Thế giới xử lý nghiêm nạn nghiện rượu bia

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã thống kê: Rượu, bia có liên quan đến 3,2% tổng số tử vong trên thế giới và 4% người mắc bệnh tật có liên quan đến bia, rượu (58,3 triệu người/năm).

Nhiều nước phát triển trên thế giới coi rượu bia là một tệ nạn, và áp dụng những chính sách xử lý nặng với các trường hợp vi phạm các quy định về lạm dụng rượu bia. GS Sally Caswell, đại diện của WHO cảnh báo: Nghiên cứu gánh nặng toàn cầu về thương tật năm 2002 cho thấy, có tới trên 58 triệu người/năm sống với thương tật do rượu, bia trên toàn thế giới, gần xấp xỉ bằng thuốc lá. Tuy nhiên, mức độ nguy hại của rượu, bia còn lớn hơn so với thuốc lá nhiều vì nó còn gây sự rối loạn trật tự xã hội, tác hại đối với người khác, tác động về kinh tế. Đặc biệt, 10 năm gần đây, ngành công nghiệp rượu, bia đã có sự tăng trưởng, mở rộng đáng kể. Sự gia tăng nhanh chóng về mức tiêu thụ rượu, bia và tác hại của nó cùng với sự thiếu hụt chính sách phù hợp. Các nước ý thức được tầm nguy hiểm của chất cồn đối với cộng đồng luôn có những hình thức để giảm thiểu mức độ tác hại của nó. Thái Lan cấm cáo rượu bia trên truyền hình, báo chí, và các bảng quảng cáo. Quy định mới này cũng đòi hỏi trên nhãn các chai rượu bia phải có cảnh báo cho người tiêu dùng về những nguy cơ do uống rượu bia. Theo đó, các đối tượng vi phạm có thể bị phạt tới 3 tháng tù giam hoặc 30.000 baht (811USD) cho mỗi lần vi phạm, không cần cảnh cáo trước. Với quy định này (áp dụng từ năm 2006), ước tính ngành quảng cáo sẽ bị mất khoảng 66 triệu USD mỗi năm, nhưng Chính phủ Thái Lan cho rằng lệnh cấm là “cần thiết, giúp bảo vệ sức khỏe người dân và làm giảm tai nạn giao thông”, theo ước tính trung bình, chỉ trong những ngày Tết các năm gần đây, đã có tới 600 người chết vì tai nạn giao thông. Đồng thời với lệnh tăng cường cấm quảng cáo, quy định cũng tăng độ tuổi được phép mua hoặc uống rượu bia từ 18 tuổi lên 25 tuổi. Chính phủ cũng cấm bán rượu bia cạnh trường học, công sở, và đền đài. Tại Milan (Italia), việc tiêu thụ, lưu trữ và bán rượu cho trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi tại Milan sẽ được thực thi với nhiều hình phạt đi kèm, trong đó phụ huynh cũng bị liên đới hình phạt. Án phạt có thể lên đến 500 nếu người không nộp phạt trong vòng năm ngày, và trong trường hợp phụ huynh không có khả năng chi trả, người bán hàng sẽ phải chịu trách nhiệm nộp phạt thay cho người tiêu thụ chưa đủ tuổi. Ở Australia, uống rượu lái xe là tội phạm hình sự. Với nồng độ rượu vượt mức cho phép phải ra tòa, bị phạt 2.000 đôla Australia, treo bằng lái 6 tháng; nặng hơn là phải ở tù. Ở Anh, Mỹ - say rượu lái xe nguy hiểm bị xử với tội rất nặng. Đối với những trường hợp uống quá nồng độ cho phép, lái xe sẽ phải về đồn cảnh sát, đưa vào phòng cách ly, chịu các án phạt tương ứng, bị trừ điểm bằng lái xe (tương đương với đục lỗ tại VN), chịu án tù. Ngoài ra, tội này còn nằm trong hồ sơ cá nhân (record) trong nhiều năm, có thể ảnh hưởng đến việc làm và nhiều thứ khác. Cảnh sát Anh, Mỹ thường làm các băng hình về việc xử phạt say rượu lái xe và phát trên truyền hình để giáo dục người dân. Và tại Mỹ cũng như nhiều nước khác, không phải nhà hàng (ăn uống), các CLB nào cũng có giấy phép bán rượu, bia. Đặc biệt ở Mỹ, người đi trên xe (không phải lái xe) cũng không được uống rượu, bia trên xe. Tại Singapore, uống bia rượu lái xe, tái phạm đến lần thứ 3 có thể bị phạt 30.000 đôla Singapore và tù 3 năm, tước bằng lái xe tối thiểu một năm, cho dù họ không gây ra tai nạn nào. Trong khi đó, Nhật Bản cấm hoàn toàn việc uống rượu lái xe. Tài xế uống rượu lái xe sẽ bị thu bằng lái, phạt tù từ 3 đến 5 năm, đồng thời phạt tiền từ 50 man yen đến 100 man yen (tức là 100 triệu đồng đến 200 triệu VND), bị gửi giấy thông báo về chỗ làm và sẽ bị buộc thôi việc.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/the-gioi-xu-ly-nghiem-nan-nghien-ruou-bia/20104/181279.laodong