Văn hóa giao thông từ ý thức của mỗi người

Vừa qua, một cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An), bị tạm đình chỉ công tác vì có hành vi dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính ô-tô sau khi va chạm giao thông.

Hình ảnh ông B. cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Thanh Thủy dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe ôtô khi xảy ra va chạm giao thông.

Theo đó, khi đang đi vào vòng xuyến ngã 5 đường Trường Thi-Lê Hồng Phong, TP Vinh, Nghệ An, xe máy do cán bộ hải quan điều khiển va chạm với xe ô-tô khiến xe máy đổ xuống đường. Sau khi va chạm, người này bất ngờ cởi mũ bảo hiểm đập vỡ kính lái của xe ô-tô, rồi tiếp tục ném mũ bảo hiểm vào người lái xe. Toàn bộ hành động này được người đi đường quay lại và đăng lên mạng xã hội. Sau khi xem video, nhiều người bày tỏ bất bình trước hành vi bạo lực của người này.

Sự việc nêu trên không còn là hình ảnh xa lạ mỗi khi xảy ra va chạm giao thông. Đáng chú ý, đã có những vụ xô xát gây thương tích nghiêm trọng và vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Va chạm khi tham gia giao thông nhiều khi chỉ là do vô ý, sơ suất cá nhân, nhưng khi xảy ra, một số cá nhân với suy nghĩ tiêu cực, nóng nảy, mất bình tĩnh đã dẫn đến những hành vi ứng xử thiếu văn minh, bạo lực.

Những vụ việc ẩu đả sau va chạm giao thông xuất hiện ngày càng nhiều thời gian gần đây đã phản ánh những vấn đề xã hội mà chúng ta không thể xem thường. Không ít vụ việc đánh nhau sau va chạm giao thông khiến có người phải nhập viện, không ít người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng điều đó chưa đủ răn đe để nhiều người thay đổi hành vi của mình. Dường như, một bộ phận người dân đang ngày càng thiếu kiềm chế, thiếu nhẫn nại và thiếu vị tha dẫn đến sẵn sàng “tự giải quyết” bằng mọi cách, bất chấp vi phạm pháp luật, văn hóa ứng xử giữa con người với con người.

Từ lâu, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được các cơ quan chức năng xây dựng, phát động. Văn hóa giao thông là những hành động, hành vi có văn hóa khi tham gia giao thông. Mục tiêu của xây dựng văn hóa giao thông là xây dựng thói quen tham gia giao thông văn minh lịch sự, hướng tới một xã hội giao thông an toàn, thân thiện. Do vậy, việc tìm ra các giải pháp để cải thiện văn hóa giao thông trong đời sống là hết sức cần thiết, là trách nhiệm của toàn xã hội, không của riêng ai hay một tổ chức nào.

Để xây dựng thành công văn hóa tham gia giao thông văn minh, trước hết các cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông, nhất là các trường hợp vì va chạm giao thông mà hành hung người khác. Bên cạnh đó, giải pháp tốt nhất và lâu dài là đưa nội dung văn hóa giao thông vào trong chương trình giảng dạy của các trường phổ thông. Các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng, thậm chí mở chiến dịch truyền thông về văn hóa giao thông trong toàn xã hội. Cần để văn hóa giao thông, ứng xử văn minh trong giao thông trở thành nét đẹp trong lối sống của mỗi người.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/van-hoa-giao-thong-tu-y-thuc-cua-moi-nguoi-post802143.html