Trung Quốc tìm kiếm gì trong thỏa thuận hòa giải Iran- Ảrập Xêút

Thỏa thuận tái lập bang giao giữa Iran và Ảrập Xêút, hai cường quốc đối nghịch nhau ở vùng Trung Đông, vừa được bất ngờ công bố tại Bắc Kinh với vai trò hòa giải của Trung Quốc. Sự kiện này được đánh giá là mang tính lịch sử và là diễn biến mới nhất trong những thay đổi địa chính trị ở vùng Vịnh đang hình thành kể từ tháng 1.2021.

Phải khẳng định là chiều hướng chung có vẻ rất lạc quan. Vài ngày sau khi công bố thỏa thuận hòa giải với Ảrập Xêút, ngày 13.3, chính quyền Iran cho biết họ sẵn sàng xích lại gần Bahrain, một vương quốc nhỏ ở vùng Vịnh, đồng thời là một đồng minh kiên định của Riyadh. Giống như Ảrập Xêút, Bahrain cũng đã đoạn giao với Iran vào năm 2016 sau vụ người biểu tình tại Iran tấn công vào các cơ quan ngoại giao của Ảrập Xêút ở Iran sau khi Riyadh hành quyết một giáo sĩ Shiite nổi tiếng.

Nếu phía Teheran phô trương thái độ lạc quan về triển vọng hòa giải, thì trái lại, Riyadh có thái độ thận trọng hơn, với Ngoại trưởng Ảrập Xêút hôm 13.3 cho rằng trong quan hệ song phương, vẫn còn nhiều điểm nhạy cảm cần được giải quyết.

Theo ghi nhận của AFP, trong một tuyên bố chung, được công bố sau các cuộc đàm phán ở Trung Quốc, Teheran và Riyadh “đã đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao và mở lại các đại sứ quán và cơ quan đại diện trong thời hạn tối đa hai tháng”. Thế nhưng, về những điểm khác, bản tuyên bố vẫn còn khá mơ hồ, chỉ cam kết tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào "công việc nội bộ" của nhau.

Hai nước bắt đầu các cuộc đàm phán vào khoảng thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Al Ula vào tháng 1.2021, thời điểm họ chấp nhận hàn gắn rạn nứt trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Trong hai năm kể từ đó, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Iran và thậm chí vượt qua Trung Quốc trở thành đối tác nhập khẩu hàng đầu của Iran; Kuwait cũng đã tái bổ nhiệm đại sứ tại Tehran.

Các cuộc đàm phán giữa Iran và Ảrập Xêút kể từ năm 2021 phần lớn diễn ra ở Iraq và Oman. Các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Kuwait và Pakistan, đã nhiều lần cố gắng dàn xếp các cuộc đàm phán giữa Tehran và Riyadh trong 7 năm qua. Căng thẳng quân sự gia tăng trong khu vực thời nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump tại Hoa Kỳ đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của các nước trong việc giúp quản lý và giải quyết các xung đột khu vực.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp với Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani, và Ngoại trưởng Ảrập Xêút Musaad bin Mohammed Al Aiban, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10.3.2023. Ảnh: REUTERS - CHINA DAILY

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp với Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani, và Ngoại trưởng Ảrập Xêút Musaad bin Mohammed Al Aiban, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10.3.2023. Ảnh: REUTERS - CHINA DAILY

Sự vào cuộc của Trung Quốc

Trung Quốc đã lớn tiếng kêu gọi tái cấu trúc an ninh khu vực ở vùng Vịnh kể từ năm 2020. Trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Nga tổ chức vào tháng 10 năm đó, Trung Quốc đã trình bày đề xuất của mình về an ninh và ổn định ở vùng Vịnh, lập luận rằng, với một nỗ lực đa phương, khu vực này có thể trở thành “Ốc đảo An ninh".

Quá trình Trung Quốc từng bước thể hiện vai trò đã được thực hiện từ lâu. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái năm 2019 vào các cơ sở của Saudi Aramco là một lời cảnh báo lạnh lùng rằng căng thẳng giữa Tehran và Riyadh có thể ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của Trung Quốc. Nhưng an ninh năng lượng chỉ là một phần của bức tranh rộng lớn hơn. Mối quan hệ ngày càng gắn bó về chính trị, tài chính và kinh tế của Bắc Kinh với hai quốc gia này buộc Bắc Kinh không thể đứng ngoài cuộc.

Trung Quốc đã nhận trách nhiệm và vai trò trung gian hòa giải trực tiếp vào thời điểm rõ ràng các bên gần như chắc chắn sẽ đạt được một thỏa thuận để hoàn tất quá trình hòa hoãn. Trong khi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - và hiện là Ủy viên Bộ Chính trị - Vương Nghị trực tiếp làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận, thì những người chơi khác, bao gồm cả cựu Thủ tướng Iraq Mustafa Al Kadhimi, chỉ tham gia với tư cách là người hỗ trợ. Sự khác biệt này rất quan trọng vì nó giúp nâng tầm vai trò Trung Quốc.

