Tập trung sản xuất lúa xuân muộn, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang bước vào sản xuất vụ lúa xuân. Do diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất lúa xuân muộn, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao với các giống kháng bệnh tốt. Để giúp nông dân sản xuất vụ lúa xuân thắng lợi, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về những điều cần lưu ý trong vụ sản xuất. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc.

Nông dân xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) cấy lúa Xuân.

PV: Xin bà cho biết kế hoạch sản xuất vụ xuân năm nay?

Bà Cầm Thị Phong: Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 15.500 ha; trong đó, diện tích lúa xuân đạt 12.500 ha; ngô trên 1.000 ha (bao gồm cả ngô ủ ướp và ngô thương phẩm); 2.000 ha rau màu. Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều công văn, kế hoạch hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng vụ xuân 2021.

Đến nay, tình hình sản xuất cây trồng vụ xuân trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ, kế hoạch sản xuất cây màu, gieo trồng một số diện tích lúa xuân chính vụ ở vùng ấm; tập trung chuẩn bị các điều kiện về giống, phân bón, vật tư cho trà xuân muộn gieo trồng đảm bảo thời vụ, đạt hiệu quả cao. Các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, thực hiện đồng bộ các các biện pháp cụ thể, đảm bảo về thời vụ, cơ cấu giống gieo trồng. Hệ thống kênh mương nội đồng được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc hình thành các HTX sản xuất nông nghiệp theo chuỗi sản xuất đã góp phần quan trọng vào việc sản xuất với quy mô lớn, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất vụ xuân luôn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thời tiết, sâu bệnh gây hại ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng. Việc thực hiện liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chưa nhiều; giá thành sản xuất đầu vào còn cao nên thu nhập chưa ổn định. Thị trường tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn bấp bênh, không ổn định nên ảnh hưởng tới quá trình tiêu thụ sản phẩm của người dân.

PV: Nông dân quan tâm nhiều nhất trong sản xuất vụ xuân là nguồn nước tưới, giống và phân bón, ngành Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo vấn đề này như thế nào, thưa bà?

Bà Cầm Thị Phong: Vụ xuân năm nay, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất tập trung vào lúa trà xuân muộn, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, các giống kháng bệnh tốt. Theo đó, về cơ cấu giống, ưu tiên sử dụng những giống ngắn ngày hoặc cực ngắn và những giống có khả năng chống chịu được với điều kiện thời tiết bất lợi như hạn hán. Bố trí thời vụ gieo cấy lúa trà xuân muộn, áp dụng các biện pháp phòng, chống rét cho mạ, lúa mới cấy; bố trí lịch gieo cấy phù hợp với từng địa phương để tránh những tác động của hạn hán đến những thời kỳ sung yếu của cây lúa làm giảm năng suất lúa.

Về nguồn nước tưới, hướng dẫn tu sửa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp để phục vụ công tác tưới tiêu cho cây lúa, có phương án tận dụng nguồn nước hiện có ở các sông, suối và các khe rạch; tăng cường nạo vét, phát dọn, tu sửa toàn bộ các kênh mương chính, kênh nội đồng.

Tăng cường quản lý, khai thác bảo vệ các công trình thủy lợi, phân vùng hay xảy ra hạn hán để chủ động các biện pháp phòng chống hạn, đảm bảo đủ nhu cầu nước cho cây trồng trong các giai đoạn nắng nóng, thiếu mưa và tiêu thoát nước tốt khi gặp mưa bão gây ngập úng. Đồng thời, để hạn chế những tác động của thời tiết, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân, các hộ nông dân sử dụng phân bón đảm bảo an toàn, hiệu quả. Khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân sinh học trong sản xuất cây trồng.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp đặc biệt là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh hàng giả, kém chất lượng trong thời điểm nhu cầu về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng cao.

PV: Xin bà cho biết tiến độ sản xuất vụ lúa xuân? Ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung những giải pháp gì để vụ sản xuất đạt kết quả cao?

Bà Cầm Thị Phong: Với sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo, sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, sản xuất vụ xuân tương đối thuận lợi. Hiện nay, nông dân đang tập trung chuẩn bị đất gieo cấy lúa vụ xuân 2021 và tiếp tục gieo trồng, chăm sóc một số cây ngắn ngày như cây ngô, cây rau màu. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được 260 ha lúa xuân, 892 ha cây rau màu, hiện cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Để sản xuất vụ lúa xuân đạt kết quả cao, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên; thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp để hình thành nên các khu vực, vùng sản xuất tập trung nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho người nông dân.

Chú trọng khâu cải tạo đất, bón phân hữu cơ để tăng kết cấu đất; thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng và các biện pháp phòng trừ sinh vật hại cho cây trồng vụ xuân. Rà soát và chuyển đổi các diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế; hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc cho người dân đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Điều tra, dự tính, dự báo, phát hiện sớm và chủ động phòng trừ kịp thời các loại sinh vật gây hại để không làm ảnh hưởng tới sản lượng cây trồng vụ lúa xuân.

PV:Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Yến (thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tap-trung-san-xuat-lua-xuan-muon-mo-rong-dien-tich-lua-chat-luong-cao-37483