanh nghiệp, tổ chức quảng cáo không chỉ tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả khi thực hiện trên máy tính mà còn quản trị chi tiết cuộc gọi tới khách hàng…

Như vậy, bên cạnh các khách hàng sử dụng số điện thoại cố định để phục vụ nhu cầu liên lạc bình thường, còn không ít tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng số cố định để quảng cáo.

Với các thuê bao di động, cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành nhiều biện pháp quản lý để ngăn chặn nạn sim rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Việc kiểm tra chấp hành quy định ngăn chặn cuộc gọi rác đối với thuê bao cố định được tổ chức mới đây cũng là để làm lành mạnh thị trường. Rõ ràng, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý các nhà mạng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cố định chặt chẽ hơn, để tránh làm phiền, gây bức xúc cho người dùng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quan-chat-thue-bao-co-dinh-phat-tan-cuoc-goi-rac-664558.html