Hòa giải để cân bằng quan hệ

Theo cách hiểu của Trung Quốc về khu vực, Iran và Ảrập Xêút là “các quốc gia xoay trục”, có sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự khiến họ trở thành những đối tác không thể thiếu đối với Bắc Kinh, khiến cân bằng quan hệ giữa hai bên trở thành chiến lược quan trọng nhất. Đối với cả hai nước, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Tuy nhiên, sự khác biệt về mức độ thương mại rất đáng chú ý. Trong khi kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Ảrập Xêút tới 87 tỷ USD vào năm 2021, được thúc đẩy bởi lượng dầu nhập khẩu trị giá 57 tỷ USD của Trung Quốc, thì thương mại song phương giữa Iran và Trung Quốc chỉ ở mức trên 16 tỷ USD trong cùng năm. Từng là một trong những nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc, Iran đã phải vật lộn để giữ cán cân thương mạicó lợi cho mình. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã trao cho Tehran và Riyadh quy chế đối tác chiến lược toàn diện – cấp độ cao nhất trong quan hệ đối tác ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông.

Nhưng hành động cân bằng của Trung Quốc rõ ràng không đơn giản chỉ là ký các thỏa thuận hợp tác giống nhau với cả hai đối tác. Trong khi các mối quan hệ kinh tế rõ ràng là mất cân bằng theo hướng có lợi cho Ả-rập Xê-út, Trung Quốc đảm bảo hỗ trợ chính trị và huyết mạch tài chính cho Iran trước áp lực của Mỹ.

Tìm kiếm một vai trò chủ động

Sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là một trung gian hòa giải trong cuộc cạnh tranh giữa Ảrập Xêút và Iran hầu như không hoàn toàn là phản ứng đơn lẻ mà phản ánh sự điều chỉnh rộng rãi trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh hướng tới một vai trò toàn cầu chủ động hơn. Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của Washington và nút thắt của cuộc chiến ở Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa Bắc Kinh vào một tiến trình ngoại giao gần đến đích, niêm phong nó với huy hiệu của một cường quốc đã cam kết vì hòa bình. Nỗ lực của Trung Quốc là một phần của Sáng kiến An ninh Toàn cầu mới được đưa ra gần đây – một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc có ý định sử dụng thành công ngoại giao hàng đầu này như một bệ phóng để thúc đẩy vị thế quốc tế.

Sự tham gia trực tiếp chưa từng có của Trung Quốc vào một tranh chấp ngoại giao và an ninh tế nhị như vậy đặt ra câu hỏi liệu Bắc Kinh sẽ hành động như thế nào với tư cách là người bảo đảm cho việc nối lại quan hệ giữa Ảrập Xêút và Iran. Mặc dù không chắc rằng thỏa thuận bao gồm các điều khoản cụ thể liên quan đến vai trò của Bắc Kinh, nhưng các nhà bình luận dường như chấp nhận ý tưởng rằng Bắc Kinh cuối cùng sẽ giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ của Tehran.

Bằng cách đồng ý với sự tham gia của Trung Quốc, cả Iran và Ảrập Xêút đang cam kết thực hiện một quy trình nghiêm túc. Hai nước cũng có một thái độ tôn trọng nhất định đối với Trung Quốc, rất khác thái độ đối với Mỹ hay các nước châu Âu. Chưa bao giờ Tehran hay Riyadh có một hành động coi thường công khai Bắc Kinh. Ngược lại, cả hai nước đã nhiều lần trải thảm đỏ đón quan chức Trung Quốc trong những năm gần đây.

Cú hích ngoại giao cho khu vực

Thỏa thuận hòa giải bao gồm việc bổ nhiệm lại các đại sứ trong vòng hai tháng, sau cuộc họp sắp tới giữa bộ trưởng ngoại giao của hai nước. Nhưng quan trọng hơn, là cam kết của hai bên quay trở lại thực hiện hai hiệp định chính: Hiệp định chung về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, khoa học, văn hóa, thể thao và thanh niên, từ năm 1998 và Thỏa thuận hợp tác an ninh từ năm 2001, được ký dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami ở Iran và Vua Fahd ở Ảrập Xêút.

Không được đề cập trong thỏa thuận mới đây là những gì cả hai bên đã đồng ý liên quan đến việc chấm dứt bế tắc chính trị ở Yemen; cũng như các cuộc xung đột ủy nhiệm trên toàn khu vực, bao gồm cả ở Lebanon và Iraq. Nhưng không ai mong đợi một bước ngoặt lớn ở giai đoạn này. Bản thân việc hai bên chấp nhận khôi phục quan hệ ngoại giao đã có ý nghĩa rất lớn và mở đường cho đối thoại trực tiếp và cuối cùng là hợp tác.

Thỏa thuận chắc chắn là một chiến thắng lớn cho khu vực và hơn thế nữa. Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Iraq, Algeria, Ai Cập, Pakistan, Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, cũng như Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và GCC đều hoan nghênh thỏa thuận này.

Các nước trong khu vực rất muốn mở ra những chân trời mới và thỏa thuận này cuối cùng đã trở thành cánh cửa họ chờ đợi. Ngoại trưởng Ảrập Xêút Hoàng tử Faisal bin Farhan tuyên bố: “Các quốc gia trong khu vực có một số phận và mẫu số chung khiến chúng ta cần phải cùng nhau xây dựng một mô hình thịnh vượng và ổn định cho người dân của chúng”. Hiệp định này chắc chắn là một cú hích cho ngoại giao khu vực và mở ra cơ hội cho các thỏa thuận song phương và đa phương trong tương lai gần.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/trung-quoc-tim-kiem-gi-trong-thoa-thuan-hoa-giai-iran-arap-xeut-i318892/