Ủi cá đêm trên hồ Trị An

Đi thuyền trên hồ Trị An vào lúc nửa đêm, xem người dân đánh bắt cá và đón bình minh trên hồ là những trải nghiệm đầy thú vị mà bạn khó có thể quên.

Thuyền ủi cá cơm của gia đình anh Tuấn.

Hồ Trị An nằm trên sông Đồng Nai, cách thành phố Biên Hòa khoảng 30km theo quốc lộ 24. Cũng như các hồ nhân tạo khác ở Việt Nam, hồ Trị An được hình thành trong quá trình xây đập ngăn dòng chảy để làm thủy điện. Với diện tích mặt hồ 323km2, Trị An được xem là hồ nước lớn nhất Việt Nam (kể cả hồ tự nhiên và nhân tạo), xếp trên các tên tuổi nổi tiếng khác như hồ T'nưng, hồ Thác Bà, hồ Hòa Bình...

Trên hồ Trị An có hơn 40 đảo, trong đó có những đảo được khai thác du lịch như đảo Đồng Trường, đảo Chim Ó... Trị An là túi cá nước ngọt tự nhiên khổng lồ của cả vùng Đông Nam Bộ, là điểm hẹn lý tưởng của dân yêu thích câu cá. Nhưng lênh đênh trên thuyền cả đêm, tham gia đánh cá cùng người dân rồi thả lỏng người đón ánh mặt trời đầu tiên ló dạng trên mặt hồ là một trải nghiệm vô cùng thú vị.

Chúng tôi lên thuyền từ 1 giờ sáng, lênh đênh cả giờ trên hồ, từ xã Mã Đà, Vĩnh Cửu lên xã Phú Cường, Định Quán để đi bắt cá cơm, cá kìm. Mặt hồ đen thăm thẳm, chỉ có ánh sáng duy nhất từ những cây đèn dụ cá lấp lánh trên mặt nước. Con thuyền xuôi lênh đênh trên sóng nước dưới ánh trăng bàng bạc và trong cái mát lành của những cơn gió đêm. Để rồi khi trời còn chưa sáng, bạn sẽ trải nghiệm cảm giác của ngư phủ trên hồ khi cùng ngư dân đi ủi cá cơm.

Là người đã nhiều năm “lang thang” trên mảnh đất chiến khu Đ, ông Nguyễn Văn Mỹ (Du lịch Lửa Việt) cho biết, từ ngày có hồ Trị An, bà con Phú Cường có thêm nghề đánh bắt thủy sản, cả xã có hơn 50 thuyền, mỗi thuyền ít nhất 2 người. Có nhiều cách bắt cá cơm như lưới kéo khơi, lưới rê, te (còn gọi là ủi) và vó bằng đèn măng sông… Dân Trị An chủ yếu dùng cách te (chủ động) và lưới rê (thụ động).

Cá cơm vừa được đánh bắt lên.

Lưới te như chiếc vợt tổ chảng, nhỏ dần phần đáy (gọi là đụt) để chứa cá. Mắt lưới cá cơm chỉ 0,5cm, gọng lưới làm bằng tre hoặc gỗ, có dây thừng nối 2 đầu. Để dụ cá, mỗi thuyền dùng vài chục đèn măng sông đặt trên phao xốp, mỗi đèn cách nhau chừng 50 - 100m. Sau vài giờ, thuyền áp sát đèn độ 3m, hạ lưới te vào giữa và vớt đèn lên, cá rớt xuống đụt. Cứ thế xoay vòng lần lượt từng đèn cho tới sáng.

Ngồi trên chiếc thuyền ủi cá của gia đình anh Tuấn, tận mắt nhìn thấy anh điều khiển chiếc thuyền, hạ chiếc lưới xuống nước ủi theo đường cá. Anh cho biết, ủi cá cơm phải hạ lưới sâu chừng 3 - 4m, khi thấy nặng thuyền là cất lưới. Đêm nào anh cũng đi ủi từ khoảng 9 - 10 giờ tối đến chừng 3 - 4 giờ sáng là dừng, trung bình mỗi đêm ủi được khoảng 60 - 70kg cá cơm, lên bờ là có thương lái bao tiêu.

Khi trời hửng sáng, từng chiếc thuyền vội vã kéo những mẻ lưới cuối cùng cho kịp phiên chợ sáng. Đây là thời điểm đẹp và nhộn nhịp nhất trên hồ, chợ cá Phú Cường tấp nập đón ghe thuyền về, những con cá cơm, cá kìm nhảy lách tách, những con cá lăng, cá hoàng đế, cá lóc... tươi ngon là món quà tuyệt vời của hồ Trị An dành cho người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai cho biết, không chỉ khám phá hồ Trị An, tại đây du khách còn được tham quan Chiến khu Đ với với những chiến công vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của quân dân miền Đông Nam Bộ, đặc biệt được lang thang trong rừng Mã Đà, tìm hiểu hơn 40 loại lá rừng có thể ăn được như lá lộc vừng, chân voi, lá ngạnh, lá giang, lá tàu bay, lá trung quân..., hòa mình vào cái bạt ngàn xanh mát của rừng để cảm nhận sâu sắc thế nào là “rừng vàng, biển bạc” của mảnh đất Đồng Nai.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/ui-ca-dem-tren-ho-tri-an-197847.bld