TP.HCM - 'đầu tàu kinh tế' sẽ trở lại nhưng cần… thời gian

10 năm qua, tốc độ phát triển của TP.HCM - nơi vẫn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước - đang chậm dần, thậm chí bị các con tàu là các địa phương khác gần tiệm cận. Song, các chuyên gia kỳ vọng sẽ không lâu để thành phố tái định vị vị thế dẫn đầu, khi các cơ chế mới đang dần tháo gỡ những nút thắt lớn.

Vai trò “đầu tàu” đang suy giảm

Xuyên suốt quá trình phát triển không ngừng của đất nước sau ngày thống nhất, TP.HCM luôn được nhắc tới với cái tên “đầu tàu kinh tế của cả nước” bởi cả những đóng góp và sự kỳ vọng lớn được đặt lên vai đại đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Trong suốt thời gian vừa qua, với sự đầu tư của Trung ương và những cố gắng tự thân, TP.HCM đã nỗ lực thực hiện vai trò “đầu tàu” của mình. Song, như thừa nhận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, “vai trò này đang có sự suy giảm trong 10 năm qua”.

10 năm qua, tốc độ phát triển của TP.HCM – nơi vẫn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước - đang chậm dần.

“Vậy, đâu là lý do tạo nên sự suy giảm về vị trí của TP.HCM trong vai trò là đầu tàu kinh tế, là địa bàn trọng điểm của Việt Nam?” - người đứng đầu chính quyền TP.HCM đặt vấn đề. Theo ông, thành phố chọn 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đây lại chính là 3 điểm nghẽn, buộc thành phố phải tháo gỡ.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận định, TP.HCM có độ mở cực lớn gần như là đồng thời và song song với thế giới, cho nên bất kỳ sự chuyển động nào của thế giới và khu vực cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp, ngay tức khắc tới kinh tế xã hội của TP.HCM. Từ đó đặt ra thách thức về năng lực thích ứng, năng lực chống chịu của thành phố.

Về hạn chế nội tại, TP.HCM có kết cấu đô thị tập trung dân số, dân cư không hợp lý. Khi có dịch bệnh xảy ra hay những vấn đề khác trong xã hội, nếu thành phố thực hiện chưa đúng sẽ dẫn đến những vụ việc, “thậm chí là vụ án làm mất công mất sức trong thực hiện giải quyết”.

“Những yếu tố này đang cản trở sự phát triển của TP.HCM trong việc thực hiện vai trò là trung tâm kinh tế của đất nước” - Chủ tịch UBND thành phố nhìn nhận.

Nhận thức được những khó khăn phải đối diện, TP.HCM ngay từ đầu nhiệm kỳ 11 (năm 2020 - 2025) đã định ra các mục tiêu rất tham vọng, thách thức với 51 chương trình, đề án. “Nếu triển khai đầy đủ, đồng bộ 51 chương trình, đề án này sẽ tạo ra sự phát triển rất lớn cho thành phố, khôi phục lại vị trí phát triển của TP.HCM” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu.

Tuy nhiên, năm 2021, cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Thành phố chẳng những không phát triển mà tăng trưởng còn ở mức âm 6,8%. Năm 2022, TP.HCM có sự phục hồi lại, tăng trưởng 9,8% - đây cũng là mức tăng cao trong giai đoạn 10 năm vừa qua. Song, đến năm 2023, thành phố tiếp tục gặp khó khăn, mức tăng chỉ ở 5,81%.

“Chúng ta đặt ra mục tiêu rất lớn như thế, cũng nỗ lực rất nhiều như thế, nhưng với những tác động từ bên ngoài và năng lực chống chịu cộng với những hạn chế nội tại, chúng ta không đạt được mục tiêu như mong muốn” - người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhìn nhận.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, trong lịch sử, thành phố được biết đến như là một địa phương rất năng động sáng tạo và luôn suy nghĩ tìm tòi những cách làm mới, thậm chí “xé rào, vượt rào”. Song, ông đồng thời đặt vấn đề: “Năng động thế nào, đổi mới thế nào trong bối cảnh hiện nay để khơi được động lực bên trong của sự năng động sáng tạo cho sự phát triển của thành phố, của đất nước, mà vẫn đảm bảo được sự tuân thủ, để kết quả từ thực tiễn đó nhanh chóng được tổng kết, pháp lý hóa, cơ chế hóa?”.

TP.HCM “loay hoay” hơn 15 năm vẫn chưa hoàn thiện xong tuyến Metro số 1.

Phải sớm biến TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Nếu thực hiện được, đây sẽ trở thành điểm hội tụ của giới tài chính, đầu tư trong nước lẫn ngoài nước đến đàm phán, triển khai dự án.

