Thực thi cam kết của Việt Nam về bình đẳng giới trong xây dựng và thi hành pháp luật

Ngày 6/5, Bộ Tư pháp tổ chức Phiên thảo luận về hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề 'Thúc đẩy bình đẳng giới – Cam kết quốc tế và các giải pháp của Việt Nam trong thực thi pháp luật và tiếp cận tư pháp'. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, ông Julien Guerrier, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chủ trì.

Các đại biểu trong và ngoài nước tham gia Phiên thảo luận - Ảnh: VGP/LS

Bình đẳng giới là chủ đề nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế từ rất sớm, ngay từ Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 cho đến Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 cũng đặt ra các nguyên tắc không phân biệt đối xử, bình đẳng trong tiếp cận các quyền con người. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng quốc tế, các cơ quan của Liên hợp quốc, vấn đề bình đẳng giới tiếp tục được thúc đẩy với việc Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ vào năm 1979 và bình đẳng giới là một trong tám mục tiêu Thiên niên kỷ của toàn cầu.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước khẳng định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua tiếp tục khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế". Chủ trương xuyên suốt này được cụ thể hóa bằng các khuôn khổ pháp lý, chính sách của nhà nước như các bản hiến pháp của Việt Nam; Luật Bình đẳng giới năm 2006; các Chiến lược và Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới; Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 25/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030.

Để cập nhật, chia sẻ với các cơ quan, tổ chức Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế về những nỗ lực, các kết quả đạt được trong thúc đẩy bình đẳng giới nhằm tăng cường thực thi pháp luật và tiếp cận tư pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và các cơ quan có liên quan tổ chức Phiên thảo luận về “Thúc đẩy bình đẳng giới – Cam kết quốc tế và các giải pháp của Việt Nam trong thực thi pháp luật và tiếp cận tư pháp”.

Thứ trưởng hy vọng Phiên thảo luận này sẽ góp thêm một kênh thông tin chính thức để các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức và cá nhân Việt Nam hiểu được đầy đủ hơn những cố gắng, trách nhiệm của Việt Nam, các khó khăn trong thực hiện bình đẳng giới cũng như thực thi các cam kết quốc tế về bình đẳng giới trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật và tiếp cận tư pháp. Cũng qua Phiên thảo luận này, các cơ quan của Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện bình đẳng giới, trong đó có thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam về bình đẳng giới trong xây dựng, thực thi pháp luật và tiếp cận tư pháp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Phiên thảo luận - Ảnh: VGP/LS

Phát biểu tại Phiên thảo luận, ông Julien Guerrier, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với bình đẳng giới trong chính sách và pháp luật. Phiên thảo luận hôm nay là một cơ hội để nhìn lại những kết quả đã đạt được của pha 1 EU JULE; đồng thời rút ra những kinh nghiệm để tiếp tục phát huy các kết quả này tại pha 2 của EU JULE. Ông khẳng định Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tiếp cận tư pháp cho tất cả mọi người.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn cần tiếp tục được thúc đẩy để phụ nữ và trẻ em gái có thêm nhiều hơn nữa các cơ hội bình đẳng trong xây dựng, thực thi pháp luật và tiếp cận tư pháp. Vì vậy, trong phiên thảo luận, bà lưu ý các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như: tăng cường hệ thống pháp luật; đẩy mạnh công tác điều phối liên ngành và tăng cường năng lực cho cộng đồng để bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái và thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng, đào tạo một đội ngũ cán bộ có năng lực tốt để bảo đảm thi hành pháp luật hiệu quả; tiếp cận bền vững, trên nhiều phương diện để giải quyết những trở ngại về văn hóa, xã hội mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt;…

Tại Phiên thảo luận thứ nhất, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các cam kết quốc tế và kết quả nội luật hóa các cam kết quốc tế về bình đẳng giới ở Việt Nam. Cụ thể, các đại biểu đã được nghe đồng chí Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giới thiệu một số cam kết quốc tế của Việt Nam về bình đẳng giới trong thực thi pháp luật và tiếp cận tư pháp như: Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ; Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ 4 tại Bắc Kinh năm 1995; Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững; các cam kết ASEAN.

Tại Phiên thảo luận, ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) giới thiệu quy định của pháp luật Việt Nam về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật và bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) trình bày nội dung bình đẳng giới trong tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý tại Việt Nam.

LS

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thuc-thi-cam-ket-cua-viet-nam-ve-binh-dang-gioi-trong-xay-dung-va-thi-hanh-phap-luat-102240507114236564.htm