Thế khó của Quỹ tín dụng nhân dân

Ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế, sản xuất, thị trường, nên nhu cầu vay vốn của người dân có phần hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến quá trình cho vay cũng như hiệu quả hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến cuối 2023, toàn hệ thống có 1.178 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Khách không có nhu cầu vay?

Tổng tài sản của hệ thống QTDND đạt gần 184 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9%; tiền gửi khách hàng hơn 163 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7%; tổng dư nợ cho vay hơn 133 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4%; tỷ lệ nợ xấu là 0,69%...

Vai trò của hệ thống QTDND trong hỗ trợ người dân, Tổ hợp tác, HTX trong giải quyết khó khăn về nguồn vốn là điều không thể phủ nhận. Vì đây là mô hình cho vay phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của người dân, HTX với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn so với các ngân hàng thương mại.

Thế nhưng kinh tế thị trường biến động đang khiến không ít QTDND gặp những bất lợi. Ông Vũ Hùng Nghĩa, Chủ tịch HĐQT QTDND Lộc Phát (Lâm Đồng), cho biết biến động của thị trường bất động sản, kinh doanh tiền ảo, nạn tín dụng đen, giật hụi… diễn biến ở vùng nông thôn trong những năm gần đây đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến an ninh kinh tế xã hội và tác động đến hoạt động vay vốn, trả lãi, trả gốc đối với QTDND.

Người dân đến giao dịch tại QTDND Tân Dĩnh (Bắc Giang).

Bên cạnh đó, địa bàn của QTDND Lộc Phát trong bán kính chưa đến 1 km có 3 chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại, 3 QTDND hoạt động. Từ năm 2023 đến nay, hầu hết QTDND, trong đó có QTDND Lộc Phát đều dư thừa vốn huy động.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Quỹ TDND Thành Đức (Đăk Nông), cho biết, hiện nay giá cả nhiều mặt hàng nông sản trong nước nói chung, tại các địa phương nói riêng luôn không ổn định. Năm nay, mặt hàng sầu riêng, tiêu, cà phê… đều được giá cao nên đời sống người dân dư giả, nhu cầu vay vốn giảm. Trong khi tình hình thời tiết cực đoan đang diễn ra. Đây đều là những trở ngại lớn đối với hoạt động cho vay, điều hành vốn của QTDND.

Theo đánh giá của Ngân hàng HTX Việt Nam, mặc dù đã đẩy mạnh việc đa dạng sản phẩm dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ban hành chính sách phù hợp nhưng nhìn chung các QTDND vẫn gặp khó khăn trong tăng trưởng tín dụng. Điều này là do các QTDND chịu tác động từ các quy định trong Thông tư 04/2014/TT-NHNN, Thông tư 21/2019/TT-NHNN về địa bàn hoạt động cũng như điều kiện thành viên.

Ngài ra, ảnh hưởng từ dịch bệnh, sự thất thường của thị trường nên phần lớn khách hàng của các QTDND không có nhu cầu vay vốn, dẫn tới tình trạng thừa vốn.

Thống kê cho thấy, dư nợ cho vay QTDND trong giai đoạn 2020-2023 không ổn định. Năm 2020 là 3.640 tỷ đồng, 2021 là 3.481 tỷ đồng, dư nợ năm 2022 là 5.610 tỷ đồng nhưng dư nợ năm 2023 là 1.592 tỷ đồng.

Kích cầu tín dụng

Mô hình QTDND đang từng bước tạo được niềm tin cho người dân, HTX. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho biết hệ thống QTDND đang giải quyết khá tốt vấn đề vốn cho người dân, HTX trên địa bàn nông thôn, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn-nơi mà sự hiện diện của các ngân hàng thương mại còn hạn chế.

Có một điều đáng lưu ý, hiện nay QTDND hoạt động trên địa bàn nông thôn nên hoạt động cho vay cũng mang tính mùa vụ. Thông thường vào sau Tết Nguyên đán hoặc nửa đầu năm, nguồn tiền gửi về các QTDND rất lớn. Trong khi đến nửa cuối năm hoặc giáp Tết Nguyên đán, các QTDND lại có nhu cầu nguồn vốn lớn để tập trung cho vay phục vụ người dân, HTX đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Các QTDND đều tập trung nguồn vốn hỗ trợ nông dân, HTX phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Tô Hoài Thanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng HTX cho biết, hàng năm vào thời điểm cuối năm, Ngân hàng HTX thường xuyên phải hạn chế cho vay khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân để tập trung nguồn lực hỗ trợ QTDND thành viên có nguồn tiền để cho người dân, HTX vay. Tuy nhiên, nguồn tài chính của Ngân hàng HTX cũng hạn hẹp.

Ngoài ra, việc sử dụng nguồn vốn của các QTDND chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, phát triển sản xuất kinh doanh tương đối nhỏ lẻ, do đó các món vay thường manh mún, số lượng món vay có thể nhiều nhưng tổng dư nợ cho vay không lớn dẫn đến chi phí phục vụ hoạt động cho vay của các QTDND cao.

Để tháo gỡ khó khăn, thu hút được nhiều khách hàng cho hệ thống QTDND, nhiều ý kiến cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước cho phép mở rộng hoạt động trên địa bàn liền kề là cần thiết bởi thực thế thành viên của QTDND có những diện tích đất canh tác hàng trăm ha, trải dài qua nhiều xã phường liền kề. Đi liền với đó cần xem xét nâng mức cho vay khách hàng, nhóm khách hàng giúp QTDND thu hút được nhiều đối tượng vay vốn.

Bà Lê Hà Thu, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Vân Canh (Hà Nội), cho rằng UBND thành phố và các sở, ban, ngành liên quan cần hướng dẫn, tạo điều kiện để các QTDND được thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Hiện nay, nhiều QTDND vẫn hoạt động trên đất thuê, đất mượn tạm của xã, phường nên trong quá trình sử dụng đất còn gặp nhiều bất cập, không dám đầu tư cơ sở vật chất khang trang nên chưa tạo được ấn tượng tốt đối với khách hàng.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để QTDND được tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng khi đủ điều kiện. Bởi QTDND cũng là một tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Nếu được tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng sẽ dần nâng cao vai trò của QTDND, đáp ứng nhu cầu của người dân, HTX, đơn vị sản xuất kinh doanh khu vực nông thôn.

Về phía các QTDND, việc thường xuyên giới thiệu, tuyên truyền những chính sách cho vay đối với khu vực KTTT, HTX như đối tượng, điều kiện, mức độ vay tố đa, tỷ lệ đối ứng, thời gian vay, lãi suất… để các HTX biết, tiếp cận và thụ hưởng chính sách vay, gửi hiệu quả cũng là điều cần thiết.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/the-kho-cua-quy-tin-dung-nhan-dan-1099688.html