Tháng “cô hồn” mua xe tậu nhà cho “người âm”

Đối với những người sản xuất và kinh doanh vàng mã thì ngoại trừ dịp Tết nguyên đán, Rằm tháng bảy là mùa làm ăn lớn nhất trong năm. Tại các cơ sở sản xuất thì những ngày này tấp nập người xe đến gom hàng, các khu chợ, cửa hàng bán đồ cũng lễ cũng nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Hàng được bày bán vô cùng đa dạng về chủng loại, mẫu mã và giá tiền, nhiều sản phẩm mới bắt kịp thời đại cũng đã xuất hiện, song giá cũng leo thang như hàng thật.

Năm nay, hàng mã cho việc cúng lễ vẫn chủ yếu là những mặt hàng quen thuộc như: tiền âm phủ, vàng thỏi, hộp vàng bạc, quần áo, nón, ô, ngựa, giày… Bên cạnh đó còn khá nhiều những đồ “hiện đại” như: nhà lầu, xe hơi, xe máy thậm chí là iphone, ipad, laptop… cũng được trưng bày ở những vị trí bắt mắt nhất tại các cửa hàng.

Phố Hàng Mã - Hà Nội đã bày bán khá nhiều đồ cúng lễ với nhiều chủng loại, kích thước khác nhau. Hàng nào cũng chất ngất những chồng giấy màu làm mã và thùng xốp nhiều kích cỡ được để sẵn dùng làm nhà lầu. Lủng lẳng phía trên cao là những chiếc xế hộp hạng sang, máy giặt hiện đại hay những thiết bị công nghệ cao y như thật.

Những bộ quần áo bằng giấy đẹp có giá 45.000-70.000 đồng/bộ

Cô Hà, tại phố Hàng Đào cho biết năm nay chỉ mua quần áo, tiền vàng cho các cụ đã khuất vậy mà cũng tốn gần 700.000 đồng. Định mua thêm xe máy, ti vi nhưng cô Hà phân vân vì khá đắt trong khi năm nay điều kiện tài chính của gia đình có phần eo hẹp. “Cũng muốn sắm cho các cụ được tươm tất như nhà người ta, song có lẽ đành khất các cụ năm sau vì nhiều tiền quá”, người phụ nữ 57 tuổi này tiếc nuối sau khi hỏi giá các món hàng vừa nhắm tới.

Hiện phố Hàng Mã cũng chưa quá đông đúc, tuy nhiên, theo các chủ hàng vài ngày tới khoảng từ 12 đến 14 âm lịch thì khách đến sẽ đông hơn, giá hàng cũng dễ bị đẩy lên. Người sống ở đây thì rủ nhau đi mua từ vài ngày trước.

Chủ cửa hàng số 27 trên phố này cho biết: “Giờ cũng có khách đến mua hàng rồi, năm nay người đi sắm lễ thường mua khoảng từ 400.000 đến 600.000 quần áo, tiền vàng, nhà lầu... Những đồ như xe máy, ôtô, nhà cỡ lớn khó bán hơn. Kinh tế khó khăn người ta cũng lựa đồ bình dân thôi”.

Một chiếc ti vi được làm khá tỉ mỉ có đủ dây điện, ổ cắm có giá 180.000 đồng.

Bên cạnh đó, vẫn có một số khách chịu bỏ ra số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu cho việc đặt mua đồ hàng mã về cúng lễ “Thi thoảng cũng có khách “sộp” dẫn theo cả thầy cúng đến chọn đồ lễ, có khi chở nguyên cả cái xe tải về đấy. Họ mua từ ngựa lớn, xe ôtô cỡ to, iphone, ipad, nhà lầu, còn cả cây xăng… nhiều lắm chả thiếu thứ gì. Khách dạng này cũng chẳng để tâm mua tốn mất bao nhiêu chỉ cần đủ lễ, vài chục triệu là chuyện bình thường”.

“Nhà lầu”được nhiều khách hàng mua về cho “các cụ”.

Khảo sát giá cả tại phố Hàng Mã cho thấy giá cả năm nay đã đắt hơn 10-20% so với năm ngoái (tùy loại) và được các cửa hàng lý giải vì giá giấy, nhân công, vận chuyển đều tăng. Một đôi hài giấy được bán 5.000- 25.000 đồng; ti vi 80.000- 200.000 đồng/chiếc tùy loại; xe máy từ 100.000- 200.000 đồng/chiếc tùy loại; ngựa 70.000- 150.000 đồng/đôi; nhà tầng cỡ vừa 60.000- 100.000/chiếc; cỡ lớn từ 150.000- 200.000 đồng/chiếc; ô tô 100.000 đồng/chiếc trở lên.

Các cửa hàng này còn đáp ứng nhiều nhu cầu đặt hàng của khách như: cây xăng, tiệm mát- xa, biệt thự theo mẫu với giá từ 400.000- 800.000 đồng/chiếc, tùy độ lớn và sự tỉ mỉ của đơn hàng. Theo chủ cửa hàng số 7 cho hay nhiều khách còn đặt hàng cả những loại xe sang như Ferrari, Lamborghini, Audi... nhưng hàng này khó làm nên phải đợi từ 8-10 ngày mới có.

Một khách mua đồ lễ tại phố Hàng Mã.

Tại các chợ nhỏ giá cả các đồ hàng mã cũng rẻ hơn nhưng kém phần tinh xảo hơn đồ trên phố Hàng Mã. Những hàng bán đồ lễ còn sắp sẵn từng túi lễ đủ lệ bộ gồm: bỏng, tiền vàng, quần áo, hương,… với mức giá bình dân từ 35.000- 100.000/bộ.

Theo một chủ sạp hàng tại chợ Đồng Xa: “Từ đầu tháng đã có khá nhiều người đến mua đồ lễ. Bình thường thì mua vàng mã, quần áo, giày, mũ. Mâm lễ lớn hơn thì mua thêm ngựa, xe, nhà lầu…”.

Hàng mã ngập vỉa hè tại chợ Đồng Xa

Tuy chưa đến ngày rằm nhưng hình ảnh những đống vàng mã lớn được đốt cũng không hiếm thấy ở Hà Nội. Tại nhiều ngôi chùa lớn khu đốt vàng mã cũng luôn “rực lửa”.

Đống tro vàng mã khá lớn tại Nghi Tàm, Hà Nội.

Vẫn biết đốt vàng mã vốn là một tục lệ có từ lâu đời, nhưng thành tâm khác với việc khuân “cả núi” đồ bằng giấy về rồi đốt bỏ. Khó có thể tưởng tượng chỉ trong “tháng cô hồn” này người Hà Nội sẽ hồ hởi chi bao nhiêu tiền cho những thứ đồ ảo nói trên, nhưng chắc chắn là một con số không hề nhỏ.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-thi-truong/thang-%e2%80%9cco-hon%e2%80%9d-mua-xe-tau-nha-cho-%e2%80%9cnguoi-am%e2%80%9d