Toàn cảnh cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo gần 9.000 tỷ sẵn sàng thông xe dịp lễ 30/4

Khi chặng cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78km hoàn thành, tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Nha Trang vào TP.HCM sẽ nối liền một dải, giúp các phương tiện lưu thông giữa hai thành phố này chỉ mất từ 4-5 giờ.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP), đã hoàn thiện gần 99%, chuẩn bị được thông xe vào dịp lễ 30/4 và 1/5.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, được khởi công ngày 30/9/2021. Theo kế hoạch, đơn vị thi công phải hoàn thành các công trình cầu, đường sau 24 tháng kể từ ngày khởi công nhưng nhiều hạng mục đã bị chậm tiến độ. Trong ảnh, một đoạn cao tốc chạy giữa khu vực cánh đồng điện gió thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Dự án có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (gần 12km), do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm chủ đầu tư.

Điểm đầu của tuyến thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) nối tiếp với đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo hướng từ Nam ra Bắc.

Tuyến được thiết kế bề rộng mặt đường khoảng 17m, quy mô 4 làn xe. Làn dừng khẩn cấp được bố trí cách quãng 4-5km/điểm, vận tốc 90km/h.

Do cao tốc chạy qua địa hình bán sơn địa, trong quá trình thi công, các nhà thầu phải bạt núi, khoét đồi, lắp đặt hệ thống mái taluy dương, đảm bảo thoát nước và ngăn sạt lở.

Trên tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo có đoạn đi qua hầm núi Vung dài 2,25km, gồm 2 ống hầm mỗi ống 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, giai đoạn 1 sử dụng ống hầm phải. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là hầm dài thứ 4 của cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông.

Hầm núi Vung đã được Tập đoàn Đèo Cả đào thông 2 nhánh từ tháng 8/2023. Tại nhánh hầm phải, công tác đào đạt 100%, bê tông vỏ hầm đạt 100% và bê tông mặt đường đạt hơn 100%.

Ngoài ra, công trình còn có hệ thống giao thông thông minh ITS với nhiều camera quan sát và nhìn rõ các vật thể ở khoảng cách 1km, được ghi hình liên tục 24/24h ở mọi điều kiện thời tiết. Trong số đó có thiết bị hoa gió đo tốc độ và hướng gió cũng được lắp dọc hai bên trục cao tốc.

Thời điểm này, công nhân đang lắp đặt lưới chống chói (chống lóa) dọc dải phân cách. Đây là một loại vật tư an toàn giao thông giúp người điều khiển phương tiện không bị lóa mắt bởi ánh sáng của đèn xe ở hướng ngược lại.

Tập đoàn Đèo Cả huy động hơn 800 kỹ sư, công nhân và 200 máy móc, thiết bị và đã hoàn thành nhiều hạng mục 1 tháng trước thời hạn. Trước đó, đơn vị này đã sớm đưa hơn 41/78,5km đường chính tuyến về đích ngay từ cuối năm 2023.

Toàn tuyến có hai nút giao liên thông gồm nút giao Du Long (trong ảnh) và Phan Rang. Nút Du Long kết nối khu vực trung tâm hành chính huyện Thuận Bắc, Khu công nghiệp Du Long...

Ông Đặng Tiến Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, nhờ sự nỗ lực đẩy nhanh tiến độ của liên danh nhà thầu, hiện nay tiến độ dự án đạt gần 99%, phấn đấu hoàn thành dự án vào đúng dịp 30/4 tới.

Chặng Vĩnh Hảo - Cam Lâm khi hoàn thành sẽ nối liền một dải với các cao tốc đã khánh thành gồm: Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Cam Lâm - Nha Trang. Bản đồ: Nguyễn Ngọc.

Tuệ Nhi

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/toan-canh-cao-toc-cam-lam-vinh-hao-san-sang-thong-xe-dip-le-30-4-2261102.html