Sao phải vội làm hầm chui qua sông Hàn?

Đích thân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nói trước báo giới và các sở ngành (vào ngày 21.12.2016), dự án hầm chui qua sông Hàn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, mới đây khi ra đệ trình trước Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, dự án vẫn “chưa được thông qua”, buộc Đà Nẵng phải rà soát, báo cáo lại…

Điều chỉnh quy hoạch?

Như Dân Việt đã đưa tin, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, dự án hầm chui qua sông Hàn tạm dừng để bổ sung quy hoạch chứ không phải dừng hẳn như mạng xã hội loan tin…

“Thủ tướng kết luận Đà Nẵng về nghiên cứu bổ sung, hầm hay cầu thì về bổ sung vào trong quy hoạch. Rồi sau đó, các bộ, ban ngành có liên quan mới nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng quyết định” - ông Thơ nói.

Mô hình hầm chui qua sông Hàn.

Được biết, tại cuộc họp vào chiều 6.3, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Đà Nẵng và ý kiến của các bộ ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận, chưa thông qua phương án xây dựng thêm công trình qua sông Hàn; giao TP.Đà Nẵng và Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát lại quy hoạch, lập lại toàn bộ thủ tục đầu tư, trình Thủ tướng để xem xét phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.

Theo lãnh đạo TP.Đà Nẵng, quy hoạch TP.Đà Nẵng tầm nhìn tới 2030 có công trình qua cầu sông Hàn tại vị trí nối đường Đống Đa qua sông Hàn, nối với quận Sơn Trà, tuy nhiên đó là cầu đi bộ. Phương án hầm chui… chưa có trong quy hoạch nên Đà Nẵng phải rà soát, bổ sung.

Còn nhớ, tại cuộc họp ngày 21.12.2016, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh khẳng định: “Dự án này được chuẩn bị rất kỹ. Chưa có công trình nào mà Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phải họp tới 3 phiên và sắp tới sẽ có phiên họp thứ 4. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, phần lớn thành viên Ban Thường vụ chọn phương án xây hầm”.

Ông Nguyễn Xuân Anh (đứng) và ông Huỳnh Đức Thơ tại cuộc họp báo ngày 21.12.2016 đều cho rằng, phương án làm hầm chui đã được chuẩn bị rất kỹ. Ảnh: Nam Cường

KTS Lê Tự Gia Thạnh - Viện trưởng Viên Quy hoạch Xây dựng TP.Đà Nẵng - cho biết, quy hoạch tổng thể lâu dài là thế, nhưng tùy theo giai đoạn có thể điều chỉnh cục bộ. “Như dự án hầm chui, không có trong quy hoạch tổng thể, nhưng chủ trương của thành phố đặt ra thì theo lộ trình, có thể xin điều chỉnh”, KTS Thạnh nói.

Đã chuẩn bị rất kỹ các phương án, chủ trương làm hầm đã có, vì sao khi ra Trung ương đệ trình lại phải rà soát lại, bổ sung phương án quy hoạch? Câu hỏi này gần như các cán bộ ở Đà Nẵng khi được hỏi đều né tránh, cho rằng câu trả lời thuộc về ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.Đà Nẵng. PV rất nhiều lần gọi điện xin gặp, ông Lê Văn Trung đều không nhấc máy.

“Sao phải gấp gáp làm hầm?”

Trao đổi với Dân Việt, KTS Nguyễn Cửu Loan - Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch và Phát triển TP.Đà Nẵng - cho rằng, ông không ủng hộ phương án làm hầm trong thời điểm này, mà sẽ ủng hộ làm hầm trong vòng 10 - 20 năm tới.

“Vấn đề không phải số tiền lớn mà là hầm chui trong thời điểm này chưa phù hợp với sự phát triển của thành phố”, ông Loan nói đồng thời đặt ra câu hỏi, hà cớ gì phải làm ngay trong 2 năm tới và phải làm ngay ở vị trí đó? Theo ông Loan: “Vin cớ ách tắc giao thông, giải phóng đường sá để làm hầm chui trong thời điểm này, lại cố bám vào vị trí đó là chưa thuyết phục”.

Theo KTS Loan, tại vị trí nối đường Đống Đa qua cầu sông Hàn, vẫn nên làm hầm chui, song phải chờ ít nhất 10 năm sau, khi Đà Nẵng đã thực sự là thành phố hướng tới giao thông ngầm, ví như metro hoặc hướng tới một đô thị thông minh. “Làm hầm chui không đơn giản, không phải cứ hứng lên là làm. Phải có sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, không chỉ là phương án, dự án mà là cả hệ thống giao thông thành phố cùng khớp nối” - ông Loan khẳng định.

Trả lời tại cuộc họp báo cuối năm 2016, ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định: "Nói chúng tôi vội vã là chưa chính xác. Còn về thẩm quyền chúng tôi có quyền quyết định. Chúng tôi không ngồi trên dư luận, bỏ qua dư luận, nhưng chúng tôi có quyền đưa ra quyết định. Chúng tôi chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Mọi người hãy xem công trình có ảnh hưởng lợi ích người dân, có ảnh hưởng môi trường... xem chúng tôi có vì lợi ích chung hay không? Tôi và anh Thơ không có lợi ích riêng khi xây dựng công trình này."

Trao đổi với Dân Việt, một KTS (xin giấu tên) đặt câu hỏi: “Yếu tố đầu tiên để thực hiện một dự án lớn là phải nằm trong quy hoạch, hoặc phải được điều chỉnh quy hoạch. Không hiểu vì sao, vội vàng gì mà ra đệ trình với Thủ tướng lại bỏ qua khâu này?”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/sao-phai-voi-lam-ham-chui-qua-song-han-751760.html