Nút thắt chính sách và hạ tầng

Có được những thuận lợi mà khó địa phương nào trong cả nước có thể theo kịp, song PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, TP.HCM gặp nhiều vướng mắc chủ yếu về thủ tục hành chính và pháp lý, cản trở việc phát triển.

Vị chuyên gia cho rằng, nếu so sánh về thâm dụng lao động, các địa phương như Bình Dương sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn vì chi phí sinh hoạt, mức sống thấp và có nhiều khu công nghiệp. Còn phát triển các khu công nghiệp, TP.HCM lại khó cạnh tranh với các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Quảng Ninh… bởi quỹ đất của thành phố không còn nhiều.

“Tuy nhiên, thành phố lại đang có ưu điểm lớn là nguồn nhân lực chất lượng cao rất dồi dào so với các tỉnh khác, cũng là trung tâm kinh tế của cả nước. Phải biến TP.HCM trở thành trung tâm công nghệ của cả nước, xây dựng hệ sinh thái về công nghệ để TP.HCM tiếp tục là đầu tàu kinh tế dẫn dắt cả nước. Điều đó bắt buộc công nghệ của TP.HCM phải thực sự là công nghệ rất cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo” - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nêu.

“Vẫn là câu chuyện về hạ tầng, đây là điều kiện tiên quyết. Phải phát triển cơ sở hạ tầng thì mới có thể tính tiếp các câu chuyện sau đó” - PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.

Song song đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - tài chính, phải sớm biến TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Nếu thực hiện được, đây sẽ trở thành điểm hội tụ của giới tài chính, đầu tư trong nước lẫn ngoài nước đến đàm phán, triển khai dự án.

“Cả nước vẫn chưa có được trung tâm tài chính quốc tế mà ở đó quy tụ tất cả các định chế tài chính, công ty chứng khoán, công ty luật, quỹ đầu tư cũng như các ngành nghề liên quan tài chính. Đây là điều rất thiếu sót của Việt Nam sau 40 năm đổi mới. Trung tâm tài chính đòi hỏi phải có kỹ thuật tiên tiến, những người làm việc ở trình độ cao, phương tiện hiện đại. Nếu TP.HCM làm được điều này trong 3 - 5 năm tới thì chắc chắn sẽ lấy lại vị thế đứng đầu về kinh tế và thương mại của toàn quốc” - ông Hiếu nhận định.

Song, các chuyên gia đồng thời cho rằng, cơ sở hạ tầng của TP.HCM còn quá hạn chế so với trung tâm tài chính của các quốc gia khác trong khu vực. Đơn cử, để thành phố hoàn thành cả 5 tuyến Metro trong tương lai gần sẽ là chuyện rất khó khăn, bởi “chỉ một tuyến đã mất đến mấy chục năm”.

“Vẫn là câu chuyện về hạ tầng, đây là điều kiện tiên quyết. Phải phát triển cơ sở hạ tầng thì mới có thể tính tiếp các câu chuyện sau đó” - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.

Để làm được những điều này, theo các chuyên gia, TP.HCM cần phải xin được những cơ chế đặc thù và chủ động hơn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như tuyến Metro, đường vành đai, phải vừa là cảng trung chuyển quốc tế đường hàng không lẫn đường biển…

GRDP quý I/2024 tăng 6,54%

Kinh tế TP.HCM vừa có quý I/2024 tích cực nhất 5 năm, song vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM ước đạt 406.345 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 7,34%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,92%. Tất cả các ngành dịch vụ của TP.HCM đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là ngành vận tải kho bãi với mức tăng 16,24%, kế đến là dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%.

“Nhìn chung, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I/2024 của chúng ta tương đối khá. Chúng ta vui mừng, phấn khởi nhưng phải thấy tác động khó khăn từ bên ngoài. Bên trong, nhiều tồn tại đến nay chưa giải quyết dứt điểm và phát sinh những tồn tại mới” - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ rõ.

“Tuy nhiên, TP.HCM sẽ không có được lợi thế này nếu đi một mình, mà phải trong mối quan hệ giữa các vùng. Như cảng trung chuyển về hàng hải phải kết nối với Vũng Tàu, Cái Mép – Thị Vải; phải kết nối với sân bay Long Thành để thành trung chuyển hàng không… Không phải thành phố không có tiền, mà bị vướng cơ chế khiến không sử dụng được tiền đó. Điều này gây ảnh hưởng khá nhiều đến việc phát triển cơ sở hạ tầng” - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân chỉ ra.

