Tiếp tục 'nóng' việc xác định khoản thiệt hại 1.576 tỷ đồng ở Oceanbank

Tại phiên xét xử đại án OceanBank sáng 16/9, luật sư tiếp tục đặt vấn đề về con số 1.576 tỷ đồng liệu có phải là thiệt hại cho OceanBank hay không...

Bị cáo Hà Văn Thắm.

Ngày 16/9, phiên xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần trình bày bào chữa của các luật sư.

Theo kết luận, hành vi chi lãi ngoài của các bị cáo đã gây thiệt hại cho OceanBank số tiền 1.576 tỷ đồng. Trước đó, tại phiên toà hôm 9/9, bà Vũ Thị Kim Ngọc, đại diện theo uỷ quyền của OceanBank đã đề nghị bồi thường thiệt hại cho ngân hàng số tiền nói trên.

Bà Vũ Thị Kim Ngọc cho biết, ngân hàng xác định khoản tiền 1.576 tỷ đồng là được chi ra từ 3 tài khoản của OceanBank, tức là rút ra từ ngân hàng. Cơ qua điều tra xác định việc hạch toán vào tài khoản 801 là không đúng quy định. Theo kết quả giám định thì khoản này không có khả năng thu hồi nên xác định đó là thiệt hại của OceanBank.

Tại phiên toà hôm nay, Luật sư Hoàng Huy Được (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Nga - cựu trưởng ban Tài chính kế toán OceanBank) cho rằng cần phải làm rõ về khoản tiền nói trên để xác định các bị cáo có cố ý làm trái hay không.

Luật sư Được cho biết mình mặc dù đã tìm kiếm nhưng không hề tìm không thấy một dòng nào trong kết luận giám định 1.576 tỷ là thiệt hại cho ngân hàng Oceanbank.

Vấn đề đặt ra là kết luận giám định của đoàn giám định có giá trị pháp luật không, ông Được vừa đặt câu hỏi vừa chỉ ra một loạt bất cập của kết luận giám định này.

Thứ nhất, theo luật sư thì kết luận giám định 4605 của Ngân hàng Nhà nước đã vi phạm nghiêm trọng luật giám định tư pháp. Cụ thể, đã vi phạm Khoản 2 điều 11 luật Giám định đó là giám định viên từ chối trưng cầu giám định vượt quá khả năng chuyên môn.

Vi phạm thứ hai vì không vô tư khách quan theo khoản 2 điều 3 của Luật giám định là phải trung thực khách quan, vô tư chính xác.

“Có nhiều nội dung không đủ tài liệu, căn cứ giám định mà đoàn giám định không từ chối giám định mà lại có 3 lần đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, vậy thì có khách quan không?” luật sư Được đặt câu hỏi.

Cũng theo luật sư này, kết luận giám định đã vi phạm điều 31 của Luật giám định, giám định viên phải ghi nhận kịp thời bằng văn bản.

Ông Được cũng chỉ ra rằng kết luận giám định còn vi phạm điều 32 Luật giám định tư pháp về thời gian, địa điểm hoàn thành việc giám định. Theo phát biểu của ông Quân, giám định được tiến hành tại trụ sở cơ sở của cơ quan điều tra tại 47 Phạm Văn Đồng chứ không phải đơn thuần tại 45 Lý Thường Kiệt - cơ quan giám sát.

“Như vậy, điều này cho thấy bản giám định này không tuân thủ quy định ít nhất địa điểm tiến hành giám định giữa quận Hoàn Kiếm và Cầu Giấy, bản kết luận này không tuân thủ, ít nhất địa điểm giám định phải thống nhất”, luật sư nói.

Ngoài ra, vị luật sư còn chỉ ra sự không đồng nhất giữa ý kiến của người đại diện đoàn giám định. “Ngày 5/9/2017, ông Quân thừa nhận đoàn giám định do NHNN thành lập không có chức năng giám định. Sau đó lại nói rằng trước khi quyết định trưng cầu giám định, cơ quan điều tra đã xác định thiệt hại rồi… Chúng tôi khẳng định quyết định giám định không có giá trị pháp lý”, luật sư nói.

