Tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

Để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cần ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển, xây dựng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bậc đại học và sau đại học, phòng thí nghiệm và phát triển hợp tác quốc tế, doanh nghiệp về bán dẫn…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Thành

Thông tin được nêu tại hội thảo "Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 17/4.

Mỗi năm cần hơn 10.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn

Theo PGS.TS Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm.

Tuy nhiên, PGS Trương Việt Anh cho rằng đó là khó khăn, thách thức, bởi nhu cầu thị trường thay đổi theo chu kỳ ngắn và nhanh. Độ cạnh tranh và việc đầu tư khoa học công nghệ còn nhỏ lẻ; phần mềm máy móc đắt tiền, kinh phí đào tạo kỹ sư phần cứng cao, sinh viên ưu tiên lựa chọn các ngành phần mềm hơn.

Theo PGS Trương Việt Anh, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu công nghệ lõi R&D (nghiên cứu và phát triển). Nguồn nhân lực này tương ứng với yêu cầu của công nghiệp bán dẫn. Việc hình thành các Trung tâm nghiên cứu R&D bán dẫn là cần thiết, giúp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo nhân lực nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm và hội nhập quốc tế. Các cơ sở nghiên cứu có vai trò dẫn dắt, nâng cao năng lực mạng lưới các nhóm nghiên cứu trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế/thu hút chuyên gia.

PGS Trương Việt Anh cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có chương trình, nhóm nhiệm vụ độc lập cho các trung tâm nghiên cứu mạnh phát triển sản phẩm, công nghệ về công nghiệp bán dẫn, nội địa hóa sản xuất.

Còn theo PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, hầu hết công ty làm về kiểm tra và thiết kế vật lý vi mạch đang cần tuyển nhiều kỹ sư thiết kế vi mạch cho phần frontend và backend. Song thực tế kỹ sư Việt chỉ giỏi trong một công đoạn thiết kế, thiếu những kỹ sư trưởng có khả năng thiết kế hoàn chỉnh một con chip. Do đó, mục tiêu đào tạo hướng tới kỹ sư Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đồng thời làm chủ được quy trình thiết kế các vi mạch phức tạp, thiết kế thành công các vi mạch.

Dự đoán nhu cầu nguồn nhân lực bán dẫn, đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần khoảng 15.000 kỹ sư cho khâu thiết kế và 35.000 nhân lực ở công đoạn sản xuất và đóng gói kiểm tra.

Để có đội ngũ nhân lực kinh nghiệm, PGS Phạm Trần Vũ cho rằng cần xây dựng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bậc đại học và sau đại học, phòng thí nghiệm và phát triển hợp tác quốc tế, doanh nghiệp về bán dẫn.

Các chuyên gia chia sẻ về phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thành

Sẽ ưu tiên đề tài nghiên cứu chip bán dẫn

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hiện nay còn hạn chế, cơ chế chính sách phát triển chưa có sự rõ ràng. Các doanh nghiệp như Viettel, hoặc các trường đại học cũng đã bắt đầu có những kế hoạch để thay đổi tình hình. Nhưng sự kết nối để tạo nên hệ sinh thái là chưa đầy đủ. Hệ sinh thái đó phải bắt đầu từ cơ quan quản lý nhà nước, tiếp theo là từ các viện nghiên cứu, các trường đại học. Rồi từ khối doanh nghiệp, cuối cùng là từ các nhà khoa học và người dân.

Theo Thứ trưởng, nếu cứ phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI (đầu tư nước ngoài) thì Việt Nam không bao giờ làm chủ công nghệ, sẽ mãi ở vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng thấp và có thu nhập thấp, không phát triển được. “Tuy nhiên, phải thấy FDI là rất quan trọng. Chúng ta sẽ phải dựa vào họ để học hỏi, để làm chủ công nghệ, nhưng chúng ta phải đi cùng họ, thì mới tham gia được", Thứ trưởng chia sẻ.

Liên quan tới đào tạo nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn, Thứ trưởng cho hay, Bộ KH&CN được phép cấp kinh phí đào tạo, hay cấp học bổng, song có thể hỗ trợ thông qua các đề tài nghiên cứu. Trong đó, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted), mỗi năm xác định 5 lĩnh vực ưu tiên.

“Bởi vậy, thời gian tới bên cạnh các lĩnh vực như y học, gene sẽ ưu tiên vi mạch bán dẫn. Đây là cái thiếu trong trong những năm vừa qua", Thứ trưởng cho biết

Cũng theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ bằng nhiều hình thức, trong đó có ưu tiên đề tài nghiên cứu chip bán dẫn. Chương trình của Quỹ Nafosted những năm tiếp theo sẽ ưu tiên hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ.

Thứ trưởng cũng đề xuất, các đơn vị cần tìm cách thu hút các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia các đề tài nghiên cứu, từng bước làm chủ công nghệ. “Cần có định hướng rõ ràng về phát triển bán dẫn, ví dụ hỗ trợ trường đại học xây dựng các phòng thí nghiệm, quy hoạch sử dụng chung phòng thí nghiệm chất lượng cao để khắc phục những khó khăn trước mắt”, Thứ trưởng cho hay./.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/tap-trung-dao-tao-nguon-nhan-luc-nganh-cong-nghiep-vi-mach-ban-dan-663411.html