Tận dụng cơ chế đặc thù

Thấy được những khó khăn của TP.HCM, thời gian qua, Trung ương, Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết 31 xác định những định hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố; Quốc hội đã có Nghị quyết 98 mở ra cơ chế cho TP.HCM. Thành phố cũng đang nghiên cứu, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách khác.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM, việc thành phố đạt được kết quả tăng trưởng quý I/2024 cao nhất từ năm 2020 đến nay đến từ 3 nguyên nhân chính. Đó là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Về mặt thể chế, Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và đặc biệt là Nghị quyết 98 của Quốc hội đã giúp thành phố tháo gỡ khó khăn. Với bản Nghị quyết này, TP.HCM được các cơ quan Trung ương, Quốc hội, Chính phủ chia sẻ nhiều hơn.

Trong thời gian qua, TP.HCM đã nỗ lực để thực hiện chương trình hành động các nghị quyết nói trên. Trong đó, HĐND thành phố cũng họp nhiều phiên chuyên đề để ban hành 30 Nghị quyết triển khai Nghị quyết 98.

Nếu TP.HCM có được cơ chế đặc thù “càng sớm càng tốt” thì chỉ mất vài năm để khôi phục lại vị thế đầu tàu. Bởi, chỉ với việc phát triển cơ sở hạ tầng trong 3 - 5 năm tới cũng đã giúp TP.HCM phát triển thương mại và kinh tế đáng kể. Còn chiến lược trở thành trung tâm công nghệ cao hay trung tâm tài chính quốc tế mang tính dài hơi hơn, mất 5 - 10 năm.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cũng phân tích, dù chưa thể hài lòng với kết cấu hạ tầng nhưng TP.HCM đã nỗ lực trong đầu tư công những năm qua. Trong quý I, các sở, ngành, quận, huyện đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước TP.HCM làm cả thứ bảy, chủ nhật để đạt khối lượng giải ngân đầu tư công lớn.

TP.HCM cũng đang rất tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các đường vành đai, đường cao tốc. Đầu tư kết nối hệ thống Metro, tập trung cho hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội để cải thiện tình trạng giao thông, khu dân cư và giải quyết các vấn đề ngập nước, ô nhiễm môi trường, kẹt xe. Cùng với đó, thành phố cũng đầu tư cho hạ tầng chuyển đổi số, để thúc đẩy chính quyền số, xã hội số.

Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng chỉ ra, thời gian qua, thành phố đã quy tụ được nguồn nhân lực chất lượng cao là chuyên gia, nhà khoa học, kiều bào nước ngoài và doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Điều này thực hiện được là nhờ các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 và trên hết là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

“Nhiều chuyên gia đặt vấn đề, liệu TP.HCM có quay trở lại như trước năm 2019, tăng trưởng bình quân 7,6 - 8% trong quý I. Tôi nghĩ rằng sẽ trở lại nhưng cần thời gian, không thể ngay lập tức. Đầu tàu đã kéo thời gian quá dài, nỗ lực quá nhiều, khai thác gần hết công suất nhưng ít được bồi dưỡng sức khỏe” - ông Ngân nhận định.

Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, việc thành phố phục hồi như trước đây sẽ cần độ trễ nhất định. Để đạt được kết quả đó, thành phố cần ưu tiên đầu tư công nhiều hơn và huy động cả nguồn lực xã hội.

Cũng bày tỏ sự kỳ vọng và tin tưởng TP.HCM sẽ sớm khôi phục vị thế đầu tàu, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho biết thành phố vẫn còn dư địa lớn nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, thành phố vẫn là điểm trung chuyển về giao thương của các nước và trong khu vực.

Theo ông, nếu TP.HCM có được cơ chế đặc thù “càng sớm càng tốt” thì chỉ mất vài năm để khôi phục lại vị thế đầu tàu. Bởi, chỉ với việc phát triển cơ sở hạ tầng trong 3 - 5 năm tới cũng đã giúp TP.HCM phát triển thương mại và kinh tế đáng kể. Còn chiến lược trở thành trung tâm công nghệ cao hay trung tâm tài chính quốc tế mang tính dài hơi hơn, mất 5 - 10 năm.

“Nguồn thu của TP.HCM rất lớn nhưng phải đóng góp lại cho Trung ương quá nhiều. Trung ương cần tạo điều kiện để TP.HCM giữ lại nguồn kinh phí với tỷ lệ nhiều hơn để tái đầu tư. Cùng với đó là gỡ rối, giải tỏa các vấn đề về cơ chế, chính sách để thành phố sử dụng vốn một cách hiệu quả hơn cho phát triển cơ sở hạ tầng. Khi các vấn đề đề nan giải này được tháo gỡ, TP.HCM sẽ tăng tốc và bứt phá trong thời gian tới” - vị chuyên gia kỳ vọng.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tphcm--dau-tau-kinh-te-se-tro-lai-nhung-can-thoi-gian-post293133.html