“Toàn bộ 8 chương 46 điều của luật giám định không tìm thấy 1 điều khoản nào qui định đoàn giám định chỉ có giám định cá nhân. Vậy thì có đủ điều kiện qui buộc trách nhiệm hình sự với các bị cáo?”, luật sư Được đặt câu hỏi.

Về nội dung giám định, theo luật sư, không có nội dung nào trả lời đích danh 1.576 tỷ đồng đây là thiệt hại. Vậy thì có thiệt hại không và thiệt hại là bao nhiêu?

“Trong số 1.576 tỷ này được phân chia ra có 1.022 tỷ lãnh đạo Oceanbank trực tiếp sử dụng. Trong đó, tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc nhận hộ đưa cho các cá nhân khác sử dụng và nhiều trường hợp không làm rõ được làm sao mà quy buộc là gây thiệt hại”, ông Được tiếp tục đặt vấn đề.

Luật sư Hoàng Huy Được đã dẫn hai văn bản là thông tư 02 và văn bản 4605 của thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc chi lãi suất vượt trần. Theo đó, nếu các tổ chức tín dụng chi lãi suất vượt trần thì sẽ bị xử lý hành chính.

“Về Thông tư 02 thể hiện rõ nét thế nhưng Cáo trạng 35 đã ẩn đi. Phần chi lãi ngoài vượt trần cái gì? Phải là vượt trần Thông tư 02. Phải xác định bối cảnh NHNN ban hành TT02, thông qua chỉ thị 02, NHNN thừa nhận trong thời gian qua nhiều ngân hàng đã huy động cao hơn mức trần. Như vậy là hầu hết các ngân hàng đều như vậy. Trách nhiệm để cho tình trạng hệ thống ngân hàng đua nhau huy động là thuộc về NHNN”, luật sư nói.

Tại phiên toàn hôm 9/9, bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên kế toán trưởng, Giám đốc Khối Tài chính kế hoạch Oceanbank) cho biết không đồng tình trước việc Oceanbank xác định 1.576 tỷ đồng là số tiền thiệt hại.

“Bị cáo cho rằng, tất cả đã được thể hiện rõ. Khoản chi phí 1.576 tỷ đồng mà xét là thiệt hại là không thể chấp nhận. Oceanbank là đơn vị kinh doanh, nếu xét khoản chi này là thiệt hại thì đại diện Ngân hàng nên về xem xét lại toàn bộ lợi nhuận ngân hàng là từ đâu? Tại sao đưa ra kết luận thiệt hại mà chỉ xem xét đến chi phí? Bị cáo không thấy thỏa đáng và không đồng ý. Oceanbank cần xem xét lại cho các bị cáo về các nguồn thu, trong đó có cả công sức của các bị cáo ngồi đây liệu có thỏa đáng không”, bị cáo Nga nói.

Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank trước đó cũng một mực khẳng định 1.576 tỷ đồng bị quy kết trong cáo trạng không phải là thiệt hại mà đó là khoản chi lãi ngoài để huy động vốn, từ đó thu lợi nhuận về cho ngân hàng.

“Tôi là cổ đông lớn nhất của OceanBank. Tôi khẳng định 1.500 tỷ đồng không phải là thiệt hại của ngân hàng mà chỉ là khoản chi lãi ngoài để huy động vốn, từ đó thu lợi về cho ngân hàng. Tôi không hồ đồ hết lần này đến lần khác, tự làm thiệt hại cho chính mình”, bị cáo Thắm nói.

N.MẠNH - LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/tiep-tuc-nong-viec-xac-dinh-khoan-thiet-hai-1576-ty-dong-o-oceanbank-3188757.html